1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hillary Clinton - gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ

(Dân trí) - Khi quyết định rời cương vị Ngoại trưởng Mỹ cách đây 2 năm, bà Hillary đã có sẵn trong đầu kế hoạch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016. Cũng bởi thế, bà đã phải nếm trải nhiều biến cố do chiêu thức dìm đối thủ, nhưng tất cả cũng chỉ như “lửa thử vàng”.

Hillary Clinton - gương mặt sáng giá của đảng Dân chủ
Cựu Ngoại trưởng Mỹ luôn là ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí nữ Tổng thống đầu tiên của Mỹ (Ảnh: Forward)

Bất chấp việc bị “khui” chuyện sử dụng email cá nhân để xử lý việc công trong thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ (2009 - 2013) và những chỉ trích liên quan đến vụ Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi (Lybia) bị tấn công năm 2012 làm Đại sứ và 3 nhân viên ngoại giao dưới quyền thiệt mạng, bà Hillary Clinton vẫn là gương mặt sáng giá và được yêu thích nhất của đảng Dân chủ trong cuộc đua tranh vào Nhà Trắng năm 2016.

Sức hút Hillary

Trong cuốn hồi ký xuất bản cách đây hơn một năm, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates - người tại nhiệm cùng thời với bà Hillary - cũng đã ca ngợi nữ chính khách này hết lời. Với ông Robert Gates, bà Hillary là một người theo chủ nghĩa lý tưởng đầy trí tuệ, hài hước, có ý chí kiên cường và không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Ông cũng gọi nữ ngoại trưởng Mỹ một thời là “siêu đại biểu” của Mỹ trên toàn cầu và là ứng cử viên tốt nhất cho chức vụ Tổng thống Mỹ khóa tới.

Trên thực tế, ngoài ông Gates, rất nhiều nhân vật chính yếu có tiếng nói đầy trọng lượng ở Mỹ cũng cho rằng bà Hillary gần như chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. Đây cũng là quan điểm chung của phần đa dân chúng Mỹ vì họ tin tưởng bà Hillary sẽ dễ dàng đánh bại ứng cử viên tiềm năng của đảng Cộng hòa.

Tất nhiên, trong một vài thời điểm nào đó, đã có lúc bà Hillary từng tuyên bố sẽ không tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ khóa 45, thậm chí còn đề cập tới khả năng thoái lui hoàn toàn khỏi chính trường. Nhưng với tính cách mạnh mẽ vốn có và khả năng làm chính trị thiên bẩm của mình, nhiều người đã biết chắc đây sẽ không phải là con đường lựa chọn của người phụ nữ này. Bà không những sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, mà còn “chiến đấu tới cùng” để giành chiến thắng, bất chấp một rào cản rất lớn ở Mỹ là người dân thường sẽ không bỏ phiếu cho ứng của viên của đảng đã cầm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp trước đó.
 
Theo một số nguồn tin, ngay từ mùa hè 2013, bà Hillary đã bí mật nghe báo cáo đánh giá về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Bà cũng đã tập hợp được quanh mình một đội ngũ tham mưu và tài trợ hùng hậu để “tiếp sức” cho cuộc đua. Trong năm 2013, đội ngũ này đã vận động được hơn 4 triệu USD kinh phí tranh cử cho bà Hillary, một con số tuy không lớn nhưng cũng đủ để cho thấy khi bước vào chặng nước rút, vấn đề tài chính không phải là một mối lo đối với “gia tộc Clinton”.

Một trong những yếu tố đảm bảo chắc chắn cho điều này là ngay từ sau thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008, vợ chồng bà Hillary luôn duy trì quan hệ rộng rãi với giới nhà giàu và bạn bè có tiềm lực, đồng thời sẵn sàng “đầu quân” cho người đã đánh bại mình là Tổng thống Obama để “nuôi” tham vọng tranh cử vào năm 2016.

Bản lĩnh trong các lần "thử lửa"

Trong sự nghiệp chính trị của mình, tính đến thời điểm này, bà Hillary đã kinh qua không ít lần "thử lửa".

Ban đầu là việc bà bị chỉ trích vì đã không hoàn thành trọng trách bảo vệ các nhân viên ngoại giao làm việc ở nước ngoài. Biến cố đầy bất ngờ tại tòa Lãnh sự Mỹ ở thành phố Benghazi (Lybia) cách đây 3 năm đã đẩy nữ Ngoại trưởng Mỹ vào thế lao đao sau khi Đại sứ Mỹ Chris Stevens và 3 nhân viên ngoại giao dưới quyền bị thiệt mạng trong vụ tấn công.

Là người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tại thời điểm đó, bà Hillary không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Thế nhưng, vạch vòi việc đúng sai tại một vùng đất chiến sự leo thang ở châu lục khác xem ra không phải là việc làm công bằng với bà Hillary. Dẫu vậy, bà Hillary vẫn chọn cách đối mặt với sự thật và nhận lỗi về mình để thể hiện rõ trách nhiệm của người cầm trịch.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy bà Hillary hiện là ứng cử viên Tổng thống được yêu thích của đảng Dân chủ. Những gương mặt có thể giam gia tranh cử khác của đảng Dân chủ gồm có Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, cựu Thượng nghị sĩ bang Virginia Jim Webb và Thượng nghị sĩ độc lập của bang Vermont Bernie Sanders.

Biến cố tiếp theo là tình hình sức khỏe và tuổi tác không còn trẻ của bà Hillary. Vào thời điểm tranh cử Tổng thống, bà Hillary đã bước sang tuổi 68, trong khi xưa nay những người trúng cử vào Nhà Trắng đều không quá 60. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, công việc của một Tổng thống Mỹ chịu rất nhiều áp lực, đòi hỏi phải có thể lực rất cao. Cú ngã gây chấn động não của bà Hillary ngay trước khi rời khỏi chức Ngoại trưởng Mỹ và tình hình sức khỏe không mấy khả quan của bà trong suốt 2 năm qua sẽ bị đảng Cộng hòa đối lập khai thác triệt để khi cuộc đua chính thức bước vào chặng nước rút.

Và biến cố gần đây nhất là vụ phanh phui bà Hillary sử dụng tài khoản email cá nhân để xử lý việc công. Mặc dù tại Mỹ không hề có quy định cấm các nhà lãnh đạo dùng tài khoản cá nhân xử lý công việc miễn là chúng được bảo mật, nhưng nhiều nghị sĩ Cộng hòa vẫn tranh thủ chỉ trích bà. Vi phạm luật liên bang, luật lưu trữ hồ sơ, thiếu minh bạch và gây nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia (trong trường hợp bị tin tặc tấn công) là những cáo buộc nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Trước cuộc tấn công mang chiêu thức “dìm” đối thủ này, bà Hillary đã không ngần ngại công khai tất cả email cá nhân và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chúng. Cách thức xử lý linh hoạt và bình tĩnh của bà, cộng với thực tế trước đây đã có nhiều chính khách như Colin Powell, Chuck Hagel từng dùng email cá nhân vào mục đích tương tự đã cứu Hillary một “bàn thua trông thấy” vào lúc cận kề thời điểm ra tranh cử.

Trí tuệ dẫn đường thành công 

Bà Hillary đã quyết định rời khỏi cương vị Ngoại trưởng Mỹ với sự tin tưởng chắc chắn rằng vị thế toàn cầu của “chú Sam” đã được khôi phục sau 4 năm đặt dưới sự lãnh đạo của ekip đảng Dân chủ mà bà là một mắt xích quan trọng.

Khi rời khỏi cương vị trong sự tiếc nuối của nhiều người, nữ Ngoại trưởng Mỹ từng thổ lộ bà chưa từng một lần ngừng suy ngẫm về những di sản của mình trong 4 năm qua. Mỗi ngày thức dậy, bà càng thêm quyết tâm nỗ lực hết sức để có thể đẩy mạnh được những lợi ích của nước Mỹ.

Cũng bởi thế, bà Clinton đã rời nhiệm sở với mức tín nhiệm cao nhất so với bất kỳ thành viên nào trong nội các của Tổng thống Obama, cùng với danh hiệu "nhà ngoại giao siêu sao" của nước Mỹ. Trong 4 năm phò tá cho Tổng thống Obama, bà đã thể hiện một nghệ thuật ngoại giao hiệu quả trong việc thúc đẩy Myanmar mở cửa, khởi động chiến lược xoay trục sang châu Á và đặt nền tảng cho nền ngoại giao “đối thoại thay vì đối đầu” hiện nay của chính quyền Obama. Là một chính khách đầy lôi cuốn, có uy tín và sẵn lòng đối thoại, bà Hillary đã “thổi hồn” vào các mối quan hệ đối ngoại của Mỹ và là người thứ hai mà nhiều chính khách quốc tế muốn gặp, chỉ sau Tổng thống Obama.

Khi còn làm Ngoại trưởng, bà Hillary đã đi thăm tổng cộng 112 nước, một kỷ lục mà hiếm chính trị gia nào của Mỹ có thể vượt qua. Những chuyến đi và những cuộc trao đổi của bà không chỉ làm tăng các giá trị cốt lõi của Mỹ, giúp định hình phong cách ngoại giao đa phương, mà còn giúp “chú Sam” tiếp tục phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo toàn cầu trong bối cảnh khủn hoảng kinh tế và liên minh truyền thống đang bị xé lẻ.

Ngoài ra, bà cũng là người đặc biệt chú trọng vào quyền phụ nữ, các vấn đề phát triển bền vững và quyền lợi của các nhóm yếu thế trong xã hội.

Tất cả những điều này đã tạo thành một bức tranh toàn diện về Hillary, một nhà ngoại giao uy tín trong nước và nổi bật trên trường quốc tế; đồng thời tạo dựng cho bà một hành trang cần thiết trong việc lên kế nhiệm Tổng thống Obama.

Có thể thấy trong lịch sử nước Mỹ, khó có chính trị gia nào hội đủ được các yếu tố như bà Hillary. Là người trí tuệ, uy tín, nhiệt huyết, lôi cuốn và quyết đoán, cựu đệ nhất phu nhân và cựu Ngoại trưởng Mỹ đang đứng trước có hội rất lớn để trở thành vị chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng và cũng là nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Quyết định ra tranh cử của bà, do đó, cũng là điều hoàn toàn tất yếu.

Đức Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm