Điệp viên Ukraine đột nhập sâu 500km phá hủy radar tối tân của Nga?
(Dân trí) - Các điệp viên Ukraine được cho là từng nhiều lần xâm nhập lãnh thổ Nga để phá hủy máy bay, tàu chiến cùng nhiều mục tiêu có giá trị cao khác.
![Điệp viên Ukraine đột nhập sâu 500km phá hủy radar tối tân của Nga? - 1 Điệp viên Ukraine đột nhập sâu 500km phá hủy radar tối tân của Nga? - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/vzdhINCFGK7394rrWb4gJY_0-_0=/thumb_w/1020/2025/02/14/0x0-1739503476219.jpg)
Hệ thống radar Valdai (Ảnh: Forbes).
Nga đã phát triển hệ thống radar Valdai thành một trong những phương tiện chống máy bay không người lái (UAV) tinh vi nhất thế giới và triển khai đến khu vực Moscow nhằm bảo vệ thành phố này khỏi các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine.
Thế nhưng, mọi việc dường như đã diễn ra không theo mong muốn. Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) được cho là đã theo dõi và phá hủy hệ thống radar Valdai đó của Nga để dọn đường cho các phương tiện bay không người lái tấn công Moscow.
Đêm 6/2, một vụ nổ xảy ra tại thị trấn Dolgoprudny, địa bàn nằm ngay phía bắc thủ đô Moscow. Một số người dân đã ghi lại được thời điểm diễn ra nổ bằng điện thoại di động.
"Thiết bị nổ đã phá hủy hai hệ thống radar Valdai của Nga được thiết kế để tự động phát hiện và chống trả UAV 24/24 giờ", Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine tuyên bố.
Làm thế nào mà GUR có thể phát hiện và tập kích hệ thống Valdai của Nga vẫn chưa được rõ. Tổ hợp này gồm ít nhất một phương tiện chuyên chở và một số cảm biến tách biệt được triển khai thành một đơn vị duy nhất.
Tuy nhiên, nhiều thông tin cho thấy điệp viên Ukraine có thể đã xâm nhập được đến vị trí triển khai Valdai và cài đặt thuốc nổ.
Nếu như vậy, đây rõ ràng là một hoạt động đầy mạo hiểm bởi nó diễn ra tại một khu vực đông dân cư cách tiền tuyến Ukraine gần 500km. Tuy vậy, điều này không phải là chưa từng có tiền lệ.
Các điệp viên Ukraine từng nhiều lần xâm nhập lãnh thổ Nga để phá hủy máy bay, tàu chiến cùng nhiều mục tiêu có giá trị cao khác.
Valdai là mục tiêu đáng để GUR thực hiện các chiến dịch mạo hiểm. Đây là một hệ thống hoàn toàn mới, thậm chí còn khá hiếm trong biên chế của quân đội Nga.
Hệ thống này tích hợp các máy dò vô tuyến thụ động, cảm biến hồng ngoại, radar và máy tạo tiếng ồn vô tuyến để phát hiện và gây nhiễu các máy bay không người lái cỡ nhỏ từ khoảng cách xa tới 9km.
Nhà máy cơ điện tử Lianozovo ở Moscow bắt đầu phát triển Valdai năm 2016 và phiên bản đầu tiên mới được đưa vào sử dụng trong quân đội Nga chỉ 4 năm trước.
Ngay cả những hệ thống chống máy bay không người lái tinh vi nhất cũng dễ bị tấn công bằng phương pháp cơ bản nhất: ai đó tiếp cận gần và cài bom.
Cũng có bằng chứng cho thấy Valdai dễ bị tấn công bởi chính những UAV mà nó phát hiện và gây nhiễu. Năm 2022, một chiếc UAV của Ukraine đã ném bom vào các bộ phận của một hệ thống Valdai ở gần tiền tuyến Ukraine.
Do vậy, việc Ukraine đặt mục tiêu vào Valdai triển khai ở Dolgoprudny là điều đương nhiên. Các lực lượng Ukraine thường vẫn mở rộng chiến dịch tấn công sâu vào căn cứ không quân, nhà máy và cơ sở dầu mỏ của Nga.
Ukraine từng phóng tên lửa hành trình tấn công một số mục tiêu khó khăn hơn nhưng hầu hết các cuộc tập kích sâu đều được thực hiện bởi UAV tầm xa.
Các máy bay không người lái mới nhất của Ukraine thậm chí còn có khả năng thả bom mục tiêu rồi quay trở lại căn cứ, vì vậy chúng có thể tập kích nhiều vị trí trước khi bị rơi hoặc bị bắn hạ.
Đánh bại những máy bay không người lái này là một ưu tiên cấp bách đối với Nga khi cuộc xung đột chuẩn bị bước sang năm thứ tư. Ngược lại, việc phá hủy các phương tiện mà Nga sử dụng để chống UAV cũng là một ưu tiên hàng đầu của Ukraine.
Thế nên, việc Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine có khả năng đã triển khai điệp viên thực hiện nhiệm vụ tiếp cận mục tiêu bên trong nước Nga, cách tiền tuyến gần 500km để cài thuốc nổ lúc nửa đêm cũng là điều dễ hiểu.