1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đòn bẩy hạ tầng Trung Quốc – Bài 1: Bắc Kinh "trung tâm hóa" vùng rìa

Việc xây dựng các tuyến đường xuyên quốc gia được Bắc Kinh sử dụng để kết nối các nước nhằm thúc đẩy sự phát triển các vùng đất còn nghèo đói của nước này.

LTS: Ngay tại khu vực Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng sông Mekong… vấn đề xây dựng hạ tầng của Trung Quốc đặt ra những thách thức về mặt chiến lược đối với các quốc gia. Pháp Luật Thành phố HCM khởi đăng loạt bài “Đòn bẩy hạ tầng Trung Quốc” nhằm cung cấp độc giả cái nhìn toàn cảnh về “những con đường chiến lược” của chính quyền Bắc Kinh tại khu vực tiểu vùng sông Mekong nói riêng và châu Á nói chung.

Chiến lược “thông máu” giữa các nước GMS

Khu vực tiểu vùng sông Mekong (gọi tắt là GMS) là khu vực bao gồm lãnh thổ của sáu quốc gia: Trung Quốc (gồm Tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), Myanamar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam; được kết nối với nhau qua ba kênh chính: Sông Mekong (khởi nguồn từ Trung Quốc); Chín hành lang kinh tế; và các liên kết về văn hóa, xã hội. Từ khi Chương trình hợp tác kinh tế GMS được triển khai năm 1992, các quốc gia GMS đã cùng hợp tác tăng cường các chương trình đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực giao thông chiếm hơn 90% vốn đầu tư.

Dựa trên các số liệu về thương mại và các yếu tố liên quan thương mại của 30 cặp quan hệ kinh tế (Vân nam – Thái Lan, Thái Lan – Lào, Lào – Việt Nam, Vân Nam – Việt Nam…) từ sáu quốc gia GMS được thu thập từ năm 1981 đến năm 2003, nhóm tác giả Christopher Edmonds và Manabu Fujimura tiến hành nghiên cứu “Tác động của hệ hạ tầng giao thông xuyên quốc gia đối với thương mại và đầu tư tại GMS” và đi đến kết luận sự phát triển hạ tầng giao thông xuyên biên giới đã tạo ra ảnh hưởng tích cực, trở thành động lực quan trọng kích thích mua bán trao đổi hàng hóa trong khu vực GMS.

Đây là một trong những lý do chính thúc đẩy các quốc gia GMS phát triển hệ thống hạ tầng giao thông từ những năm cuối thế kỷ 20 đến nay. Quá trình mở rộng và hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông GMS đã tái định hình khu vực, trong đó nổi bật là sự xuất hiện “vùng tập trung quốc tế” (mà Trung Quốc gọi là International Hub) - nhân tố tác động đến mức độ hội nhập của từng vùng khác nhau, từng quốc gia khác nhau trong khu vực.

Gần đây, các quốc gia GMS đã đề ra Chương trình khung Đầu tư khu vực (RIF) hướng tới phát triển các dự án liên quan tới giao thông gắn với các định hướng trong khuôn khổ chiến lược mới. Các dự án giao thông khu vực hứa hẹn “thông máu” các nền kinh tế khu vực GMS, giúp việc di chuyển hàng hóa giữa các nước ngày càng trở nên dễ dàng, thuận lợi.

Nước cờ “tây nam tiến” của Trung Quốc

Trong chiến lược phát triển liên tục hệ thống giao thông tại GMS, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là Trung Quốc chọn lựa những “quân cờ” mang tính chiến lược – vừa giúp nền kinh tế Trung Quốc phát triển về mặt tổng thể, vừa nâng tầm các vùng kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu của Trung Quốc nhưng nằm trong liên kết với các nước GMS còn lại. Rõ ràng và cụ thể nhất chính là hai tỉnh Quảng Tây, và đặc biệt quan trọng là Vân Nam thông qua chiến lược “Tiến về phía tây nam”.

Theo ba bản báo cáo nhà nước vào các năm 2002, 2005 và 2008 về việc tham gia vào tiểu vùng Mekong được đưa ra bởi Ủy ban Phát triển và Cải cách Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Bộ tài chính Trung Quốc, mục tiêu tổng quát của Trung Quốc là nối các vùng đất hàng lang giữa tây nam Trung Quốc (cụ thể là tỉnh Vân Nam) với bán đảo Đông Dương, kết nối thị trường giữa tây nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Đó là lý do mà từ năm 1992, Trung Quốc đã rất nỗ lực kết nối tỉnh Vân Nam (và sau này còn có thêm vùng Quảng Tây) với các quốc gia khu vực GMS.

Trung Quốc đầu tư sâu và rộng hệ thống giao thông tại 5 quốc gia GMS. (Ảnh:

Trung Quốc đầu tư sâu và rộng hệ thống giao thông tại 5 quốc gia GMS. (Ảnh: EFR)

Tỉnh Vân Nam nằm ở khu vực biên giới phía tây nam của Trung Quốc, tiếp giáp với Lào, Myanmar và Việt Nam ở phía tây và phía nam, có đường biên giới dài 4060 km và gần với Thái Lan, Campuchia, Bangladesh và Ấn Độ. Vì lí do lịch sử, dù sở hữu tài nguyên thiên nhiên phong phú và lợi thế địa lý tiếp cận với thị trường Đông Nam Á, nhưng Vân Nam vẫn trong tình trạng nghèo đói, kém phát triển suốt thời gian dài. Điều này thôi thúc chính quyền Bắc Kinh tận dụng chính sách đầu tư hạ tầng, giao thông GMS để Vân Nam có thể mở rộng cửa ngõ giao lưu với Đông Nam Á và Nam Á.

Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Nhóm phối hợp nghiên cứu quốc gia về việc phát triển tiểu vùng sông Langcang – Mekong vào năm 1994. Bên cạnh việc triển khai các dự án đã đề ra, Trung Quốc còn chi 30 triệu USD cho việc xây dựng đường cao tốc từ thành phố của tỉnh Vân Nam, Côn Minh, sang thủ đô Bangkok (Thái Lan), chạy qua Lào; 5 triệu USD cho việc dự án cải tiến kênh hàng hải tại khu vực thượng nguồn sông Mekong. Năm 2008, Trung Quốc cam kết chi 20 triệu nhân dân tệ để tiến hành nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng một đường tàu nối phần phía đông Singapore với Côn Minh.

Giai đoạn 2014-2018, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, các nước chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông của Trung Quốc tại GMS, với khoảng 75% vốn đổ vào các con đường xuyên quốc gia tại khu vực do Trung Quốc đầu tư torng bối cảnh nguồn lực của các nước GMS còn lại rất hạn chế.

Sự phình to bất cân xứng tại khu vực

Năm 1992, Trung Quốc mở ra ba vùng kinh tế biên giới, gồm Thụy Lệ, Wanding, và Hà Khẩu. Đến tháng 5-2011, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố “Hỗ trợ Đẩy mạnh Xây dựng Vân Nam trở thành một tiền đồn quan trọng của khu vực Tây Nam”, với thành phố Côn Minh trở thành một Vùng tập trung Quốc tế của khu vực Tây Nam Trung Quốc trong định hướng phát triển với các quốc gia GMS. Đến tháng 5-2013, Vân Nam thành lập sáu vùng hợp tác kinh tế biên giới. Bắc Kinh xây dựng một Vòng kinh tế Trung tâm Vân Nam bằng cách kết nối bốn thành phố Côn Minh, Khúc Tĩnh, Ngọc Khê, và Sở Hùng, với Côn Minh làm trung tâm.

Hầu hết các giao dịch thương mại giữa Trung Quốc với Lào, Myanmar tập trung tại Vân Nam. GDP của tỉnh Vân Nam tăng mạnh từ 33 tỷ USD năm 2000 lên 160 tỷ USD năm 2012, và tỉnh này quyết tâm đẩy con số này lên gấp đôi vào năm 2017 thông qua việc đẩy mạnh giao thương xuyên biên giới.

Côn Minh trở thành điểm tập trung quan trọng và chính yếu trong các hoạt động kinh tế thu hút sự tham gia của các quốc gia trong khu vực như Lào, Myanmar, Việt Nam và nhiều nước khác. Chiến lược đầu tư hạ tầng của Trung Quốc khiến Vân Nam “phình to”, trở thành Vùng tập Trung với sự giao thoa của hầu hết các tuyến đường bộ, đường sắt, đường viễn thông, lẫn đường năng lượng. Thông qua “quân cờ” này, Trung Quốc tiến hành các chính sách sản xuất và thương mại với các quốc gia khu vực GMS.

Nỗi lo “lệch khỏi trục chính”

Cho dù việc phát triển thương mại Trung Quốc-Đông Nam Á tăng, nhưng Trung Quốc chỉ hợp tác với GMS thông qua “con bài” Vân Nam – một vùng tập trung quốc tế. Bên cạnh đó, xét tổng thể GMS, hạ tầng giao thông chỉ giao thoa tại ba địa điểm chính, bao gồm Vân Nam (Trung Quốc), Viên Chăn (Lào) và Bangkok (Thái Lan). Điều này mở ra nhiều quan ngại rằng một số quốc gia khác trong GMS (trong đó có Việt Nam) nằm trong “trục đường phụ”, thiếu sức ảnh hưởng và khả năng “mặc cả” khi tiến hành hoạt động thương mại với Trung Quốc (mà Vân Nam đóng vai trò là một vùng tập trung quan trọng), và các quốc gia khác.

 
Theo Đỗ Thiện
Pháp luật TPHCM