1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đội hải kích tiêu diệt Bin Laden

(Dân trí) - Từ căn cứ không quân Ghazi ở Pakistan, những chiếc trực thăng MH-60 lên đường tới ngoại ô nhà binh của Abbottabad, cách trung tâm thủ đô Islamabad chừng 50km. Trên máy bay là các thành viên của đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Mỹ, vừa được điều từ bên kia biên giới Afghanistan.

 

 
Đội hải kích tiêu diệt Bin Laden - 1
Các thành viên của ST6

Cùng đi với họ là các chuyên viên truyền tin, tình báo điện tử và các chuyên viên tình báo khác.

 

Sau cuộc giao tranh 40 phút, 22 người hoặc bị tiêu diệt hoặc bị bắt. Một trong số những người thiệt mạng là Osama bin Laden, bị bắn vào đầu và vào ngực. Xác của tên trùm khủng bố được đưa lên trực thăng quay trở lại căn cứ Ghazi. Một chiếc trực thăng bị gặp trục trặc và đã được lực lượng Mỹ phá hủy ngay sau đó.

 

Nếu không vì mục tiêu tối quan trọng này, thì đây đã có thể là một cuộc hành quân bình thường của đội hải kích được huấn luyện đặc biệt và đầy huyền thoại, SEAL Team Six (Đội SEAL 6 – ST6), dù rằng không còn hiện hữu trên giấy tờ. Tên gọi chính thức của đội là Nhóm triển khai chiến tranh đặc biệt của Hải quân (Mỹ). Nhóm này được chính thức thành lập vào năm 1987, với tên viết tắt là NAVSPECWARDEVGRU mặc dù tiền thân của nó xuất phát từ vụ giải cứu bất thành các con tin người Mỹ tại sứ quán Mỹ ở Iran năm 1979. Tuy nhiên, những người dân địa phương tại căn cứ quê nhà của họ ở Dam Neck tại Virginia gọi họ bằng cái tên DevGru.

 

Sứ mệnh lần này của họ vô cùng đặc biệt và cần phải tập luyện trước. Vì vậy họ đã tái tạo một khu nhà rộng 0,4hecta tương tự như nhà Bin Laden tại Trại Alpha, một nhánh riêng biệt của Căn cứ không quân Bagram và bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 4.

 

DevGru thuộc về Bộ chỉ huy hỗn hợp các chiến dịch đặc biệt (JSOC), gồm các đơn vị hoạt động bí mật cho các công tác đặc biệt. Hoạt động của họ được báo cáo trực tiếp lên tổng thống và hiện diện ở mọi nơi trên khắp thế giới, thực hiện chỉ thị của tổng thống.
 
Dù công chúng hay nghe nói về các hoạt động của các hải kích đặc biệt này cũng như một đơn vị tương tự bên bộ binh là Delta Force, phần lớn các sứ mệnh của JSOC không bao giờ được tiết lộ. Tên của đội chỉ được nghe đến khi có chuyện chẳng lành xảy ra (như một nhân viên hỗ trợ nhân đạo Anh bị giết) hay có chuyện lớn (một thuyền trưởng được cứu trên biển).
 

Đôi nét về ST6

 

    * Trụ sở tại Virginia Beach

    * Được tuyển chọn từ mọi đơn vị, thực hiện các sứ mệnh khó khăn nhất

    * Thường đã có 5 năm kinh nghiệm

    * Thuộc Bộ chỉ huy JSOC, với ngân sách hơn 1 tỷ USD/năm

    * Đã tham gia ở Yemen, Somalia Afghanistan trong những năm gần đây

    * Hoạt động ngầm

    * Liên tục tập luyện và có thể đi xa nhà 300 ngày/năm

Nhưng thậm chí khi đó, quân đội Mỹ cũng không muốn tiết lộ về sự hiện diện của họ. Khoảng vài chục thành viên JSOC đã thiệt mạng tại Pakistan trong những năm qua. Tên tuổi của họ được Bộ Quốc phòng công bố như bình thường, song dưới vỏ bọc, như họ thiệt mạng do gặp tại nạn khi đang huấn luyện ở miền đông Afghanistan. Đây cũng là một mật mã.
 

Làm sao các trực thăng của lực lượng đặc nhiệm này tránh né được hệ thống phòng không của Pakistan? Phải chăng họ dùng các máy phát sóng điện tử đặc biệt? Phải chăng họ sơn trực thăng với huy hiệu không quân Pakistan và đánh lừa được nhân viên trách nhiệm?

 

Nếu quả đúng như vậy, và có thể điều này sẽ không bao giờ được công bố, thì hai đơn vị khác thuộc JSOC là Phòng ứng dụng kỹ thuật (Technical Application Programs Office) và Nhóm đánh giá công nghệ hàng không (Aviation Technology Evaluation Group), đã thực hiện tốt đẹp nhiệm vụ này. Đây là những chiến sĩ thật sự vô danh, không bao giờ được tuyên dương và họ cũng không cần được tuyên dương.

 

Kể từ sau vụ 11/9, các đơn vị JSOC và lực lượng đặc nhiệm của họ đã trở thành vũ khí hữu hiệu nhất của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

 

Chi phí điều hành JSOC hiện vào khoảng hơn 1 tỉ USD mỗi năm. JSOC cũng gặp một số chỉ trích nhưng nhìn chung hoạt động tự do và không bị giới hạn nào từ sau vụ khủng bố 11/9.

 

Ranh giới giữa các hoạt động thu thập tình báo của đội hải kích JSOC và hoạt động của CIA gần như không có. Vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy hợp tác chặt chẽ giữa CIA và JSOC.

 

Vũ Quý

Theo National Journal, Wiki