DMagazine

Bác sĩ Trung Quốc kể chuyện cả tháng ròng chống dịch, nhiều lần bật khóc

(Dân trí) - Một bác sĩ tham gia cuộc chiến chống virus corona tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã tiết lộ những áp lực, lo lắng, căng thẳng và những lần rơi nước mắt trong khi điều trị cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Trung Quốc kể chuyện cả tháng ròng chống dịch, nhiều lần bật khóc

Một bác sĩ tham gia cuộc chiến chống virus corona tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc đã tiết lộ những áp lực, lo lắng, căng thẳng và những lần rơi nước mắt trong khi điều trị cho các bệnh nhân.

 

Trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi do virus corona, các bác sĩ ở tuyến đầu đối mặt với rủi ro lớn nhất và hiểu tình hình nhất. Bác sĩ Peng Zhiyong, trưởng khoa cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương phía Nam thuộc Đại học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), là một trong số các bác sĩ này. 

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang tin Caixin của Trung Quốc, bác sĩ Peng đã miêu tả những kinh nghiệm cá nhân khi lần đầu tiên gặp căn bệnh này hồi đầu tháng 1 và nhanh chóng tìm hiểu các đặc tính của nó và áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. 

Dưới đây là lược dịch cuộc phỏng vấn của bác sĩ Peng với Caixin.

Phóng viên: Bác sĩ gặp bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên khi nào?

Vào ngày 6/1. Có một bệnh nhân từ thành phố Hoàng Cương bị nhiều bệnh viện từ chối và sau đó được chuyển tới phòng cấp cứu của bệnh viện chúng tôi. Tôi đã tham gia buổi hội chẩn. Khi đó, bệnh tình của bệnh nhân đã rất nghiêm trọng và ông ấy bị khó thở. Tôi đã biết ngay rằng ông ấy bị căn bệnh này. Chúng tôi tranh luận rất lâu về việc liệu có tiếp nhận bệnh nhân này hay không. Nếu không, ông ấy không còn nơi nào để đi. Nếu tiếp nhận, rất có khả năng bệnh này có thể truyền nhiễm cho những người người khác. Và chúng tôi phải cách ly rất nghiêm ngặt. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định tiếp nhận bệnh nhân.

Tôi gọi cho giám đốc bệnh viện và miêu tả về câu chuyện trên, trong đó có việc chúng tôi phải đưa các bệnh nhân ra khác khỏi phòng và thiết kế lại nó theo mô hình điều trị hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS bằng việc thiết lập một khu vực có nguy cơ nhiễm, khu vực đệm, khu vực làm sạch và tách khu vực ở của nhân viên bệnh viện với các bệnh nhân.

Vào ngày 6/1, bệnh nhân ở trong phòng cấp cứu, chúng tôi phải kiểm dịch, bố trí lại phòng cấp cứu và cải tạo khu vực chăm sóc tích cực (ICU), nơi có tổng cộng 66 giường. Chúng tôi dành một khu vực riêng cho các bệnh nhân nhiễm virus corona. Tôi biết sự truyền nhiễm của căn bệnh này. Chắc chắn sẽ còn nhiều người nhập viện, vì vậy chúng tôi dành 16 giường. Khi đó, một số người nói ICU có số giường hạn chế và 16 dành riêng cho các bệnh nhân nhiễm virus corona là quá nhiều. Tôi nói không nhiều chút nào.

Bác sĩ đã dự đoán từ tháng 1 rằng có thể xảy ra lây nhiễm từ người sang người và ngay lập tức tiến hành các biện pháp cách ly. Ông có báo cáo tình hình lên cấp trên không?

Căn bệnh này lây nhiễm rất nhanh. Đến ngày 10/1, toàn bộ 16 giường của ICU đã kín. Chúng tôi thấy tình hình nghiêm trọng như thế nào và đề nghị ban lãnh đạo bệnh viện báo cáo lên cấp cao hơn. Lãnh đạo của chúng tôi cũng nhận thấy tình hình nguy cấp và báo cáo lên ủy ban sức khỏe thành phố Vũ Hán. Vào ngày 12/1, ủy ban đã cử một nhóm 3 chuyên gia tới bệnh viện để làm việc. Các chuyên gia nói rằng các triệu chứng lâm sàng rất giống SARS, nhưng họ vẫn nói về các yếu tố chẩn đoán, đại loại như vậy. Chúng tôi trả lời rằng các yếu tố này quá chặt chẽ. Rất ít người được chẩn đoán dựa trên các yếu tố như vậy. Lãnh đạo bệnh viện chúng tôi đã nói với họ nhiều lần trong thời điểm đó và tôi biết các bệnh viện khác cũng làm vậy.

Trước đó, các chuyên gia trên đã tưới bệnh viện Jinyintan để điều tra và đưa ra một loạt các triệu chứng chẩn đoán bệnh: như bệnh nhân phải chợ hải sản, bị sốt và dương tính với virus. Bệnh nhân phải có tất cả các triệu chứng này mới bị xem là nhiễm bệnh. Yêu tố thứ 3 rất cứng nhắc. Trên thực tế, rất ít người có khả năng xét nghiệm virus.

Vào ngày 18/1, một nhóm chuyên gia cấp cao từ Ủy ban Y tế Quốc gia đã tới Vũ Hán và tới bệnh viện chúng tôi để thị sát. Tôi tiếp tục nói với họ rằng các triệu chứng chẩn đoán bệnh quá nghiêm ngặt và do đó rất dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Tôi nói với họ căn bệnh này rất lây nhiễm, nếu đưa các triệu chứng quá chặt chẽ và để các bệnh nhân về nhà thì sẽ khiến xã hội gặp nguy hiểm. Sau khi một nhóm chuyên gia thứ 2 tới, các triệu chứng chẩn đoán bệnh được thay đổi. Số bệnh nhân được chẩn đoán tăng lên rất nhanh.

Bác sĩ Trung Quốc kể chuyện cả tháng ròng chống dịch, nhiều lần bật khóc - 1

Các nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)

Điều gì khiến bác sĩ tin rằng virus này có thể truyền từ người sang người?

Dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của tôi, tôi đã tin rằng đây là một bệnh truyền nhiễm và chúng tôi phải đề phòng ở mức độ cao. Chúng tôi phải hành động dựa trên khoa học. Theo yêu cầu, khu vực hồi sức tích cực của bệnh viện đã thực hiện các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và kết quả là khoa của tôi chỉ có 2 người bị nhiễm. Tính tới ngày 28/1, trong số toàn bộ nhân viên của bệnh viện, có 40 người nhiễm virus. Con số này thấp hơn các bệnh viện khác xét về tỷ lệ tổng số nhân viên y tế.

Thật đau lòng khi thấy virus corona diễn biến như vậy. Nhưng ưu tiên lúc này là chữa trị cho các bệnh nhân, làm tất cả những gì có thể để cứu người.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ, sự tiến triển bệnh của virus corona như thế nào?

Tôi đã quan sát các bệnh nhân tại ICU ban ngày và sau đó tiến tiến hành một số nghiên cứu vào các buổi tối. Tôi đã viết một nghiên cứu, thu thập dữ liệu từ 138 trường hợp tại bệnh viện từ ngày 7-28/1 và cố gắng tóm tắt một số đặc điểm về virus mới này.

Nhiều virus sẽ tự chết sau một khoảng thời gian. Chúng tôi gọi đây là các những căn bệnh tự giới hạn.

Tôi nhận thấy rằng giai đoạn phát bệnh khoảng 3 tuần, từ khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đến khó thở. Về cơ bản, bệnh có thể chuyển biến từ nhẹ sang nặng trọng 1 tuần. Có các dạng triệu chứng nhẹ như: mệt mỏi, khó thở, một số người bị sốt, một số người không. Dựa trên nghiên cứu 138 trường hợp, các triệu chứng phổ biến nhất ở giai đoạn đầu là sốt (98,6% trường hợp, mệt mỏi (69,6%), ho (59,4%), đau người (34,8), khó thở (31,2), trong khi các triệu chứng ít phổ biến hơn là đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

Nhưng một số bệnh nhân sang tuần thứ 2 diễn biến nghiêm trọng. Ở giai đoạn này, bệnh nhân nên tới bệnh viện. Người cao tuổi có thể gặp các biến chứng, một số có thể cần thở máy. Với các bệnh nhân như vậy, khi các cơ quan khác của cơ thể bị ảnh hưởng, đó là lúc tình hình trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch tốt sẽ thấy các triệu chứng giảm nghiêm trọng ở giai đoạn này và bắt đầu hồi phục. Vì thế, tuần thứ 2 này quyết định bệnh tình có trở nên nghiêm trọng hay không.

Tuần thứ 3 quyết định liệu một người bị bệnh nặng có bị tử vong hay không. Một số người bị bệnh nặng được điều trị có thể gia tăng lượng bạch huyết bào, một loại bạch cầu trong máu, và hệ miễn dịch được cải thiện và do đó tiến triển tốt lên. Nhưng những người bị giảm tỷ lệ bạch huyết bào thì hệ miễn dịch sẽ bị phá hủy, dẫn tới các bộ phận cơ thể bị suy nhược và tử vong.

Phần lớn bệnh sẽ khỏi trong vòng 2 tuần. Với những người bị bệnh nặng, nếu họ có thể vượt qua sau 3 tuần, họ sẽ khỏe lại. Những người không thể vượt qua được sẽ tử vong trong 3 tuần.

Bác sĩ có thể nói chi tiết hơn về nghiên cứu lâm sàng , tỷ lệ các ca biến chuyển từ nhẹ sang nặng, tỷ lệ các ca từ nặng sang nguy cấp, tỷ lệ tử vong?

Dự vào các quan sát lâm sàng của tôi, bệnh này rất dễ lây nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Những người chuyển biến bệnh nặng thường xảy ra ở người già, đã có tiền sử mắc bệnh mãn tính.

Tính tới ngày 28/1, trong số 138 ca mà tôi theo dõi, có 36 ca trong phòng điều trị tích cực, 28 ca đã bình phục và 5 ca tử vong. Như vậy, có thể nói tỷ lệ tử vong đối với các bệnh nhân bệnh nặng là 3,6%. Ngày 3/2 có thêm một bệnh tử vong, nâng tỷ lệ tử vong lên 4,3%. Số ca tử vong cũng có thể tăng lên nhưng không nghiêm trọng.

Trong số 138 bệnh nhân, 36 người được chuyển tới ICU, tương đương 26%. Tỷ lệ tử vong đối với các trường hợp nguy hiểm tới tính mạng là khoảng 15%. Thời gian chuyển biến từ triệu chứng nhẹ sang nguy hiểm tính mạng là khoảng 10 ngày. Tỷ lệ bình phục là 20,3%.

Nguy cơ lớn nhất mà một bệnh nhân bị bệnh nặng gặp phải là gì?

Virus corona tấn công mạnh nhất vào hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Nó gây sụt giảm tỷ lệ bạch huyết bào, làm tổn hại phổi và gây khó thở. Nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng đã tử vong vì không thở được. Những người khác qua đời do các cơ quan trọng cơ thể bị phá hủy do các biến chứng sau khi hệ thống miễn dịch bị tê liệt.

Có một số tin tức về các loại thuốc có hiệu quả trong việc điều trị. Mọi người hi vọng về loại thuốc remdesivir do Mỹ bào chế, được sử dụng để điều trị ca mắc virus corona đầu tiên tại nước này. Bác sĩ có thể nói gì về các loại thuốc này?

Hiện không có loại thuốc nào đặc trị virus corona cho tới nay. Một số bệnh nhân có thể hồi phục sau khi dùng một số loại thuốc cùng điều trị hỗ trợ. Nhưng các trường hợp riêng lẻ như vậy không thể hiện tác dụng toàn cầu của các loại thuốc này. Tác dụng còn liên quan tới tình trạng bệnh của mỗi trường hợp và tình trạng sức khỏe của người đó. Mọi người muốn điều trị khỏi ngay tức thì, nhưng chúng ta cần phải thận trọng.

Bác sĩ có lời khuyên gì cho các bệnh nhân nhiễm virus corona?

Biện pháp hiệu quả nhất đối với dịch này là kiểm soát nguồn lây lan, ngăn chặn sự lây nhiễm của virus và đề phòng lây nhiễm từ người sang người. Lời khuyên của tôi cho các bệnh nhân là hãy tới một khoa truyền nhiễm, phát hiện sớm, cách ly và điều trị sớm. Khi bệnh tiến triển nặng thì nhập viện là bắt buộc. Tốt nhất là điều trị ngay ở giai đoạn đầu, một khi bệnh đã tới giai đoạn nguy hiểm tới tính mạng thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn và cần nhiều nguồn lực y tế hơn.

Khối lượng công việc và cường độ của bác sĩ như thế nào?

Công việc tại khu chăm sóc tích cực thực sự quá tải. Có ba buồng bệnh với 66 giường bệnh, có thể đón tiếp 150 bệnh nhân. Kể từ ngày 7/1 khi bệnh nhân virus corona đầu tiên nhập viện, không ai được nghỉ, chúng tôi thay ca nhau làm việc tại ICU. Thậm chí các nhân viên mang thai cũng không được nghỉ. Sau khi dịch bệnh diễn biến xấu đi, không ai trong số các nhân viên y tế trở về nhà. Chúng tôi ở trong khách sạn gần bệnh viện hoặc tại bệnh viện.

Trong khu vực cách ly, chúng tôi mặc bộ đồ bảo hộ 3 lớp. Mỗi ca làm việc kéo dài 12 giờ đối với bác sĩ và 8 giờ đối với y tá. Do bộ đồ bảo hộ bị thiếu nên chỉ có một bộ cho mỗi nhân viên y tế một ngày. Chúng tôi hạn chế uống hoặc ăn trong giờ làm việc gì bộ đồ bảo hộ không có tác dụng khi vào phòng vệ sinh. Bộ đồ khá dày, kín khí và cứng, khiến chúng tôi cảm thấy ban đầu không thoải mái, nhưng giờ thì đã quen.

Bác sĩ đã bao giờ trải qua khoảnh khắc rất nguy hiểm? Bác sĩ phải làm gì để bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ bị lây nhiễm?

Virus corona là một chủng mới. Chúng ta chưa hiểu rõ về bản chất của nó cũng như con đường lây lan. Sẽ là không thật lòng nếu nói rằng chúng tôi không sợ. Các nhân viên y tế đều sợ ở mức độ nào đó. Nhưng các bệnh nhân cần chúng tôi. Khi một bệnh nhân khó khở, chúng tôi phải đặt ống thở. Quy trình này khá nguy hiểm vì bệnh nhân có thể bị nôn, ọe. Các nhân viên y tế là những người có nguy cơ bị nhiễm nhất. Chúng tôi nghiêm khắc yêu cầu các bác sĩ và y tá thực hiện các biện pháp bảo vệ ở mức cao nhất. Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là thiếu thiết bị bảo vệ. Kho thiết bị bảo vệ của các nhân viên ICU đang cạn dần, mặc dù bệnh viện ưu tiên cung cấp cho khoa chúng tôi.

Bác sĩ Trung Quốc kể chuyện cả tháng ròng chống dịch, nhiều lần bật khóc - 2

Những bó hoa trắng được đặt ở một lối vào Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, nơi bác sĩ Li Wenliang qua đời ở tuổi 34 do bị nhiễm virus corona. Bác sĩ Li là một trong những người đầu tiên cảnh báo về sự nguy hiểm của virus này. (Ảnh: Reuters)

Có câu chuyện nào từng khiến bác sĩ đặc biệt cảm động hay phải khóc?

Tôi khóc không ít lần vì nhiều bệnh nhân không được nhập viện. Họ khóc trước cửa bệnh viện, một số bệnh nhân thậm chí quỳ xuống van nài tôi cho họ nhập viện. Nhưng tôi không thể làm gì được vì tất cả các giường bệnh đã kín. Tôi khóc khi từ chối họ. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa rồi. Tôi không nghĩ gì khác ngoài cố gắng hết sức mình để cứu sống các bệnh nhân.

Điều tôi tiếc nuối nhất là trường hợp một phụ nữ mang thai ở Hoàng Cương. Cô ấy trong tình trạng rất nghiêm trọng. Trường hợp của cô ấy đã tiêu tốn 39.505 USD chi phí sau hơn 1 tuần điều trị tại ICU. Cô ấy tới từ nông thôn và số tiền nhập viện phải vay mượn từ bạn bè và họ hàng. Tình trạng của cô ấy được cải thiện và có khả năng được cứu sống. Nhưng chồng cô ấy quyết định ngừng điều trị và anh ấy đã khóc vì quyết định này. Tôi cũng khóc vì tôi thấy cô ấy có hi vọng được cứu sống. Cô ấy đã qua đời sau khi chúng tôi từ bỏ các nỗ lực. Nhưng ngay ngày hôm sau, chính phủ đã thông báo chính sách mới nhằm điều trị miễn phí cho tất cả các bệnh nhân nhiễm virus corona. Tôi cảm thấy vô cùng tiếc cho người phụ nữ mang thai đó.

Phó trưởng khoa chúng tôi nói với tôi một điều và ông ấy cũng khóc. Bệnh viện Vũ Hán số 7 có quan hệ hợp tác với bệnh viện của chúng tôi. Ông ấy đã tới đó để trợ giúp khu chăm sóc tích cực của bệnh viện và ông biết rằng 2/3 nhân viên của ICU bị nhiễm virus. Các bác sĩ tại đó làm việc trong tình trạng “không che đậy” vì họ biết họ có nguy cơ nhiễm do thiếu đồ bảo vệ. Dù vậy, họ vẫn phải làm việc. Đó là lý do tại sao các nhân viên của ICU hầu hết bị nhiễm bệnh. Rất khắc nghiệt đối với các bác sĩ và y tá của chúng tôi.

An Bình

(Lược dịch từ Straitstimes)