1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến không tuyên bố giữa Iran và Mỹ

(Dân trí) - Trong lúc cuộc chiến trên sâu khấu về việc Iran bắt giữ 15 lính thủy Anh vẫn chưa đâu vào đâu, thì đằng sau hậu trường, một cuộc chiến khác giữa Phương Tây và Iran nhằm giành thế thượng phong trên bàn cờ chính trị cũng đang vào hồi gay cấn.

Vụ việc diễn ra vào ngày 23/3, khi các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran bắt giữ 15 lính thủy Anh tại vùng lãnh hải đang có tranh chấp giữa Iran và Iraq. Giới phân tích cho rằng vụ việc có lẽ đã không phức tạp đến như vậy nếu chính phủ hai bên không đưa vấn đề này ra trước công luận, một động thái đã làm giảm đáng kể cơ hội để giải quyết tranh chấp này một cách nhanh chóng và êm thấm.

 

Ngay từ đầu, các giới chức Anh đã khăng khăng với lập luận rằng binh sĩ của họ bị bắt khi đang ở hải phận Iraq chứ không phải ở hải phận Iran như Tehran tuyên bố. Để chứng minh cho luận điểm này, ngày 28/3 vừa qua, Anh đã cho công bố tọa độ được xác định bằng hệ thống định vị toàn cầu (GMS), cho dù đó là tọa độ của một chiếc trực thăng mà Anh nói rằng khi đó đang bay bên trên chiếc tàu Ấn Độ mà các lính thủy (hiện đang bị Iran bắt) của họ đang khám xét, chứ không phải là tọa độ GPS của các lính thủy khi đó.

 

Iran cũng nhanh chóng đưa ra các bằng chứng riêng của họ. Theo Tehran, thiết bị GPS mà họ thu được từ các lính thủy Anh bị bắt cho thấy người Anh không chỉ xâm phạm lãnh hải của Iran vào thời điểm xảy ra vụ việc mà còn xâm phạm lãnh hải nước này 5 lần trước đó.

 

Cho dù có hay không có việc lính thủy Anh xâm phạm lãnh hải của Iran thì với Tehran, đây cũng là một cơ hội tốt để họ tận dụng nó nhằm giành thế thượng phong trong cuộc đối đầu về chương trình hạt nhân của nước này trước Phương Tây.

 

Cả Iran và Mỹ đều nhận thức rằng việc hai nước một ngày nào đó sẽ đối đầu với nhau trên mặt trận ngoại giao là khó tránh khỏi. Nhận thức này đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ George W. Bush, vốn xưa nay vẫn phản đối ý tưởng nói chuyện với Iran, rất lúng túng. Washington không thiếu kế hoạch tiến hành chiến tranh chống Iran nhưng lại thiếu phương án cho các giải pháp ngoại giao, và hậu quả là họ không hề có sự chuẩn bị gì cho những cuộc đàm phán kiểu này.

 

Vì vậy, khi Nhóm Nghiên cứu Iraq (ISG) và Quốc hội Mỹ đưa Nhà Trắng đến nhận thức rằng cần phải đối thoại với các nước láng giềng của Iraq, bao gồm cả Iran, chính quyền Bush đã do dự, bởi họ không có ưu thế trong việc đàm phán với Iran.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates giải thích: "Nói một cách thẳng thắn, cho đến lúc này, Iran chẳng cần điều gì ở chúng ta, vì thế nếu có bất cứ cuộc đàm phán nào diễn ra vào lúc này, chúng ta cũng ở thế yếu".

 

Nếu nước Mỹ yếu thế trong đàm phán với Iran, câu trả lời là làm thế nào để giành được ưu thế đó. Thay cho việc tiếp thu kiến nghị của ISG về việc mở các cuộc đàm phán với Iran, Nhà Trắng lại tìm mọi thủ đoạn để tăng sức ép lên Tehran nhằm giành thế mạnh trước nước này.

 

Vào ngày 24/12/2006, binh sĩ Mỹ đã bắt giữ một số quan chức Iran tại Iraq- trong số đó có ít nhất là hai nhà ngoại giao. Vài tuần sau đó, lính Mỹ lại tấn công một văn phòng mà người Iran gọi là lãnh sự quán tại khu vực Kurdistan thuộc Iraq và bắt đi năm người Iran tại đó. Cho đến nay, những người Iran bị bắt này vẫn bị Mỹ giam giữ và Tehran vẫn không được tiếp xúc với họ.

 

Chưa hết, tháng 2/2007, Ali Reza Asgari, một quan chức cao cấp khác của Iran, người từng có chân trong nội các của Cựu Tổng thống Mohammad Khatami, đã bị mất tích tại Thổ Nhĩ Kỳ. Gia đình ông này và giới chức Iran cho rằng, ông đã  bị Israel bắt cóc, trong khi Mỹ lại tuyên bố rằng ông này đã bị chiêu hồi.

 

Cho dù những người Iran bị bắt có phải là các nhà ngoại giao hay không, cho dù ông Asgari bị bắt cóc hay đã phản bội tổ quốc, thì có vẻ như Mỹ đã giành được ưu thế trước Iran sau khi đi trước Tehran được hai bước, đó là áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính với Iran và thúc đẩy để Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua hai nghị quyết về vấn đề Iran. Wasinhton khi đó đã cảm thấy tự tin và bóng gió rằng họ sẵn sàng đàm phán với Tehran trên thế mạnh hiện có.

 

Xét dưới góc độ này, việc Iran bắt giữ 15 lính thủy Anh có lẽ là một dấu hiệu mà Tehran muốn gửi tới Washington rằng nếu Mỹ coi việc bắt giữ người là một trò chơi công bằng để giành lợi thế thì Iran cũng có thể làm như vậy.

 

Một số nhân vật tại Washington cho rằng Iran hành động như vậy là do quá tuyệt vọng trước sức ép mạnh mẽ của Phương Tây. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng việc Iran bắt giữ các lính thủy Anh là một hành động có tính toán kĩ lưỡng.

 

Việc Iran cho công bố cái mà họ gọi là bức thư thứ hai của nữ binh Anh (nữ binh sĩ duy nhất trong số 15 người bị bắt giữ), Faye Turney, dường như là cũng nằm trong mưu đồ này. Bức thư kết thúc với một kêu gọi rút binh sĩ Anh khỏi Iraq của Turney. Bức thư viết: "Đây là lúc để bắt đầu rút các lực lượng của chúng ta khỏi Iraq, hãy để họ tự quyết định lấy tương lai của mình".

 

Liên hệ sự kiện bức thư và việc bắt giữ các lính thủy Anh với những tranh cãi chính trị lớn hơn tại khu vực cho thấy Iran rõ ràng đang tìm cách giành lại lợi thế mà họ đã mất khi Mỹ bắt đầu nhằm vào các quan chức của nước này tại Iraq.

 

Bằng việc nhằm vào các binh sĩ Anh, Iran có thể cảm thấy công bằng trong việc đáp lại các chiến thuật gây sức ép của Mỹ, tuy nhiên, rất khó để có thể dự đoán cuộc đọ kiếm giành ưu thế này cuối cùng sẽ đi đến đâu. Nếu Iran giành được thế thượng phong, Mỹ có thể sẽ tăng cường sự đặt cược và bắt đầu hàng loạt những hành động khiêu khích mới. Và nếu Washington giành được lợi thế trước Iran, Tehran chắc chắn sẽ có hành động đáp lại tương tự.

 

Chừng nào mỗi bên đều tăng cường đặt cược cho nỗ lực nhằm giành được thế thượng phong trong cuộc đàm phán có khả năng diễn ra trong tương lai, căng thẳng tại khu vực sẽ gia tăng và nguy cơ căng thẳng này vượt ra ngoài vòng kiểm soát là rất lớn. Theo giới phân tích, thay cho việc cải thiện vị thế trong đàm phán của mình, Mỹ và Iran có vẻ đang đóng lại cánh cửa đàm phán bằng một trò chơi giành ảnh hưởng đầy mạo hiểm.

 

Kiến Văn

Dòng sự kiện: Iran bắt Thủy thủ Anh