1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Cuộc thanh lọc mới giấu thực trạng

Các chuyên gia nhận định rằng, âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ là chỉ báo về sự bất bình đối với chính sách của tổng thống Recep Tayip Erdogan.

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dập tắt, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan đã chỉ đích danh ông Fethullah Gulen (hiện đang định cư tại Mỹ) là thủ phạm đứng sau cuộc “nổi loạn” này, bởi đa số trong số 5 tướng và 29 đại tá bị bắt giữ là người ủng hộ vị giáo sĩ này.

Tuy nhiên, giáo sĩ Gulen - người sáng lập phong trào chống chính quyền mang tên ông, đồng thời cũng là nhà lãnh đạo nhóm Hồi giáo Hizmet, người trước đây từng là đồng minh của ông Erdogan nhưng sau trở thành kẻ thù của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - đã bác bỏ cáo buộc này.

Theo một số chuyên gia, rất có thể là phong trào Gulen không có liên quan đến âm mưu đảo chính này, bởi những người ủng hộ vị giáo sĩ này ở Thổ Nhĩ Kỳ rất đông, nếu hành động này là của họ thì rất có thể đã nó đã có thêm sự ủng hộ của các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Do đó, một số chuyên gia nhấn mạnh rằng, rất có thể tuyên bố phong trào Gulen có liên quan đến cuộc đảo chính là sự đổ vấy của chính quyền Ankara nhằm che giấu thực trạng bất mãn gay gắt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đối với chính sách của Tổng thống Tayyip Erdogan.

Khủng hoảng về quan hệ đối ngoại

Nhà phân tích chính trị Nga, Phó chủ tịch thứ nhất Trung tâm Công nghệ Chính trị Alexei Makarkin cho biết, âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau.

Vị phó chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị Nga cho biết, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang đi vào ngõ cụt, việc Hồi giáo hóa khiến cho bộ phận thế tục trong xã hội không hài lòng, trong đó có nhiều quân nhân coi mình là người thừa kế của Ataturk.

Ngoài ra, ông lưu ý rằng, càng ngày chế độ của Tổng thống Recep Tayip Erdogan càng trở nên độc đoán, trong khi đó chính sách ngoại giao của nước này cũng đang lâm vào bế tắc.

Tổng thống Erdogan đã dập tan được cuộc đảo chính quân sự
Tổng thống Erdogan đã dập tan được cuộc đảo chính quân sự

Người Mỹ đang ngày càng thất vọng bởi Erdogan và tích cực hỗ trợ người Kurd ở Syria, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu cũng không suôn sẻ, quan hệ với Nga cũng đã bị phá hỏng, sau đó bắt đầu hồi phục, nhưng niềm tin của Moscow vào Erdogan không còn nữa.

Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các nước láng giềng cũng không khá hơn tí nào. Ngoài những mâu thuẫn sâu sắc với Syria và Iraq, sau khi những người Hồi giáo Ai Cập bị lật đổ, quan hệ của nước này với Ai Cập và Saudi Arabia cũng rất phức tạp - ông Alexei Makarkin nói.

Ông Alexei Makarkin nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ dẹp yên đảo chính và giữ được ghế với sự trợ giúp của những người ủng hộ chính quyền không hẳn là do chính quyền nước này được lòng dân mà do ông Erdogan quá có kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng.

Nhà phân tích chính trị Nga cho biết, cuộc đảo chính bất thành này vẫn là cuộc khủng hoảng mạnh nhất đối với chính quyền “đã lỗi thời” của ông Erdogan và nếu ông này không thay đổi chính sách đối nội và đối ngoại thì các cuộc khủng hoảng tương tự sẽ diễn ra.

Khủng hoảng về đối nội

Rõ ràng là trong thời gian qua, nhà lãnh đạo Ankara đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối dữ dội từ người dân và các đảng phái trong nước. Và để dập tắt những nghi ngờ, cáo buộc, Tổng thống Erdogan chỉ còn cách là đàn áp và bắt giữ những người chống đối.

Gần đây nhất là vào ngày 8/12/2015, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 18 người trong lực lượng cảnh sát với cáo buộc âm mưu lật đổ chính phủ của ông Recep Tayyip Erdogan.

Những người bị bắt giữ tập trung chủ yếu vào các cựu quan chức, cảnh sát trưởng và các sĩ quan cảnh sát, bị coi là những thành phần ủng hộ giáo sĩ Gulen. Trước đó, công tố viên thành phố Istanbul đã yêu cầu tòa án ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Fetullah Gulen.

Lệnh bắt giữ những người ủng hộ phong trào Gulen cũng đã được ban hành trong khắp 13 tỉnh thành của nước này. Hồi tháng 11/2015, cũng đã có tới 44 quan chức và sĩ quan cảnh sát cấp cao bị bắt giữ vì tội danh này.

Tổng cộng, từ ngày 1/1 đến ngày 7/10 năm 2015, Tổng thống Erdogan đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh và cảnh sát nước này bắt giữ tới 5.795 người vì có hành động “chống chính quyền”, mà thực chất là những thành phần chống đối quyền lực của ông.

Theo một báo cáo của Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), cũng trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2015, đã có 98 công dân Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp quốc gia này bị bắt giữ về tội “phỉ báng lãnh tụ”, tức là can tội xúc phạm đến cá nhân ông Ergogan.

Ngoài ra, Tổng thống Erdogan còn vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, tự do ngôn luận với những hành động bắt bớ, bỏ tù những người có tư tưởng đối lập, giết hại hàng ngàn người Kurd và đóng cửa hàng loạt tờ báo vì dám chỉ trích chính phủ của ông.

Mâu thuẫn nghiêm trọng với giới quân sự

Về bản chất, đây là một mảng nằm trong quan hệ đối nội nhưng do tính chất đặc thù và mức độ rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa chính phủ và giới quân sự nên được tách thành phần riêng.

Ngày 16/7, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng đã đưa ra bình luận rằng, các sự kiện ở Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây đã bộc lộ những mâu thuẫn mạnh mẽ trong xã hội và quân đội của nước này và đã bị “cụ thể hóa” bằng một cuộc đảo chính quân sự.

Vòng xoáy mâu thuẫn giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và giới quân sự vẫn tiếp diễn
Vòng xoáy mâu thuẫn giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và giới quân sự vẫn tiếp diễn

Còn Tổng biên tập tạp chí "Quốc phòng" Nga là ông Igor Korotchenko cho biết, cuộc thanh trừng hàng loạt mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành trong giới quân sự cấp cao có thể kích động một cuộc đảo chính quân sự ở đất nước này.

Cụ thể là trong quá trình "thanh lọc" những nhân vật trong ban lãnh đạo lực lượng vũ trang thời trước, Erdogan đã hành động quá cứng rắn: Bắt bớ và kết án hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái như vậy, quả thực không thể khơi dậy tình yêu của giới quân sự dành cho Tổng thống.

Ví dụ như chỉ tính trong năm 2012, ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra liên tiếp 3 vụ việc liên quan đến các âm mưu đảo chính quân sự.

Vào tháng 4, Ankara đã bắt giữ 10 quan chức quân sự, trong đó có 4 tướng lĩnh dính líu đến vụ lật đổ chính quyền năm 1997, vào tháng 5 tiếp tục xét xử 2 tướng lĩnh tham gia đảo chính năm 1980 và đến 4/08 Ankara đã cho nghỉ hưu 56 tướng lĩnh, 40 người trong số đó đã bị bắt giữ để điều tra âm mưu đảo chính năm 2004 và 2008.

Cuối năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khởi tố ba quan chức quân đội cao cấp là Tướng Ibrahim Aydin, đại tá về hưu Burhanettin Dzhihangiroglu và tướng Hamza Dzhelepoglu, bởi đã dám bắt giữ xe tải chở vũ khí của Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria cho nhóm phiến quân Turkmen hồi tháng 1/2014.

Lần này, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ trừng trị thích đáng những phần tử nổi loạn và thanh lọc hoàn toàn quân đội. Sau đó, lực lượng an ninh đã bắt giữ tổng cộng 1.563 quân nhân quân đội, trong đó có 34 sĩ quan cao cấp, gồm có 5 tướng và 29 đại tá.

Một cuộc “thanh lọc” mới lại bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ và vòng xoáy mâu thuẫn giữa chính quyền và giới chức quân sự vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo Nhật Nam

Đất Việt