Diễn biến mới của vụ Iran bắt giữ 15 lính thủy Anh
(Dân trí) - Hôm 3/4, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran đã lên tiếng cảnh báo rằng vụ các lính thủy Anh bị bắt tại nước này sẽ không thể sớm giải quyết nếu chính phủ Anh cứ “làm rùm beng” sự việc lên.
Ông Parviz Dawoodi, phó tổng thống thứ nhất của Iran, đã đưa ra lời khuyến cáo trên ở bên ngoài lễ khánh thành các hệ thống dự phòng của nhà máy điện hạt nhân Bushehr.
“Việc này (cách giải quyết vụ việc) phụ thuộc vào thái độ của phía Anh. Nếu họ thừa nhận đã xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và cam kết sẽ không lặp lại sự việc thì vấn đề sẽ được giải quyết một cách hợp lý. Nhưng nếu phía Anh cứ “làm rùm beng” lên thì vấn đề sẽ không được giải quyết sớm,” hãng tin Fars của Iran đã trích lời ông Dawoodi.
Ngoài ra, ông còn bác bỏ những cáo buộc gần đây về việc Tehran định dùng các lính thủy của Anh để ra điều kiện trao đổi các nhà ngoại giao Iran đã bị bắt tại Iraq. Ông khẳng định chuyện bắt giữ các thủy thủ Anh chỉ là “một quốc gia đã vi phạm luật lệ của Iran và phải chịu trách nhiệm về hành động của mình." và "các vấn đề nên được giải quyết riêng rẽ".
Mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và Anh càng thêm trầm trọng khi Tehran 3 lần cho phát sóng hình ảnh các lính thủy Anh bị bắt hôm 23/3 và các sinh viên Iran đã tiến hành biểu tình, gây náo loạn bên ngoài đại sứ quán Anh tại Tehran hôm 1/4 vừa qua.
Tuy nhiên, sau 12 ngày căng thẳng, hai bên đã bắt đầu có một số tín hiệu hòa giải, và đây là cơ sở để hy vọng sự việc sẽ sớm kết thúc.
Hôm 2/4, nhà ngoại giao hàng đầu của Iran, ông Ali Larijani, cho biết nước này ưu tiên khả năng giải quyết sự việc bằng con đường ngoại giao và khẳng định rằng “không cần phải mở phiên tòa xét xử các lính thủy bị bắt giữ”.
Đáp lại, ngày 3/4, văn phòng của Thủ tướng Anh, Tony Blair cũng khẳng định rằng Anh muốn giải quyết bằng các biện pháp ngoại giao, và đã đề nghị có các cuộc đàm phán trực tiếp với Iran về vấn đề này.
Giới chức Anh cho biết hai bên đã xúc tiến nhiều hoạt động ngoại giao, trong đó có một số cuộc gặp tại London giữa đại diện của Anh với Đại sứ Iran. Tuy nhiên, tuyên bố này không nói rõ cuộc gặp với ông Larijani là trực tiếp hay qua điện thoại.
Sáng 3/4, ông Blair khẳng định 48 giờ tới là "thời khắc quyết định" để giải quyết dứt điểm việc 15 lính thủy Anh bị Iran bắt giữ từ ngày 23/3.
Đề xuất đàm phán trực tiếp được đưa ra vài giờ sau khi nhà ngoại giao Jalal Sharafi của Iran được phóng thích tại Iraq. Ông này đã bị một số tay súng bắt ngày 4/2 tại Karradah, khu vực nằm dưới sự kiểm soát của những người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Baghdad.
Tại Baghdad, một quan chức của Bộ Ngoại giao Iraq cho biết chính phủ nước này đã tạo sức ép để lực lượng đang giữ nhà ngoại giao Sharafi phải trả tự do cho ông, tuy nhiên, ông này không nói rõ tổ chức nào đã giữ ông Sharafi.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao khác của chính phủ Iraq cho biết cơ quan tình báo Iraq đã bắt giữ ông Sharafi.
Sharafi là thư ký thứ hai của Đại sứ quán Iran. Ông là người tham gia vào kế hoạch mở một chi nhánh của ngân hàng quốc gia Iran. Giới chức Mỹ cho rằng Iran đang cung cấp tiền và vũ khí cho quân nổi dậy dòng Shiite ở Iraq.
Việc nhà ngoại giao được trả tự do đã làm dấy lên hy vọng về việc chấm dứt quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Anh và Iran về số lính thủ Anh bị bắt, đồng thời khiến cho sự việc càng giống với một cuộc trao đổi tù binh - điều mà cả Tehran và London đều không công khai thừa nhận.
Nhật Linh
Theo Xinhua