1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dấu ấn của Hillary Clinton trên chính trường Mỹ

(Dân trí) - Bà Hillary Clinton, người đã tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2016, được biết đến trên các cương vị khác nhau: Đệ nhất phu nhân, Thượng nghị sỹ và Ngoại trưởng Mỹ.

Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh:

Cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. (Ảnh: AP)

Bà Clinton, 68 tuổi, từng giữ chức Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ làm Tổng thống đầu tiên của ông Barack Obana. Ít lâu sau khi vị Tổng thống này tái đắc cử hồi năm 2012, bà đã tuyên bố từ chức Ngoại trưởng Mỹ. Trong thời gian đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, bà Clinton được biết đến là một nhà ngoại giao làm việc không ngừng nghỉ và là mẫu người có cách tiếp cận chính sách khá nhân văn.  

Trong đoạn video đăng tải trên trang vận động tranh cử cá nhân ngày 12/4, bà Clinton khẳng định sẽ đấu tranh cho quyền lợi của người Mỹ, cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế hiện nay. Theo kế hoạch, chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton sẽ bắt đầu từ bang Iowa. 

Đệ nhất phu nhân đầu tiên tham gia chính trường 

Bà Hillary Diane Rodham sinh năm 1947 tại thành phố Chicago. Trong những năm 1960, bà theo học tại Đại học Wellesley ở bang Massachusetts. Ngay từ khi đó, bà bỏ ra nhiều thời gian để nghiên cứu các vấn đề chính trị. Sau đó, bà tới học tại trường Luật Yale, nơi bà gặp ông Bill Clinton. Họ cưới nhau vào năm 1975. Sau đó, bà Clinton đã chính thức đặt chân vào chính trường sau khi ông Clinton trở thành Thống đốc bang Arkansas vào năm 1978.  
 
Bà Hillary và ông Bill Clinton (Ảnh:
Bà Hillary và ông Bill Clinton (Ảnh: AP)

Khi ông Bill Clinton bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 1992, bà Hillary cũng công bố những chính sách ủng hộ nữ quyền và chăm sóc sức khỏe nếu trở thành Đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, thất bại trong việc đưa ra một kế hoạch cụ thể cho chính sách chăm sóc sức khỏe đã khiến bà nhận nhiều chỉ trích, trong khi giới quan sát cho rằng những chính sách này của bà Clinton quá tham vọng và thiếu thực tiễn. 

Sau đó, trong nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ thứ 2 của ông Bill Clinton, bà Hillary đã liên quan tới một số vụ bê bối. Đã có những phiên điều trần tại Quốc hội và một cuộc điều tra về vụ Whitewater, vốn là một dự án bất động sản mà gia đình Clinton tham gia đầu tư. Tuy nhiên, kết luận sau đó khẳng định cả hai người không làm gì sai luật. 

Trong quãng thời gian này, bà Hillary còn được truyền thông chú ý tới bởi bê bối tình cảm của chồng. Đó là vụ bê bối tình ái nổi tiếng giữa ông Bill Clinton và cô thư ký tập sự Monica Lewinsky. Theo đánh giá, chính vụ việc này đã giúp bà Hillary trở nên mạnh mẽ và khôn khéo hơn trong khi xử lý các vấn đề. Khi đó, bà đã đập tan những chỉ trích nhằm vào ông Bill Clinton khi cho rằng vụ Lewinsky đã được thổi phồng lên bởi một "âm mưu mang đậm màu sắc cánh hữu". 

Năm 2000, bà Clinton đã giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành Thượng nghị sỹ ở bang New York, mở đường phát triển sự nghiệp chính trị cá nhân trong đảng Dân chủ. Năm 2003, bà đã bỏ phiếu ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Iraq song luôn giữ khoảng cách trong thời gian cuộc chiến diễn ra và luôn kêu gọi chính phủ Mỹ đưa binh sĩ về nước. Năm 2006, bà Clinton đã tái đắc cử thượng nghĩ sỹ. 

Tham gia tranh cử tổng thống 

Bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2008 (Ảnh:

Bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử năm 2008 (Ảnh: AP

Năm 2008, bà Hillary Clinton lần đầu tiên tham gia tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích, đến cả từ nội bộ đảng Dân chủ, cho rằng bà Hillary là một nhân vật gây tranh cãi nên sẽ không thu hút được số phiếu của cử tri Mỹ. Cuối cùng, bà đã thua trong cuộc đua trở thành ứng viên của đảng Dân chủ trước nhân vật sau này trở thành Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama.    
 
Sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, bà Hillary Clinton được bổ nhiệm vào vị trí Ngoại trưởng. Như vậy, bà đã trở thành Đệ nhất Phu nhân Mỹ đầu tiên giữ chức vụ trong nội các. Trong quãng thời gian giữ cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao, bà Hillary đã tới thăm 112 nước, nhiều hơn bất cứ vị ngoại trưởng nào của Mỹ. 

Ngoài ra, ở cương vị mới, bà Hillary Clinton cũng tích cực ủng hộ các chính sách đề cao vai trò của người phụ nữ và nhân quyền. Bà cũng là người đưa ra quyết định về phản ứng của Mỹ về “Mùa Xuân Arab” tại các quốc gia Bắc Phi và quyết định can thiệp quân sự vào Libya năm 2011. 

Vụ tấn công sứ quán Mỹ tại Benghazi 

Khi bà Hillary còn làm ngoại trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chịu chỉ trích nặng nề sau vụ tấn công vào Lãnh sự quán nước này tại thành phố Benghazi ở Libya hồi tháng 9/2012. Trong phiên điều trần đầy căng thẳng tại Quốc hội và cũng là một trong những lần cuối xuất hiện với tư cách ngoại trưởng, bà Hillary đã nhận toàn bộ trách nhiệm trong vụ tấn công. Tuy nhiên, bà cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ trước đó đã không nhận được bất cứ yêu cầu hỗ trợ tăng cường an ninh nào từ cơ quan đại diện ở Lybia. Ngoài ra, bà cũng chỉ trích các ý kiến cho rằng chính phủ của Tổng thống Obama đã tìm cách che đậy vụ việc. 

Sau khi rời Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Hillary tập trung cho các công việc cá nhân. Tới tháng 9 năm ngoái, việc bà xuất hiện tại một buổi gây quỹ của đảng Dân chủ ở Ioawa đã được giới quan sát đánh giá là động thái chuẩn bị trở lại chính trường. 
 
Ngọc Anh
Tổng hợp