1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ít khả năng Mỹ can dự trực tiếp vào tranh chấp Biển Đông

(Dân trí) - Biển Đông ngày càng trở thành vấn đề trọng tâm trong quan hệ Mỹ - Trung, nhưng Mỹ có thể tìm cách tránh can dự trực tiếp vào tranh chấp lãnh thổ phức tạp ở Biển Đông, mặc dù phản đối mạnh mẽ cách hành xử của Trung Quốc tại đây.

Tuy nhiên, sự tránh né của Washington có lẽ sẽ không nhiều nữa nếu theo dõi các bất đồng Trung – Mỹ ngày càng lớn xung quanh việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Dù các dự án bồi đắp đó có thể sắp kết thúc, chúng vẫn khiến cho Mỹ thêm lo lắng về tự do hàng hải ở khu vực này và do vậy, khả năng Washington can dự vào Biển Đông vẫn được không ít chuyên gia dự đoán là nhiều hơn bao giờ hết.

Trung Quốc muốn gì?

Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại 8 đá ngầm ở Biển Đông không thể giải thích được bằng các mục tiêu kinh tế thông thường, hoặc trữ lượng cá biển đang ngày càng cạn kiệt quanh khu vực quần đảo Trường Sa. Mặc dù Biển Đông có một trữ lượng dầu mỏ khá lớn nhưng chi phí khai thác rất cao do là vùng nước sâu, cộng với rủi ro chính trị khiến cho việc khai thác hiện nay trở nên không có lãi. Thêm nữa, hầu hết các điểm đã được biết là có tài nguyên thiên nhiên thì đều nằm ngoài khu vực bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Bắc Kinh hẳn là hy vọng có thể củng cố các yêu sách về chủ quyền của họ ở khu vực nằm cách bờ biển của Trung Quốc hàng nghìn km và gia cố căn cứ quân sự trên Biển Đông. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bắc Kinh thường viện dẫn luận điểm “nhằm đáp ứng các yêu cầu quốc phòng cần thiết” để nói về dự án bồi đắp đảo nhân tạo của mình. Sau quá trình Trung Quốc bồi đắp và xây dựng đường băng cất hạ cánh máy bay trên Đá Chữ Thập, quan sát vệ tinh cho thấy có hai khẩu pháo đã được đặt ở đảo nhân tạo này (mà sau đó Bắc Kinh nhanh chóng giấu đi đâu đó?)

Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. (Ảnh:
Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. (Ảnh: CSIS)
 
Dù khả năng phòng thủ theo đánh giá của các chuyên gia là kém trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các đảo nhân tạo này vẫn đem lại cho Trung Quốc những lợi thế chiến lược lớn trong vai trò căn cứ trung chuyển.
 
Chúng sẽ giúp mở rộng tầm hoạt động của tàu thuyền và máy bay của Trung Quốc. Các sân bay trực thăng dã chiến cũng tăng cường năng lực chống ngầm của quân đội nước này. Tương tự, hạm đội tàu hải giám bán vũ trang cũng có được những trạm tiếp liệu mới. Cuối cùng, các vị trí đảo bồi đắp nằm đúng trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới với giá trị hàng hóa lưu thông qua lại tới 5.000 tỷ USD, có ý nghĩa sống còn với “đại đối thủ” của Trung Quốc là Nhật Bản.
 
Hoạt động bồi đắp phi pháp

Bằng cách bơm hút cát ở đáy biển rồi bồi đắp cho các đá ngầm hoặc rặng san hô nằm dưới mặt nước biển, Trung Quốc đã tạo ra 8 đảo nhân tạo ở Biển Đông. Hành động này vi phạm Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) mà các nước liên quan, trong đó có Trung Quốc, đã ký kết năm 2002. Theo đó, các nước cam kết “kiềm chế các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
 
Diện tích khu vực mà Trung Quốc đòi chủ quyền đã tăng từ 2 hecta vào năm 2014, lên thành 202 hecta vào tháng 1/2015 và đến tháng 6/2015, con số này là 809 hecta, nhiều hơn tổng diện tích đòi chủ quyền của tất cả các nước liên quan khác cộng lại.
 
Như vậy, chưa cần xét đến quy định theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) với các đảo, đá và đá ngầm thì hành động ngang ngược của Trung Quốc là vi phạm những cam kết mà chính nước này đã ký kết, vi phạm những tuyên bố về hòa bình, ổn định mà nước này thường lớn tiếng rao giảng.
 
Hoạt động bồi đắp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. (Ảnh:
Một sĩ quan Mỹ trên chiếc P-8 Poseidon đang chỉ vị trí đá Chữ Thập mà Trung Quốc bồi đắp trái phép. (Ảnh: Diplomat)
 
Biển Đông là vấn đề chiến lược của Mỹ
 
Hành động bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Việc giám sát tự do hàng hải của Mỹ tại khu vực này từ nay trở thành có liên quan đến tranh chấp chủ quyền.
 
Đó là lý do chính quyền Obama phải nhanh chóng và trực tiếp tiến hành hoạt động thách thức đòi hòi chủ quyền với các đảo bồi đắp nhân tạo của phía Trung Quốc. Các tàu và máy bay quân sự của Mỹ tuần tra trong phạm vi giới hạn hợp pháp theo UNCLOS theo đúng “nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải” mà Mỹ đã tiến hành từ năm 1979. Hoạt động này tương tự như Mỹ đã từng làm trên biển Hoa Đông năm 2013 khi Trung Quốc lộ ý đồ thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Tình trạng Biển Đông lúc này giữa Washington và Bắc Kinh giống như trò “mèo vờn chuột” để xem động tĩnh của nhau.
 
Trong chuyến tuần tra của một máy bay P-8 Poseidon bay qua khu vực đó, phóng viên kênh CNN trên cùng chuyến bay đã ghi nhận có giọng nói nhận là của “Hải quân Trung Quốc” và yêu cầu chiếc P-8 rút ngay khỏi “vùng cảnh báo quân sự.” Nếu như Bắc Kinh còn chưa tiết lộ ý đồ coi các đảo nhân tạo đó là gì thì vụ việc chiếc P-8 Poseidon là bằng chứng cho thấy ẩn ý phía sau là có ý định nâng cấp các đòi hỏi của Trung Quốc mà không đếm xỉa đến UNCLOS.
 
Một số quan chức Mỹ đã đề cập đến thử nghiệm tiếp theo, một bước hợp lý là tiếp tục cho máy bay và tàu chiến tuần tra trong phạm vi 12 hải lý với các đảo nhân tạo đó. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã phát biểu rằng lực lượng Mỹ “sẽ bay, bơi qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, giống như quân đội Mỹ vẫn làm ở khắp nơi trên thế giới.”
 
Các động thái ngoại giao mới đây trước và trong Đối thoại Kinh tế và Chiến lược thường niên Mỹ - Trung (S&ED) có thể nhằm giúp S&ED 2015 diễn ra êm ả. Nhưng nếu dựa vào đó để dư luận trông đợi một sự thay đổi căn bản trong chiến lược biển của Trung Quốc thì chắc chắn sẽ thất vọng tràn trề.
 
Tương tự, Mỹ càng chờ đợi một tiền lệ thách thức mới thì càng ít khả năng có thêm tiền lệ. Mỹ càng trì hoãn thì càng khiến triển vọng xung đột lớn thêm và Bắc Kinh càng có cơ hội quy kết Mỹ “phá vỡ nguyên trạng” một khi có hoạt động tuần tra thách thức chủ quyền của Mỹ. Thêm nữa, việc trì hoãn sẽ làm tăng thêm hoài nghi “trục châu Á” của Mỹ chỉ là sáng kiến “đầu voi đuôi chuột” nặng tính hình thức hơn là thực chất.
 
Mỹ được dự đoán sẽ không hành động khiến cho các đối tác của Washington trong khu vực thêm lo lắng, nhất là trong bối cảnh nhiệm kỳ Tổng thống Obama sắp kết thúc.
Nhiều chuyên gia Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN cho rằng trong 18 tháng tới sẽ càng có nhiều hành động hiếu chiến hơn nữa từ phía Bắc Kinh, vì nước này cũng rất lo lắng Tổng thống kế nhiệm ông Obama có thể là người có lập trường cứng rắn hơn
(!?)
 
Hoài My
Theo Diplomat