1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên triển vọng trở thành “địa điểm vàng” của các nhà đầu tư

(Dân trí) - Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ -Triều, cũng như việc 2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump thể hiện quyết tâm hành động vì một bán đảo Triều Tiên hòa bình, thịnh vượng và phi hạt nhân hóa, giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng sẽ trở thành nơi mang lại tiềm năng to lớn cho các nhà đầu tư.

Triều Tiên được cho là sở hữu kho tài nguyên hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: AFP)
Triều Tiên được cho là sở hữu kho tài nguyên hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: AFP)

Sau cuộc gặp lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 12/6 tại Singapore, tuyên bố chung của sự kiện cho thấy 2 nước vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thành các mục tiêu về phi hạt nhân hóa, cũng như mang lại sự ổn định, thịnh vượng lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, theo cây viết kỳ cựu Anthony Rowley của SCMP, những tác động về mặt kinh tế và tài chính có thể diễn ra trong tương lai gần. Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm hồi cuối tháng 4 và Thỏa thuận Singapore hồi tuần trước đã mở ra cơ hội cho 2 miền Triều Tiên bàn bạc tới vấn đề hợp tác kinh tế cũng như các vấn đề quân sự. Ông Kim Jong-un đã khẳng định mong muốn hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên, dù rõ ràng là Bình Nhưỡng không thể làm điều này một mình.

Mặc dù vậy, Hàn Quốc sẽ không phải là quốc gia phải “cáng đáng” toàn bộ quá trình trên như kịch bản Tây Đức hỗ trợ Đông Đức khi 2 miền thống nhất làm 1 hồi những năm 1990. Bình Nhưỡng có thể nhận viện trợ và đầu tư từ các chính phủ, các tổ chức, và những nhà đầu tư tư nhân.

Các khoản viện trợ từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, có thể là Mỹ và các nước châu Âu có thể đổ vào Triều Tiên trong thời gian tới. Song, các công ty tư nhân, các nhà đầu tư cá nhân sẽ có rất nhiều cơ hội đầu tư vào Bình Nhưỡng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang cần hiện đại hóa.

Các quỹ đầu tư có thể sẽ bắt đầu đổ tiền vào Triều Tiên theo con đường gián tiếp, bằng việc mua cổ phiếu của các công ty có thể giao dịch với Bình Nhưỡng khi tiến trình phi hạt nhân hóa ở đây bắt đầu được khởi động.

Huyndai và các tập đoàn công nghiệp khổng lồ ở Hàn Quốc được cho là những công ty đầu tiên có thể đầu tư sang Triều Tiên. Ngoài ra, các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Mitsubishi hay Komatsu, cùng với các công ty cổ phần của Trung Quốc đều coi Bình Nhưỡng là một thị trường tiềm năng.

Ngoài nhu cầu xây dựng mới hàng loạt cơ sở hạ tầng từ giao thông, năng lượng, mạng lưới thông tin liên lạc, Triều Tiên còn được cho là đang “nằm” trên một gia tài khoáng sản khổng lồ bao gồm các kim loại quý như vàng, quặng sắt, đồng, kẽm và than chì. Trữ lượng một vài khoáng sản trên ở Bình Nhưỡng thậm chí còn được cho là lớn nhất thế giới, với tổng trị giá khoảng 10.000 tỉ USD.

Khoản tiền trên được đánh giá là có thể trang trải được chi phí hiện đại hóa nền kinh tế Triều Tiên và đưa quốc gia này lên mức ngang bằng với Hàn Quốc. Và việc khai thác “kho báu” khoáng sản trên cần công nghệ và tài chính đến từ nước ngoài.

Chuyên gia Jesper Koll, người đứng đầu quỹ đầu tư WisdomTree ở Tokyo, đánh giá rằng sau hàng chục năm trời cô lập, tiềm năng phát triển đầu tư của Triều Tiên là rất lớn. Tuy nhiên, điều mà chuyên gia này băn khoăn là kịch bản của 2 miền Triều Tiên sẽ khác với Đông Đức và Tây Đức do Hàn Quốc chưa đủ tiềm lực để thực hiện.

Để thực hiện quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Đông Đức, Tây Đức và các nhà đầu tư đến từ khu vực này đã chi khoảng 5.000 tỉ USD. Trong khi đó, các chuyên gia ước tính Triều Tiên sẽ cần tới 10.000 tỉ USD để thực hiện quá trình tương tự, hoàn toàn vượt khả năng của Hàn Quốc. Chính vì vậy, nguồn hỗ trợ và đầu tư từ nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu có thể sẽ mang lại sự khác biệt cho nền kinh tế Triều Tiên.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm