“Đội quân” tâm lý trấn an nỗi sợ hãi của người Trung Quốc trước dịch corona
(Dân trí) - Được ví như chiếc khẩu trang “vô hình”, đội ngũ chăm sóc sức khỏe tinh thần đã góp phần trấn an nỗi sợ hãi của người dân cũng như các y bác sĩ khi phải đối mặt với dịch corona tại Trung Quốc.
Đội ngũ chăm sóc sức khỏe tinh thần toàn diện và kịp thời đã được triển khai trên toàn đất nước Trung Quốc trong cuộc chiến với dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra. Sứ mệnh của họ là giúp xoa dịu cú sốc của người dân về dịch bệnh nguy hiểm này.
Virus COVID-19 tính đến nay đã cướp đi sinh mạng hơn 1.300 người và khiến gần 60.000 người bị lây nhiễm, trong đó thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch, chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Để dập tắt nỗi sợ hãi về dịch bệnh và giải quyết những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm lý của người dân, Vũ Hán đã thiết lập hai đường dây nóng 24/7, bắt đầu từ ngày 23/1 khi thành phố này bị phong tỏa. Dịch vụ này do Bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán và Hội Tư vấn Tâm lý Hồ Bắc hỗ trợ.
“Chúng tôi nhận được trung bình gần 100 cuộc gọi từ người dân mỗi ngày, nhưng chỉ có 5 cuộc gọi từ nhân viên y tế”, Xiao Jinsong, người đứng đầu Hội Tư vấn Tâm lý Hồ Bắc cho biết.
“Phần lớn các nhân viên y tế ở tuyến đầu đều đang tập trung toàn lực vào công việc của họ. Họ gần như không có thời gian để thư giãn và phải che đậy cả những cảm xúc tiêu cực. Một số y bác sĩ đã quen làm việc với áp lực lớn, tuy nhiên điều này không có lợi cho sức khỏe tinh thần của họ”, Xiao nói, đồng thời khuyên các nhân viên y tế làm việc tại tuyến đầu chống dịch nên giải tỏa những cảm xúc tiêu cực của họ trước khi quay trở lại làm việc.
Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc chiến chống dịch corona, Vũ Hán chưa bao giờ bị bỏ lại một mình.
Nhóm tăng viện thứ hai gồm 148 nhân viên y tế Thượng Hải đã được điều động vào ngày 28/1 để hỗ trợ Bệnh viện Số 3 Vũ Hán. Nhóm này đã thiết lập các phòng tư vấn tâm lý, gồm các chuyên gia tâm lý và các y tá, tại bệnh viện nơi họ làm việc và khách sạn nơi họ ở, để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân và đội ngũ y bác sĩ.
“Các dịch vụ trực tuyến cũng được triển khai và những ai có nhu cầu có thể liên hệ với chúng tôi bằng cách quét mã QR của chúng tôi trên ứng dụng WeChat. Ngoài ra, các chuyên gia ở Thượng Hải cũng được kết nối để hỗ trợ tâm lý trực tuyến”, Shi Weixiong, một thành viên của nhóm, cho biết.
Ngày 4/2, một nhóm cứu trợ y tế khẩn cấp gồm 55 người từ Bệnh viện Đông Thượng Hải thuộc Đại học Tongji đã được cử tới Vũ Hán. Nhóm này đã khởi động một chương trình tập huấn tâm lý cho các thành viên và hỗ trợ tâm lý cho các nhân viên y tế ở tuyến đầu tại Vũ Hán.
Theo Liu Zhongmin, người đứng đầu Bệnh viện Đông Thượng Hải, bệnh viện đã biên soạn một cuốn sách về tự chăm sóc sức khỏe tâm lý. Hơn 95.000 bản cứng của cuốn sách đã được phát miễn phí cho người dân ở Hồ Bắc và Thượng Hải, ngoài ra bản điện tử cũng có thể được tải miễn phí trên mạng.
Triển khai trên cả nước
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố hướng dẫn cho các chính quyền địa phương để thúc đẩy việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tâm lý cho các bệnh nhân, nhân viên y tế và những người đang bị theo dõi về sức khỏe.
Trung Quốc đã thiết lập một đường dây nóng về sức khỏe tinh thần cho những người gặp các vấn đề tâm lý liên quan tới dịch corona. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng khuyến khích mở thêm nhiều dịch vụ tư vấn tâm lý qua điện thoại và qua mạng trên quy mô cả nước.
Tính đến nay, các tỉnh Hồ Bắc, Sơn Tây, Thiểm Tây, Sơn Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Giang Tô và Hà Nam đều đã mở các đường dây nóng về chăm sóc tâm lý trong bối cảnh dịch corona ngày càng bùng phát mạnh mẽ.
Thượng Hải là một trong những thành phố đầu tiên tại Trung Quốc cử các chuyên gia tâm lý tới các phòng cách ly.
Một số bệnh nhân, những người mang trong mình nỗi sợ hãi, lo lắng, buồn bã và tuyệt vọng về bệnh dịch, cần sự hỗ trợ về tâm lý. Không chỉ các bệnh nhân, mà các y bác sĩ cũng cần giúp đỡ khi họ phải làm việc suốt thời gian dài, dưới áp lực cao và cảm giác tội lỗi với gia đình.
“Một trạng thái tinh thần ổn định có thể làm giảm bớt sự tức giận và lo âu, từ đó tốt cho việc điều trị. Bằng việc tư vấn tâm lý và sử dụng thuốc phù hợp, biện pháp tâm lý có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống dịch bệnh”, Chen Jun, chuyên gia tại Trung tâm Sức khỏe Tinh thần Thượng Hải, nhận định.
Nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội, nhiều nhóm hỗ trợ tâm lý đã cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho các bệnh nhân bị căng thẳng bởi dịch bệnh. Đại học Vũ Hán và Đại học Khoa học Công nghệ Hoa Trung đã thiết lập các nhóm hỗ trợ tâm lý thông qua QQ - nền tảng mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc.
Với hơn 2.000 bác sĩ cung cấp dịch vụ 24/7, trang thương mại điện tử JD.com bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho người dùng từ ngày 26/1. Cùng ngày, KnowYourself, một tài khoản cộng đồng trên ứng dụng WeChat, cũng mở một kênh dành cho các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà của họ để giúp họ giảm bớt nỗi lo sợ về dịch bệnh.
“Một trong số các bệnh nhân của tôi được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới. Tôi biết mình có nguy cơ cao bị nhiễm, nhưng tôi không có thời gian nghĩ về bản thân. Tôi sợ về nhà bây giờ vì tôi không muốn gia đình tôi cũng bị lây nhiễm”, tin nhắn của một bác sĩ 35 tuổi để lại trên KnowYourself.
Để giúp bác sĩ đang bị căng thẳng trên, KnowYourself đề xuất các giải pháp như hít thở sâu, tự ôm lấy mình và thiền.
Thành Đạt
Theo Xinhua