Donald Trump đắc cử: Thế giới sẽ ít coi Mỹ là trung tâm hơn
Roland Schatz, chuyên gia truyền thông, triết học, lịch sử và chính trị, cho rằng dưới thời tổng thống Mỹ là Donald Trump, nước Mỹ sẽ hiện diện ở bên ngoài ít hơn, thế giới ít coi Mỹ là trung tâm hơn và điều đó tốt hơn.
Ông bình luận gì về kết quả này? Kết quả đó phản ánh mong muốn của cử tri thế nào?
- Tôi muốn bắt đầu bằng một tin tốt: Chiến dịch tranh cử 2016 minh họa rằng, không phải ngân sách quảng cáo mà chính là hình ảnh trên truyền thông quyết định ứng cử viên nào thắng cuộc. Trump tiêu chưa đến 800 triệu USD còn Clinton là 1,3 tỉ. Vì vậy nếu đây là vấn đề tiền, thì Clinton sẽ là tổng thống tiếp theo. Nhưng đây là vấn đề báo chí tạo ra hình ảnh như thế nào cho ứng cử viên, và câu trả lời rất nhanh chóng: Trump là kết quả của báo chí Mỹ chứ không phải ngược lại. Kết quả bầu cử 2016 không hẳn là sự phản ánh mong muốn của cử tri, mà là phản ứng với những thông tin mà báo chí đưa ra cho cử tri.
Tôi muốn giải thích điều này trong ba chi tiết: Thứ nhất, một nước Mỹ giận dữ không được hậu thuẫn bởi những dữ kiện thực tế của nền kinh tế, bởi sau khủng hoảng tài chính, số người có việc làm, số người có bảo hiểm y tế… đã tăng lên. Nhưng ý kiến mà các cơ quan truyền thông hàng đầu đưa ra cho khán giả là quá tiêu cực và quan trọng nhất là chúng mang tính độc đoán nhiều hơn là dựa trên thực tế.
Thứ hai, kể từ khi tổng thống da đen đầu tiên Barack Obama tiếp quản Nhà Trắng, báo chí rõ ràng đã đóng khung các chính trị gia theo cách cực kỳ có hại và gây ra cảm giác rằng “mọi người ở Washington đều tham nhũng” - những người ủng hộ của cả hai đảng đều đồng ý ở vấn đề này: Sự giận dữ sâu sắc của họ với chính giới.
Thứ ba, cách mà kênh CNN đưa tin về ngày bầu cử tự nó đã ảnh hưởng đến kết quả: Mọi người, kể cả Đảng Cộng hòa, đều chờ đợi rằng bà Hillary sẽ thắng, nhưng thực thế là CNN cần quảng cáo và vì vậy chỉ quan tâm đến “cuộc đua sít sao”, tạo ra cái mà chúng ta gọi là lời tiên tri tự thỏa mãn. Hãy nhớ lại năm 2000, họ đã làm điều đó trong cuộc đua tới ghế tổng thống giữa Al Gore với Bush. Trong một nền dân chủ thực sự không ai được phép đưa tin về kết quả đầu tiên trong khi quá trình bỏ phiếu vẫn đang diễn ra. Điều này đã đem lại cho Trump lợi thế khi ông có nhiều người theo dõi trên Twitter hơn: 13 triệu so với 10 triệu về phía bà Hillary.
Nước Mỹ sẽ ra sao sau bầu cử?
- Chúng ta đã thấy trong 8 năm qua, với Tổng thống Obama, rằng một tổng thống có ít quyền lực hơn so với mọi người nghĩ. Ông ấy thậm chí không nỗ lực thực hiện dự án cốt lõi của ông là chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Dự án này được tổ chức theo cách tồi tới mức Trump có thể dễ dàng phá hoại nó. Sẽ có một sự trì trệ dài hơn trong thời kỳ chuyển giao để trao đổi mọi công việc liên quan cho đến nay đang được điều hành bởi phe Dân chủ, khi mà Trump, vốn không có nền tảng và quan hệ tốt trong Đảng Cộng hòa, phải bổ nhiệm các vị trí trong nội các. Nước Mỹ sẽ hiện diện ít hơn ở bên ngoài nước Mỹ, bởi theo truyền thống thì Đảng Dân chủ cảm thấy nhiều trách nhiệm hơn về việc hành động bên ngoài đất nước, trong khi Đảng Cộng hòa thích tập trung vào phát triển bên trong biên giới của họ hơn. Phần còn lại của thế giới trong việc làm kinh doanh, chính trị, khoa học và văn hóa sẽ có xu hướng ngày càng ít lấy Mỹ làm tiêu điểm hơn, và điều đó về lâu dài chỉ tốt cho toàn thế giới nói chung, bởi sẽ không bao giờ là hay nếu chỉ một thực thể được xem là “dẫn dắt”, và phần còn lại phải đi theo.
Những vấn đề nào mà nước Mỹ đang đối mặt? Người chiến thắng nên làm gì trước tiên để khôi phục lòng tin của cử tri và đoàn kết nước Mỹ?
- Thứ nhất, thực thi tiêu chuẩn toàn cầu về bầu cử: Trong khi quá trình bỏ phiếu còn đang diễn ra thì không có thông tin nào được phép công bố, nếu không thì quy định cơ bản rằng mọi cử tri có quyền và sức mạnh bình đẳng sẽ không được thực thi, bởi những người bỏ phiếu muộn có thể tác động đến kết quả.
Thứ hai, thiết lập một cơ quan truyền thông sở hữu công và thực thi một sự minh bạch để kiểm tra xem những thông tin được cung cấp có phù hợp với các nguyên tắc báo chí hay không. Đây là sự cân bằng duy nhất để so sánh chất lượng thông tin do báo chí tư nhân cung cấp.
Thứ ba, không chỉ nói về hiến pháp vào ngày chủ nhật tại các sự kiện tưởng niệm nữa, mà cần đảm bảo rằng trong suốt cả tuần mỗi người ở nước Mỹ đều có ấn tượng rằng hiến pháp này là một thực tế với họ. Quy mô của các nhóm bị cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong xã hội Mỹ đã tăng lên trong những thập kỷ qua, cả dưới chính thể của phe Dân chủ lẫn phe Cộng hòa.
Liệu Trump có nhiều cơ hội thành công không?
- Mỗi người thắng cuộc đều có cơ hội, nhưng cho đến nay Trump chưa tạo ra được bằng chứng nào trong hồ sơ của mình rằng đây sẽ là một thành công hơn là chỉ cho chính ông, gia đình ông, những người giúp ông vào được Nhà Trắng trái ngược với các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Tại sao Trump lại thu hút được nhiều cử tri đến vậy, cho dù ông ấy có nhiều quan điểm tranh cãi?
- Bởi vì chính báo chí đã tạo ra giọng điệu mà dựa vào đó Trump có thể chỉ trích. Ngược với báo chí Việt Nam, báo chí Mỹ đầy những thông tin thiếu tôn trọng và tiêu cực về mọi thể chế và cá nhân. Người Hồi giáo hiện diện trên báo chí Mỹ với tỉ lệ chung là âm 60 – 80% trong 15 năm qua, và điều đó khiến Trump có thể nói tiêu cực về họ. Người nhập cư trở thành những hình ảnh rập khuôn trên báo chí Mỹ, và hậu quả là Trump dễ dàng chỉ trích công nhân Mexico. Đây không chỉ là vấn đề của Mỹ mà cả của Châu Âu, nơi số người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang gia tăng và lợi dụng những tình cảm tiêu cực với người nhập cư và người Hồi giáo đã bị định hình trong những ý kiến mà báo chí dẫn dắt.
Theo Mỹ Hằng