1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dòng chảy vũ khí vẫn đổ vào nước Pháp

Vào tối thứ sáu tuần trước, rất nhiều tay súng đã xuất hiện ở thủ đô Paris cùng với những khẩu AK và xả súng vào người dân vô tội trong vụ thảm sát đẫm máu chưa từng có ở nước Pháp. Đối với một quốc gia cấm hầu hết các loại súng, tại sao những loại súng trường hỏa lực mạnh như vậy lại có thể xuất hiện?

Dòng chảy vũ khí vẫn đổ vào nước Pháp - 1

Dù đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, dòng chảy vũ khí vẫn đổ vào khắp các khu vực của châu Âu. (Nguồn: AFP)

Khi những quả bom phát nổ và sự hoảng loạn xuất hiện, một nhân chứng đã kể lại rằng những kẻ tấn công khủng bố đã sử dụng súng trường Kalashnikov – AK 47 – để bắn xuyên qua cửa kính của nhà hàng Le Petit Cambodge ở khu vực phía Bắc thủ đô Paris.

Vấn đề ở chỗ Pháp cấm người dân sở hữu gần như mọi loại súng, nên việc có được một khẩu súng trường hỏa lực mạnh như AK-47 gần như là điều không thể. Vậy những thứ vũ khí được sử dụng trong thứ Sáu ngày 13 đen tối vừa qua – còn chưa kể đến vụ tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo hồi đầu năm nay – đến từ đâu?

Câu trả lời là chính là ở khu vực Đông Âu, nơi mà việc mua bán các loại vũ khí cỡ nhỏ từ lâu đã trở thành một ngành kinh doanh đồ sộ và đen tối, và cũng là nơi mà chính quyền các nước khó có thể can thiệp được. Chính phủ Pháp và Liên minh châu Âu nhận thức rõ được rằng họ đang đối mặt với vấn nạn súng đạn trái phép tuồn từ bên ngoài vào; nhưng các nỗ lực nhằm ngăn chặn dòng chảy vũ khí này đến nay vẫn thất bại.

Hồi năm 2009, cảnh sát Pháp từng báo cáo rằng họ đã thu giữ được trên 1.500 vũ khí trái phép và con số này tăng lên đến 2.700 trong năm 2010. Số lượng các khẩu súng trái phép mà Pháp thu giữ thậm chí còn tăng ở mức hai con số phần trăm mỗi năm trong vài năm gần đây - theo Tổ chức Theo dõi tội phạm Quốc gia có trụ sở ở Paris.

Trong khi công tác thu giữ các loại vũ khí trái phép chỉ thu được một số lượng rất nhỏ so với các loại vũ khí sẵn có trên thị trường đen.

“Thực tế súng trường AK và súng phóng rocket có thể mua được với giá từ 300 đến 700 Euro 1 khẩu ở nhiều khu vực của châu Âu. Điều này chỉ ra rằng các tổ chức tội ác, các băng đảng đường phố hoặc các nhóm khủng bố có thể dễ dàng có được chúng” – Europol, cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), lý giải.

Một số lượng lớn các loại vũ khí này được tuồn từ Nga, qua các nước Balkan, và đến các phần còn lại của châu Âu, trong đó có cả Pháp. Những thứ vũ khí này đã tồn tại từ các cuộc xung đột ở thời điểm những năm 1990, và đến nay vẫn giữ được số lượng khoảng 6 triệu khẩu - theo một Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Vũ khí nhỏ (SAS) có trụ sở ở Thụy Sỹ.

Súng ống cuối cùng trở thành một món hàng xuất khẩu béo bở và Tây Âu chính là thị trường của nó. “Rất nhiều loại vũ khí trái phép được tuồn vào châu Âu qua khu vực Tây Balkan sau các cuộc xung đột ở khu vực này” – Europol cho biết.

Trong một Báo cáo hồi năm 2014, cảnh sát Slovakia đã chặn một xe tải cố đi vào nước này khi mang theo “một số lượng lớn súng ống và lựu đạn”. Chiếc xe tải này bị bắt giữ khi đang di chuyển từ Bosnia Herzegovina đến Thụy Điển - theo Europol.

Và đương nhiên, kể cả khi số lượng súng ống tồn tại từ những năm 1990 đến nay có cạn kiệt thì dòng chảy vũ khí từ Balkan vào châu Âu vẫn không ngừng lại. Theo bà Kathie Lynn Austin, chuyên gia về buôn lậu vũ khí, sự việc này là do dòng súng trường Kalashnikov hiện đại ngày nay đã được cải tiến rất nhiều, nên những khẩu súng cũ kỹ không được một số quốc gia sử dụng nữa mà chuyển vào kho dự trữ.

Vào ngày 6/3/2012, các nhà làm luật ở Pháp đã thông qua một bộ luật thắt chặt kiểm soát súng đạn và tăng khung hình phạt với những người sở hữu súng trái phép. Nhưng chỉ 5 ngày sau đó, Mohamed Merah – một phiến quân mang quốc tịch Pháp – đã thực hiện một vụ xả súng đẫm máu khiến 7 người thiệt mạng ở thành phố Toulouse trước khi bị cảnh sát bắn chết.

Số vũ khí mà Merah mang theo gồm 1 khẩu AK-47, 1 khẩu UZI, 1 khẩu bán tự động Sten, 1 khẩu súng săn và một vài khẩu súng lục – tất cả đều trái phép. Rõ ràng, kẻ thủ ác chỉ có được số vũ khí đồ sộ này từ chợ đen hoặc từ các tổ chức tội ác nào đó.

Còn hồi tháng 10-2014, cảnh sát Pháp cũng tổ chức lục soát hàng loạt ngôi nhà ở khắp đất nước, phá tan một tổ chức buôn lậu vũ khí qua mạng Internet, bắt giữ 48 kẻ tình nghi và thu giữ hàng trăm khẩu súng trái phép. Thế nhưng chỉ vài tháng sau, tức ngày 7-1-2015, một số kẻ tấn công mang theo AK-47 ập vào tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ở thủ đô Paris để bắn giết, khiến 12 người thiệt mạng.

Đến nay, vũ khí vẫn tuồn vào nước Pháp, đến tay những kẻ cực đoan. Và với những thứ nguy hiểm như vậy, nước Pháp vẫn không thể “ngủ ngon” trong nỗi ám ảnh các vụ tấn công khủng bố lúc nào cũng có thể xảy ra, như vụ việc kinh hoàng ngay giữa trái tim của thủ đô Paris vừa qua.

Theo Linh Chi

Đại đoàn kết

Dòng chảy vũ khí vẫn đổ vào nước Pháp - 2