1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đầu tư vào Triều Tiên: Cơ hội vàng hay sự rủi ro?

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump từng đưa ra những lời hứa hẹn về các khoản đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên, song liệu các nhà đầu tư có sẵn sàng rót vốn vào môi trường kinh doanh bị cho là nhiều rủi ro như vậy hay không?

Tổng thống Trump "tặng" video đặc biệt cho ông Kim Jong-un

Tổ hợp khoa học công nghệ của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)
Tổ hợp khoa học công nghệ của Triều Tiên tại Bình Nhưỡng (Ảnh: KCNA)

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6 ở Singapore, Tổng thống Donald Trump đã chiếu cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem đoạn video đặc biệt với hình ảnh những tòa tháp tráng lệ, đoàn tàu tốc độ cao và ánh đèn rực sáng. Đây chính là tương lai tươi đẹp mà Triều Tiên có được nếu nước này chấp thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ.

Những người lạc quan nói rằng với sự giàu có về tài nguyên, nhân công rẻ và vị thế địa chính trị quan trọng, Triều Tiên có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, câu chuyện của những doanh nghiệp nước ngoài từng mở các cơ sở hoạt động tại Triều Tiên cho thấy việc đầu tư vào quốc gia bị cấm vận này không phải là tiến trình đơn giản.

Những luật lệ có thể thay đổi bất ngờ, những khoản chi phí không được thanh toán và nguy cơ bị tịch thu tài sản là những thách thức đặt ra cho các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót vốn vào môi trường kinh doanh tại Triều Tiên. Đó là chưa kể đến hàng chục rào cản do các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế áp đặt lên Triều Tiên liên quan tới tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Những dự án hợp tác chung với Triều Tiên bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngăn cấm, trong khi Liên minh châu Âu chặn các giao dịch tài chính vượt quá 5.000 euro với Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, các quy định do Mỹ đặt ra cũng khiến các ngân hàng quốc tế tránh thực hiện các giao dịch với Triều Tiên.

Ngay cả khi những rào cản trên được dỡ bỏ, vẫn còn những thách thức lớn đặt ra cho các nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn tại Triều Tiên. Cơ sở hạ tầng tại quốc gia Đông Bắc Á này vẫn còn nghèo nàn, trong khi giới phân tích cho rằng vấn đề tham nhũng vẫn tồn đọng tại Triều Tiên. Theo một nguồn tin ngoại giao ở Bình Nhưỡng, vấn đề quan trọng hơn cả là “sự bảo đảm về mặt pháp lý cho doanh nghiệp tại Triều Tiên vẫn còn rất yếu”.

Rào cản đầu tư

Những tòa nhà cao tầng tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Những tòa nhà cao tầng tại Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Trong giai đoạn quan hệ liên Triều hòa dịu, với sự mở cửa của chính sách Ánh Dương, tập đoàn Hyundai khổng lồ của Hàn Quốc đã rót hàng trăm triệu USD vào một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng để khách du lịch Hàn Quốc có thể tới tham quan Núi Kumgang nổi tiếng của Triều Tiên. Tuy nhiên những chuyến tham quan này đột ngột dừng lại khi một binh sĩ Triều Tiên bắn chết một phụ nữ từ Hàn Quốc do đi vào khu vực cấm.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã mở các cơ sở tại Khu Công nghiệp Kaesong chung giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, song Seoul cũng đóng cửa dự án này vào năm 2016 do các chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.

Công ty viễn thông Ai Cập Orascom đã rót hàng trăm triệu USD vào việc thành lập mạng lưới điện thoại di động đầu tiên tại Triều Tiên Koryolink, tuy nhiên công ty này sau đó không thể rút tiền khỏi Triều Tiên.

“Tôi đang hứng chịu nhiều thiệt hại. Tôi được thanh toán bằng loại tiền tệ không dễ trao đổi. Tôi đã đổ rất nhiều tiền, xây một khách sạn và làm nhiều điều tốt đẹp ở đó”, tỷ phú Naguib Sawiris, người sáng lập Orascom, nói với Bloomberg hồi tháng trước.

Tập đoàn xây dựng khổng lồ LafargeHolcim năm ngoái đã thoái vốn khỏi một nhà máy xi măng Triều Tiên với khoản tiền chưa được tiết lộ và chấp nhận những khoản thiệt hại nặng nề.

“Năng lực quản trị yếu, thông tin không đầy đủ và có khoảng cách lớn về văn hóa với các đối tác địa phương”, Geoffrey See, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Choson Exchange, nhận xét về môi trường đầu tư tại Triều Tiên.

Mô hình Trung Quốc?

Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn muốn đưa đất nước của ông phát triển thịnh vượng. Đầu năm nay ông từng tuyên bố đã hoàn tất chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên bây giờ là “xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”.

Trong những năm gần đây, Triều Tiên đã âm thầm tiến hành cải cách, cho phép các nhà đầu tư tư nhân hoạt động trong những thị trường không chính thức, đồng thời nới lỏng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và cho phép các công ty tư nhân hoạt động. Động thái này của Triều Tiên được cho là tương tự chính sách “đổi mới và mở cửa” của Trung Quốc dưới thời cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, đưa Trung Quốc vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc đã đưa các quan chức Triều Tiên tới thăm Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh giàu tài nguyên than đá để khuyến khích họ học theo mô hình của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao nói rằng Trung Quốc đã đề xuất kế hoạch phát triển chi tiết cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng được cho là luôn cảnh giác với việc quá phụ thuộc vào Bắc Kinh và muốn học theo mô hình phát triển của một nước xã hội chủ nghĩa nhỏ hơn là Việt Nam.

Nhà kinh tế học Gareth Leather nhận định Triều Tiên có một số lợi thế để phát triển kinh tế, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, sẽ chỉ có những nhà đầu tư “dũng cảm” mới đầu tư vào đất nước này.

Thành Đạt

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm