1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ bắt giữ lính Anh

Iran muốn gửi thông điệp gì?

(Dân trí) - Việc Iran bất ngờ quyết định thả 15 lính Anh là một thắng lợi của những người theo chủ nghĩa thực dụng ở Iran đối với những người theo đường lối cứng rắn; và là một dấu hiệu cho thấy sức ép của phương Tây đang phát huy tác dụng - Tạp chí Time nhận định.

Vụ Iran bắt giữ 15 lính Anh ngày 23/3 vừa qua đã tạo ra một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông, có thể khiến khu vực này vượt ra ngoài vòng kiểm soát. Vì vậy, quyết định thả các quân nhân Anh, quyết định mà Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad gọi là một “món quà gửi đến người Anh”, là một thắng lợi lớn của những người theo chủ nghĩa thực dụng đối với những người theo đường lối cứng rắn ở Iran. Những người theo chủ nghĩa thực dụng thậm chí có thể tạo đòn bẩy bên trong hệ thống quyền lực ở Iran và ở các nước phương Tây để giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân bằng con đường ngoại giao.

 

Mặc dù Tổng thống Mỹ Bush gọi 15 lính Anh bị Iran bắt giữ là “những con tin”, nhưng thái độ đối xử của Iran đối với họ ngay từ đầu cho thấy Iran đang cố gắng bảo vệ quan điểm của mình, chứ không phải muốn khiêu chiến. Khác hẳn với những hình ảnh các con tin bị bịt mặt khi người Iran xông vào sứ quán Mỹ ở Tehran hồi năm 1979, các đoạn băng lần này cho thấy những người bị bắt vẫn mặc đồng phục, ngồi bên nhau và ăn uống bình thường. Có chăng, những hình đó chỉ là sự xúc phạm về mặt ngoại giao, chứ không mang tính đe doạ.

 

Theo tạp chí Time, trong vụ bắt giữ lính Anh, dường như Iran muốn gửi 3 thông điệp đến cho London, và quan trọng hơn là cho Washington:

  • Đừng nghĩ đến việc tấn công Iran, bởi Iran có khả năng đe doạ đến lợi ích của phương Tây ở Vùng Vịnh và khắp Trung Đông, trực tiếp qua các đồng minh ở Iraq, Libăng, và Palestine;
  • Iran có thể gây khó khăn nếu phương Tây tiếp tục trừng phạt Iran, đơn giản chỉ vì Iran xem việc phát triển công nghệ hạt nhân như quyền hợp pháp của mình.
  • Iran sẽ ăn miếng trả miếng nếu lực lượng Mỹ tiếp tục bắt giữ quan chức Iran làm việc ở Iraq, giống như vụ đột kích vào một cơ quan lãnh sự Iran tại Erbil ngày 11/1 vừa qua. Tại đây 5 người Iran đã bị bắt.

Việc Iran bất ngờ quyết định thả các công dân Anh  cũng có thể cho thấy áp lực của phương Tây đã bắt đầu phát huy tác dụng. Một ngày sau khi các binh lính Anh bị bắt giữ, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua bản trừng phạt thứ hai đối với Iran chỉ trong vòng 3 tháng. Và bản trừng phạt thứ ba có thể được thông qua, nếu Iran không ngừng chương trình làm giàu uranium. Như trợ lý ngoại trưởng Mỹ R. Nicholas Burns phát biểu trước Thượng viện tuần trước: “Dù Tổng thống Ahmadinejad có hùng hổ đến thế nào đi chăng nữa, thì Iran cũng khó mà trụ được trước sức ép về tài chính cũng như ngoại giao.”

 

Tuy nhiên, Iran cũng đã đạt được một số mục tiêu của mình. Lời tuyên bố thả đầy bất ngờ của Tổng thống Ahmadinejad được đưa ra chỉ một ngày sau khi một nhà ngoại giao Iran bị bắt cóc ở Iraq cũng bất ngờ được thả. Giới chức Iran tố cáo chính Mỹ đã ra lệnh bắt nhà ngoại giao này. Song cả Anh, Mỹ, Iraq đều phủ nhận mối liên hệ giữa vụ việc và vụ thả các lính Anh. Hôm qua, Iran còn tiết lộ sứ quán của họ ở Iraq cuối cùng cũng đã tiếp cận được với 5 công dân bị bắt ở Erbil.

 

Xét về mặt ngoại giao, vụ khủng hoảng kết thúc trong hoà bình là một thắng lợi. Các nhà lãnh đạo Iran và Anh đã liên tục giữ liên lạc qua các kênh ngoại giao trực tiếp, và tỉnh táo trước những luồng áp lực chính trị trong nước ngày một gia tăng, đòi họ phải hành động cứng rắn. Cụ thể hơn, kết quả này là sự khích lệ lớn đối với những người theo chủ nghĩa thực dụng ở Iran, do Larijani đứng đầu. Uỷ ban của ông là cơ quan chính sách đối ngoại hàng đầu Iran, và chính ông là trưởng đoàn thương thuyết hạt nhân của nước này.

 

Năm ngoái, đảng theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad đã huỷ thoả thuận mà Larijani tạo dựng được với trưởng ban chính sách đối ngoại của EU Javier Solana về việc ngưng chương trình làm giàu hạt nhân của Iran. Nhưng với tuyên bố thả binh lính Anh, Tổng thống Ahmadinejad đã ra hiệu phái cấp tiến hơn trong ban lãnh đạo Iran không nên ngáng chặn con đường tiếp cận của Larijani với phương Tây. Câu hỏi hiện nay là liệu Larijani có thể đạt được thành công tương tự như ông đã làm khi lài léo Tehran cam kết về vấn đề hạt nhân của mình, hay liệu Mỹ có theo chân Anh, sẵn sàng lựa chọn ngoại giao là giải pháp hàng đầu hay không.

 

P.V

Theo Time

Dòng sự kiện: Iran bắt Thủy thủ Anh