1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đâu là "giới hạn cuối cùng" ở Biển Đông

Dư luận đang quan tâm tới chuyến công du 6 ngày (từ 8-6) của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc tại Mỹ.

Bởi tuy Thượng tướng Phạm Trường Long gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (11-6), nhưng lãnh đạo 2 nước vẫn khó tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông vì những khác biệt không có thể thu hẹp khi Trung Quốc vẫn tiếp tục các hành động đơn phương khẳng định chủ quyền ở Biển Đông không dựa trên luật pháp quốc tế.

Nhiều người cảnh báo, Biển Đông có thể là vật cản trong quan hệ Mỹ - Trung, nếu Bắc Kinh không chịu dừng tay, còn Washington quyết không nhượng bộ. Và khi Mỹ chuyển từ cảnh báo bằng lời sang hành động thực sự.

Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long
Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long
 
Ngày 9-6, tờ South China Morning Post bình luận, chuyến thăm Mỹ của ông Phạm Trường Long cho thấy, Bắc Kinh và Washington đang quan tâm tới việc ngăn chặn một cuộc đối đầu Trung - Mỹ ở Biển Đông, đồng thời thăm dò giới hạn cuối cùng của Mỹ ở Biển Đông, cũng như tạo tiền đề cho chuyến công du tới Mỹ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình vào tháng 9 tới.
 
South China Morning Post nhận định, việc cử Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long, người nắm quyền chỉ huy quân đội và chịu trách nhiệm về chiến lược quân sự và các vấn đề cốt lõi khác cho thấy, cả ông Tập Cận Bình và ông Obama đều cảm thấy có nhu cầu thiết lập cơ chế kiểm soát quân sự hiệu quả cho cả hai bên, nhằm ngăn chặn đối đầu trong khu vực.
 
Tháp tùng ông Phạm Trường Long có Thượng tướng, Đô đốc Tôn Kiến Quốc; Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xương Đức và Thượng tướng, Tư lệnh đại quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển. Và họ đã tới thăm căn cứ hải quân North Island, căn cứ Thủy quân lục chiến ở San Diego, tàu sân bay USS Ronald Reagan và căn cứ Fort Hood ở Texas.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter
 
Cũng theo tờ South China Morning Post, Mỹ và Đài Loan tăng cường quan hệ hợp tác quân sự để làm đối trọng với các hoạt động phô trương sức mạnh cơ bắp của Bắc Kinh trong khu vực. Washington vẫn tiếp tục trao đổi quân sự với Đài Loan, bất chấp những cảnh báo của Bắc Kinh - điều này có thể làm tổn hại quan hệ Trung - Mỹ.
 
Theo giới bình luận, mặc dù Mỹ đã đưa ra nhiều phát biểu mạnh mẽ và rõ ràng trước những diễn biến mới ở Biển Đông, nhưng gần như không tác động tới quyết tâm của Trung Quốc. Thậm chí Trung Quốc còn cho rằng, mục đích của Washington là ngăn cản sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Và Trung Quốc sẽ tiếp tục hành vi lấn biển, đảo hóa bất hợp pháp tại Biển Đông bởi Bắc Kinh có đủ sức mạnh để làm như vậy. Theo nhận định của chuyên gia David Lampton, có nhiều bằng chứng cho thấy, quan hệ Mỹ - Trung đang bước vào giai đoạn đỉnh điểm.
 
Theo nhận định của tờ Đa chiều, khả năng xảy ra đối kháng Mỹ - Trung xung quanh những căng thẳng ở Biển Đông đang tiệm cận giới hạn nguy hiểm, và nguy cơ bùng phát xung đột có thể diễn ra bất cứ lúc nào nếu một trong hai bên không chịu lùi bước.
 
Giáo sư Eric Hyer, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học Brigham Young ở bang Utah, Mỹ nhận định, sự đối kháng Mỹ - Trung không nhất thiết phải dẫn tới xung đột quân sự. Bởi sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân khiến cho tất cả các nước phải thận trọng; lợi ích kinh tế Trung - Mỹ ngày càng đan xen, phụ thuộc lẫn nhau, khó tách rời. Giáo sư Eric Hyer cho rằng, cục diện phức tạp ở Biển Đông đòi hỏi các nước hữu quan phải thông qua đàm phán để ký COC.
 
Có nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đang lúng túng trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. Theo chuyên gia Euan Graham, đến từ Viện Nghiên cứu Lowy tại Sydney, sự khó chịu của Mỹ nằm ở chỗ, tất cả các quốc gia Đông Nam Á, trừ Philippines, không muốn đưa ra lựa chọn rõ ràng giữa Trung Quốc - đối tác thương mại chính của họ, và Mỹ - người đảm bảo an ninh chính trong khu vực. Theo chuyên gia Rajeev Ranjan Chaturvedy đến từ Viện Nam Á tại Singapore, mối lo ngại hiện nay là Trung Quốc sẽ thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.
 
Trong khi đó tờ Want China Times dẫn lời học giả Jonathan Pollack, chuyên gia của Viện Brookings, Mỹ cho rằng, giải pháp để giảm căng thẳng Washington - Bắc Kinh ở Biển Đông là 2 bên giải quyết những bất đồng một cách riêng tư. Bởi những gì diễn ra tại Đối thoại Shangri - La lần thứ 14 ở Singapore vừa qua cho thấy, Mỹ - Trung đều không thay đổi quan điểm và nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.
 
Còn theo nhận định của tờ The National Interest (số ra ngày 6-6 tại Mỹ), có 3 nguy cơ dẫn tới chiến tranh Trung - Mỹ trên Biển Đông.
 
Thứ nhất, từ các đảo nhân tạo.
 
Thứ hai, từ một cuộc đụng độ máy bay.
 
Thứ ba, từ sự cố tàu ngầm.
 
The National Interest nhận định, Trung - Mỹ đều chưa muốn có một cuộc xung đột quân sự, ít nhất là trong tương lai gần. Nhưng nếu những cuộc khẩu chiến liên quan đến Biển Đông tiếp tục diễn ra, khiến quan hệ Trung-Mỹ trở nên căng thẳng, khi đó sẽ khó tránh khỏi một cuộc chiến.
 
Trước đó (4-6), tờ The Wall Street Journal bình luận, khi gây hấn tại Biển Đông, Trung Quốc cũng dẹp loạn nội bộ, củng cố quyền lực và cách nhanh nhất để thiết lập quyền lực là phát động chiến tranh! Và lịch sử Trung Quốc từng chứng minh điều này.
 
Ngày 9-6, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, tranh chấp do Mỹ can thiệp vào Biển Đông gây ra đã kích thích sự quan tâm của Nhật Bản. Và nội bộ Nhật Bản bắt đầu thảo luận cách thức can thiệp khi Trung - Mỹ xảy ra “tình trạng ảnh hưởng quan trọng” ở Biển Đông.
 
Trong khi đó hãng Kyodo cho biết, trong thảo luận ở Quốc hội về dự luật liên quan đến bảo đảm an ninh, Chính phủ Nhật Bản đã coi tranh chấp Biển Đông là đối tượng của “tình trạng ảnh hưởng quan trọng” và việc này tạo thuận lợi cho lực lượng phòng vệ triển khai hoạt động cảnh giới, giám sát.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho rằng, vì Trung Quốc thúc đẩy lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở Biển Đông, nên lực lượng phòng vệ có thể sẽ bảo vệ tàu chiến Mỹ.
 
Động thái này của Nhật Bản được Mỹ ủng hộ. Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Robert Thomas cho rằng, lực lượng phòng vệ hoạt động ở Biển Đông trong tương lai là hợp tình, hợp lý. Nhưng giới quân sự Trung Quốc cảnh báo, nếu Nhật Bản cố tình dùng vũ lực can thiệp vào Biển Đông, ngoài thông qua con đường ngoại giao để giải quyết, Bắc Kinh có thể xua đuổi, thậm chí không loại trừ khả năng “đâm húc”.
 
Ngày 31-5, Hội những người Hàn yêu Việt Nam (VESAMO) phối hợp với Trường đại học Dongwon của Hàn Quốc đã khai mạc triển lãm ảnh tại thành phố Busan về việc Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng các bãi đá và đảo ở Biển Đông. Triển lãm dự kiến mở cửa đón khách đến hết ngày 15-6. Trước đó (26-5), tờ Japan Today đưa tin, bất chấp căng thẳng tại một số vùng biển tranh chấp, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên tham gia tập trận quân sự lớn với Mỹ và Australia (dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7). Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, đã điều 600 người, trong đó có 49 quân nhân tham gia diễn tập cứu nạn đa quốc gia (lần đầu tiên) ở Malaysia. Và cuộc diễn tập này do Trung Quốc và Malaysia cùng tổ chức, Mỹ - Nhật - Hàn - Ấn cũng tham dự với khoảng 2.000 người.
 
Theo Hồng Thất Công
PetroTimes