1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đệ nhất phu nhân Mỹ và hoài nghi của người Nhật

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Obama đã tới Nhật vào tối qua mà không có đệ nhất phu nhân tháp tùng. Động thái đang khiến người Nhật hoài nghi về vị trí của nước này trong danh sách ưu tiên của Mỹ. Bởi vừa mới gần đây, bà Michelle Obama và các con gái đã có mặt ở Trung Quốc, “đối thủ” của Nhật ở châu Á.

Mẹ con bà Michelle gặp vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Mẹ con bà Michelle gặp vợ chồng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua.


Khi Caroline Kennedy tới làm đại sứ Mỹ tại Tokyo vào năm ngoái, báo chí, giới chức Nhật đã hết lời ca tụng. Rằng việc Tổng thống Obama chỉ định nhân vật được cả thế giới biết đến, con gái của một trong những vị tổng thống hào hoa, được yêu mến đại diện cho nước Mỹ tại Nhật là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của Nhật đối với Washington.

Nhưng đó là chuyện của năm ngoái. Giờ đây, trước thềm chuyến công du cấp nhà nước của ông Obama tới Tokyo vào tuần này, Nhật lại một lần nữa bàn tàn sôi nổi về vị trí của nước này trong danh sách ưu tiên của nước Mỹ, nhất là khi so sánh vị thế đó với đối thủ đang ngày một mạnh của họ, Trung Quốc.

Lý do? Khi Obama đến Nhật vào tối 23/4, ông bước một mình xuống chiếc Không lực 1, mà không có Đệ nhất phu nhân Michelle sánh cùng. Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên công du cấp nhà nước Nhật trong 18 năm qua. Nhưng điều đó không khiến Tokyo bận tâm. Điều họ bận tâm là sự vắng mặt của bà Michelle.

Các nhà bình luận, các cuộc thảo luận trên mạng xã hội, các học giả, thậm chí là một số giới chức Nhật đều “siết chặt tay”, không hài lòng trước quyết định của bà Obama, không những không có mặt tại Nhật mà trong cả toàn bộ chuyến công du châu Á 8 ngày của chồng bà, gồm Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.

Một nghị sỹ quốc hội Nhật đã đi xa tới mức khi cho rằng hôn nhân của ông Obama chắc hẳn đang có vấn đề.

Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng sự vắng mặt của bà Obama là chỉ dấu cho thấy Nhật đã bị “tụt hạng” trong danh sách những đồng minh hàng đầu của Mỹ.

Không có gì nhạc nhiên khi sự vắng mặt của Đệ nhất phu nhân sẽ khiến công chúng Nhật bị “hụt hẫng” và làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Nhưng theo các nhà bình luận, điều khiến người Nhật thực sự cảm thấy “đắng họng” là khi chỉ trong vòng một tháng qua, bà Obama và các con gái đã có chuyến đi được truyền thông ầm ĩ ở Trung Quốc, đối thủ của Nhật.

Các nhà bình luận cũng cho rằng, với người Nhật, hình ảnh bà Michelle chơi nhảy dây với trẻ em Trung Quốc, cho gấu trúc ăn, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện, như “xát muốn vào vết thương”. Điều đó chứng tỏ vị thế của Trung Quốc đã leo lên thứ bậc ưu tiên chiến lược cao nhất của Mỹ. Còn Nhật đã bị rớt xuống hàng thứ hai.

Dĩ nhiên, giới chức Nhà Trắng khẳng định không có chuyện đó. Họ nhấn mạnh từ trước ông Obama không chấp nhận bất kỳ chuyến công du nước ngoài nào của ông là chuyến thăm cấp nhà nước. Và theo họ, thực tế chặng dừng chân của ông ở Nhật được nâng cấp lên mức đó cũng như cuộc gặp với Nhật hoàng Akihito nói lên rất nhiều về tầm quan trọng của Nhật với Mỹ.

Các trợ lý của bà Obama cũng nhấn mạnh, đệ nhất phu nhân Mỹ đã giới hạn thời gian ở xa các cô con gái trong thời gian tại vị của ông Obama. Đây là lý do vì sao bà rất ít khi tháp tùng chồng trong các chuyến công du nước ngoài. Chuyến công du dài gần đây nhất bà Obama đi cùng chồng là vào mùa hè năm ngoái, tới châu Phi, chuyến công du có cả các cô con gái của họ. Và chuyến công du tới Trung Quốc của bà Obama và các cô con gái diễn ra khi các cô con gái đang nghỉ xuân.

Giới chuyên gia cho rằng, tất cả những nghi ngờ của Nhật rồi sẽ lắng dịu, khi Obama đặt chân xuống Tokyo và tận dụng từng cơ hội để tán thưởng điều mà ông gọi là đối tác bền chặt Nhật-Mỹ.

Nhưng phép thử thực sự có thể sẽ diễn ra vào mùa thu sang năm, khi ông Obama dự kiến công du Trung Quốc. Nếu bà Obama tháp tùng ông trong chuyến đi này, người Nhật có thể sẽ nhớ lại lần vắng mặt này của bà và lại “nắm chặt tay” bất bình một lần nữa.

Vũ Quý
Tổng hợp