1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Doanh số bán vũ khí của Mỹ ở nước ngoài tăng cao kỷ lục

Đức Hoàng

(Dân trí) - Doanh số bán vũ khí của Mỹ ở nước ngoài đã tăng mạnh vào năm ngoái, đạt mức kỷ lục 238 tỷ USD, một phần do chiến sự Nga - Ukraine làm nhu cầu tăng vọt.

Doanh số bán vũ khí của Mỹ ở nước ngoài tăng cao kỷ lục - 1

Một xe tăng do Mỹ sản xuất (Ảnh: Yahoo News).

BBC đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo cho thấy nước này năm nay ghi nhận doanh số từ xuất khẩu vũ khí tăng 16%, đạt mốc kỷ lục 238 tỷ USD. Chiến sự Nga - Ukraine được xem là một yếu tố khiến nhu cầu tăng vọt.

Chính phủ Mỹ đã trực tiếp đàm phán các hợp đồng bán vũ khí với doanh số 81 tỷ USD, tăng 56% so với năm 2022. Phần còn lại là doanh số bán hàng trực tiếp của các công ty quốc phòng Mỹ cho nước ngoài.

Nước láng giềng của Ukraine là Ba Lan đã thực hiện hàng loạt giao dịch lớn trong nỗ lực mở rộng quân đội.

Ba Lan đã mua máy bay trực thăng Apache với giá 12 tỷ USD, đồng thời trả 10 tỷ USD cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và 3,75 tỷ USD cho xe tăng M1A1 Abrams.

Ba Lan cũng chi 4 tỷ USD cho Hệ thống Chỉ huy Chiến đấu Phòng không và Phòng thủ Tên lửa Tích hợp.

Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân sự của chính phủ tiền nhiệm, nhằm mục đích biến Ba Lan thành "lực lượng trên bộ hùng mạnh nhất ở châu Âu".

Trong khi đó, Đức chi 8,5 tỷ USD mua trực thăng Chinook. Bulgaria đã trả 1,5 tỷ USD cho xe bọc thép Stryker và Na Uy đã mua trực thăng đa nhiệm trị giá 1 tỷ USD.

Cộng hòa Séc đã mua máy bay phản lực và đạn dược F-35 trị giá 5,6 tỷ USD.

"Chuyển giao vũ khí và buôn bán quốc phòng là những công cụ chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ với những tác động tiềm tàng lâu dài đối với an ninh khu vực và toàn cầu", Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định trong báo cáo công bố ngày 29/1.

Theo người đứng đầu văn phòng chuyển giao vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ Mira Resnick, doanh số bán hàng của Washington cũng được thúc đẩy bởi một số quốc gia "quay lưng" với vũ khí Nga, nước bán vũ khí lớn thứ 2 sau Mỹ trong nhiều thập niên.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden lập luận rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nước thông qua việc bán vũ khí. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp Mỹ, đặc biệt là từ đảng Cộng hòa, tỏ ra hoài nghi với việc Mỹ tăng cường viện trợ cho Ukraine, và yêu cầu việc này phải gắn liền với kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư ở biên giới phía nam với Mexico.

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm