1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung: Kết quả hạn chế

(Dân trí) - Chuyên gia David Dollar của Viện Brookings, Mỹ cho rằng cuộc đối thoại thường niên Trung-Mỹ lần này "chắc chắn không có kết quả cụ thể nào" bởi cả hai bên đều muốn dành các tuyên bố quan trọng cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông. (Ảnh:

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt tay Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Diên Đông. (Ảnh: Getty Image)

Mục đích thực sự nhỏ bé

Phái đoàn Trung Quốc gồm 400 thành viên do Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì dẫn đầu tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên Mỹ - Trung Quốc (S&ED) lần thứ 7, tổ chức tại Washington DC, Mỹ, trong 2 ngày 23-24/6 vừa qua. 

Trong một số phiên họp, có sự chủ trì của 2 Phó Thủ tướng Trung Quốc là Uông Dương và Lưu Diên Đông. Trưởng đoàn phía Mỹ đồng chủ trì các phiên họp là các Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry và Tài chính Jacob Lew. Ngoài ra, có thêm Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia chủ trì phiên đối thoại ngày thứ Tư 24/6.

Bình luận về S&ED năm nay, chuyên gia David Dollar của Viện Brookings đã nhận xét: “Chắc chắn không có kết quả cụ thể nào vì: thứ nhất, vấn đề duy nhất cần bàn thảo trong quan hệ kinh tế là Hiệp định đầu tư song phương; thứ hai, cả hai bên đều muốn dành các tuyên bố quan trọng cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.”

Phía Trung Quốc cũng không che giấu ý đồ đó với bài viết của Phó Thủ tướng Uông Dương đăng trên thời báo Wall Street Journal ngày 17/6 “cuộc gặp lần này nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 9.”

Các chủ đề "nóng" nhưng kết quả hạn chế

Tuy nhiên, không vì thế mà chủ đề trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc trong các phiên đối thoại của S&ED bớt căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố nội dung các vấn đề hai bên thảo luận trải dài từ an ninh hàng hải chiến lược, an ninh mạng… tới các vấn đề an ninh khu vực như Bắc Triều Tiêu, Iran, Afghanistan. Đương nhiên, với phía Mỹ, Biển Đông là chủ đề trao đổi nóng nhất.

Chuyên gia của Viện Brookings và các hãng thông tấn lớn như AP, CNBC,  Diplomat, Forbes… đều nhận định hành động và thái độ của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông là chủ đề nóng nhất và được quan tâm nhiều nhất trong kỳ Đối thoại lần này. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như kinh tế, thương mai và đầu tư, tội phạm internet và biến đổi khí hậu cũng được cho là quan trọng trên bàn thảo luận Mỹ - Trung.

Tuy thế, điều đáng chú ý là hầu hết các chuyên gia đều nhận định không nên trông đợi nhiều ở kết quả của S&ED 2015, dù là lĩnh vực kinh tế, đầu tư, an ninh hay chiến lược.

Vấn đề an ninh mạng

Vấn đề an ninh được nhắc đến trong các buổi thảo luận giữa ông John Kerry và ông Dương Khiết Trì. Vấn đề an ninh mạng nổi bật với vụ việc mới diễn ra đầu tháng 6 này khi một cuộc tấn công ồ ạt của tin tặc, nghi là từ Trung Quốc, nhằm đánh cắp đến 4 triệu hồ sơ quản lý nhân sự.

Các quan chức Mỹ, kể cả Tổng thống Barak Obama đều ám chỉ chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ tấn công này. Tuy nhiên, tới thời điểm trước thềm S&ED 2015 thì quan chức Mỹ ngừng quy kết chính phủ Trung Quốc đồng phạm vụ tấn công mạng đánh cắp thông tin của hàng triệu hồ sơ nhân sự Mỹ, cho dù khi lần theo dấu vết, tình báo Mỹ đã tìm thấy các nhóm tin tặc ở Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích không thể không đặt câu hỏi về động cơ ăn cắp thông tin và đánh lạc hướng của tin tặc nghi là từ Trung Quốc này và những thế lực hắc ám đứng sau.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew phát biểu: “Chúng tôi rất lo ngại về việc Chính phủ Trung Quốc tài trợ các vụ tin tặc đánh cắp thông tin kinh doanh mật và sở hữu công nghệ của các công ty Mỹ.”

Quan chức duy nhất của Trung Quốc đáp lại chỉ trích về vụ tấn công mạng là ông Dương Khiết Trì: “Chúng tôi tin rằng vấn đề an ninh mạng là rất quan trọng. Chúng tôi nghĩ các nước nên làm việc cùng nhau để phát triển bộ luật ứng xử quốc tế cho vấn đề chia sẻ thông tin mạng.”

Hợp tác kinh tế: Chờ chuyến thăm Mỹ của ông Tập

Như thường lệ, Trung Quốc rất thành công khi đưa vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư để xoa dịu và đánh lạc hướng Mỹ. Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Mỹ đã tăng gấp 5 lần với trị giá gần 50 tỷ USD, tạo  ra 80.000 việc làm trên khắp nước Mỹ. Ông Uông cho rằng con số này sẽ tăng khoảng từ 100 đến 200 tỷ USD vào năm 2020 và tiếp tục tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người Mỹ.

Ông Uông Dương cũng không quên "rót mật" rằng với Hiệp định đầu tư song phương được ký kết, các doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng quy chế “đãi ngộ quốc gia”, tức là giống như doanh nghiệp sở tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Uông cũng nhắc lại báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu rõ rằng đồng NDT đã lên giá 35% so với đồng USD và không còn là đồng tiền bị đánh giá thấp hơn thực tế nữa. Điều này có hàm ý rõ ràng là hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên rẻ hơn ở Trung Quốc và là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, Hiệp định đầu tư song phương (BIT) còn phải chờ thời điểm tháng 9 tới. “Hai bên khẳng định rằng đàm phán về BIT tiêu chuẩn cao là một ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, đồng thời cam kết vào đầu tháng 9 sẽ đẩy mạnh đàm phán và trao đổi theo hướng tích cực các đề xuất còn chưa thống nhất.” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew nói.

Vấn đề Biển Đông: Trao đổi thẳng thắn nhưng còn hạn chế

Phiên thảo luận chiến lược có hai đồng chủ trì là hai ông John Kerry và Dương Khiết Trì diễn ra với trao đổi khá thẳng thắn từ phía Mỹ. Đúng như dự kiến, chủ đề Biển Đông đã phủ bóng lên các thảo luận chiến lược.

Đáng chú nhất là phát biểu của Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry. Ông Biden thẳng thắn cánh báo Bắc Kinh khi cho rằng giao thông hàng hải phải “được mở và được bảo vệ” để hàng hóa lưu thông.

“Các nước có trách nhiệm tuân thủ luật quốc tế và cùng nhau duy trì hàng hải thông suốt để thương mại tự do. 80% trao đổi thương mại ngày nay là nhờ vận tải biển.” Ông Biden tiếp tục phát biểu.

Còn ông Kerry chỉ trích kế hoạch của Trung Quốc mở rộng xây dựng các căn cứ ở vùng  biển đang có tranh chấp với các nước láng giềng. Ông Kerry nói “điều cần thiết là phải giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.”

Đáp lại các chỉ trích trực tiếp hoặc xa xôi của các ông Biden và Kerry, Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương đồng ý rằng có những điểm Bắc Kinh và Washington không thống nhất. Tuy nhiên, ông Uông nhấn mạnh: “Các nhà hoạch định chính sách cả hai nước phải luôn nhớ rằng đối đầu là một "trò chơi có tính tiêu cực", trong đó cả hai bên đều sẽ trả giá đắt và thế giới cũng phải chịu theo.”

Ông Uông đã cải biến khái niệm "kẻ thắng - người thua" (Zero Sum) thành "trò chơi mang tính tiêu cực". Cho dù vẫn giữ giọng điệu nước lớn nhưng cải biến của ông Uông đã cho thấy một thái độ mềm mỏng hơn với Mỹ rất nhiều.

Còn bà Lưu Diên Đông thì đáp lời ông Biden một cách hoa mỹ và bài bản hơn khi nói rằng các khác biệt có thể giải quyết được “chừng nào hai nước chúng ta chấp nhận tương lai chung, tôn trọng và thích ứng với lợi ích chủ chốt của mỗi bên.”

Nhìn chung, kết quả thu được sau Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung 2015 là rất hạn chế. Cả hai bên đối thoại đều muốn giảm cẳng thẳng trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2015.

Có lẽ vì thế khi trao đổi về những khác biệt, hai bên Mỹ - Trung đã không có phản ứng đúng như thường lệ. Hãng tin Trung Quốc Xinhua đã nhắc lại phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này rằng các cuộc thảo luận là cơ hội để “thúc đẩy hình mẫu mối quan hệ siêu cường kiểu mới.”
 
Minh Châu