1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mổ xẻ căn nguyên của cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Âm mưu đảo chính do một nhóm thiểu số trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện tối 15/7 đã bị đẩy lùi. Tuy nhiên, sự việc cũng cho thấy những bất đồng ngày một lớn ở một bộ phận tướng lĩnh quân đội với các chính sách của Tổng thống Erdogan.

Các binh sỹ quân đội hiện diện tại quảng trường Taskim tối 15/7 trong khi xảy ra đảo chính. (Ảnh: RT)
Các binh sỹ quân đội hiện diện tại quảng trường Taskim tối 15/7 trong khi xảy ra đảo chính. (Ảnh: RT)

Tối 15/7, nhân lúc Tổng thống Tayyip Erdogan đang đi nghỉ tại một khu nghỉ dưỡng tại khu vực Marmaris bên bờ biển Aegean, một số binh sỹ quân đội đã thực hiện âm mưu đảo chính tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù vậy âm mưu đảo chính đã bất thành, khi các lực lượng trung thành với ông Erdogan và người dân đã nhanh chóng giành lại các điểm trọng yếu tại hai thành phố trên, bao gồm cây cầu Bosphorus tại Istanbul, quảng trường Taksim, sân bay Ataturk, các đài truyền hình quốc gia và tư nhân.

Trước khi lên máy bay tới Istanbul, Tổng thống Erdogan đã sử dụng ứng dụng Facetime trên điện thoại để kêu gọi người dân xuống đường, chiếm lĩnh sân bay và các quảng trường. Và hàng nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đã hưởng ứng lời kêu gọi, đổ ra các tuyến đường lớn, sân bay, ngăn chặn các đoàn xe quân sự.

Hậu quả từ sự bất mãn?

Tại sân bay Ataturk, Tổng thống Erdogan tuyên bố vẫn là người lãnh đạo chính quyền dân chủ, và “sẵn sàng hy sinh”. Ông đồng thời cáo buộc một bộ phận thiểu số trong quân đội đã thực hiện vụ đảo chính, sau khi nhận lệnh từ Pennsylvania, Mỹ, ám chỉ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen, đang sống lưu vong tại Pennsylvania đứng sau âm mưu đảo chính.

Theo hãng nghiên cứu Stratfor có trụ sở tại Mỹ, có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc đảo chính do những người trung thành với phong trào Gulen thực hiện. Đây là một phong trào Hồi giáo đã xây dựng được ảnh hưởng đáng kể tại Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1970. Các thành viên phong trào này xâm nhập vào lực lượng hiến binh, nơi lí lịch các binh sỹ không bị kiểm tra gắt gao, và từ đó dần vươn tới nắm giữ các vị trí cao trong quân đội.

Khi Tổng thống Erdogan nhận thấy phong trào Gulen có quá nhiều ảnh hưởng, mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với các thành viên phong trào này đã xấu đi. Và từ năm 2014, những cuộc thanh trừng quy mô lớn đã diễn ra, để làm suy yếu ảnh hưởng của phong trào này tại các cơ quan chính phủ và truyền thông.

Người biểu tình chặn xe quân sự tại thủ đô Ankara trong tối 15/7. (Ảnh: AP)
Người biểu tình chặn xe quân sự tại thủ đô Ankara trong tối 15/7. (Ảnh: AP)

Dù vậy, ảnh hưởng của phong trào Gulen trong quân đội không hoàn toàn bị loại trừ. Điều này có thể do những người Gulen có nhiều thông tin có thể tống tiền, thao túng các nhân vật cấp cao trong quân đội, khiến họ không dễ bị sa thải, Stratfor nhận định. Điều đó có nghĩa là về bản chất, một bộ phận người Hồi giáo trong quân đội mẫu thuẫn sâu sắc với phe thế tục trong lực lượng vũ trang, đã cầm đầu vụ đảo chính chống lại ông Erdogan.

Đến nay, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, kẻ chủ mưu thực hiện vụ đảo chính là đại tá Muharrem Kose, người vừa bị sa thải hồi tháng 3, với cáo buộc bắt tay với phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông Kose từng là cố vấn pháp lý của Tổng Tham mưu trưởng quân các lực lượng vũ trang Hulusi Akar.

Theo chuyên gia về Thổ Nhĩ Kỳ Ömer Taşpınar, học giả tại Trung tâm Tình báo và An ninh thế kỷ 21 Brookings, những gì vừa diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một âm mưu đảo chính bất thành, của một nhóm các sỹ quan cấp trung.

Họ đã không thể thiết lập được chuỗi chỉ huy cũng như sự thống nhất về chỉ huy. Bằng chứng là các sỹ quan hàng đầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã không ủng hộ cuộc đảo chính. “Đó là một âm mưu đảo chính thiếu tính tổ chức, không chuyên nghiệp và mang tính chắp vá”, ông Taşpınar nói.

Áp lực dồn nén?

Theo tờ The Globe and Mail của Canada, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ tự hỏi vì sao quân đội lại chờ đợi lâu đến vậy trước khi quyết định thách thức quyền lực của Tổng thống Tayyip Erdogan cũng như chính phủ của ông.

Ông Erdogan (giữa) xuất hiện tại Istanbul sau khi xảy ra đảo chính. (Ảnh: FT)
Ông Erdogan (giữa) xuất hiện tại Istanbul sau khi xảy ra đảo chính. (Ảnh: FT)

Từ năm 2002 đến nay đảng Công lý và Phát triển (APK) thân đạo Hồi của ông Erdogan đã chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử, và ngày càng giành được sự ủng hộ từ nhiều cử tri hơn. Dù vậy họ vẫn không thể giành được đa số tuyệt đối tại quốc hội, để giúp ông Erdogan có thể sửa đổi Hiến pháp.

Theo điều lệ đảng, ông Erdogan phải rời bỏ cương vị thủ tướng sau 3 nhiệm kỳ. Nhưng thay vì lui vào hậu trường, ông đã tranh cử và đắc cử tổng thống, một vị trí lâu nay chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực quyền. Ông Erdogan đã muốn thay đổi hiến pháp để giúp mình gia tăng quyền hành pháp.

Dù vậy, ngay cả khi những cải cách đó chưa diễn ra, vị tổng thống vẫn điều hành đất nước như thể đã được trao những quyền hành pháp này. Bên cạnh đó, chính phủ của ông Erdogan đã đẩy mạnh việc thực thi các quyền con người, trong đó có việc để các tín đồ đạo hồi thoải mái hơn trong việc thực hiện các nghi thức tôn giáo. Dù vậy không phải mọi bộ phận trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ việc này.

Rất nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chủ nghĩa thế tục tuyệt đối mà nhà lập quốc Mustafa Kemal Ataturk đã đề ra. Và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ khi ra đời vẫn xem việc bảo vệ bản hiến pháp thế tục là nghĩa vụ của mình.

Bên cạnh đó, các chính sách đối ngoại của ông Erdogan đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua, giữa lúc các cáo buộc tham nhũng nổi cộm bị phớt lờ.

Ông Erdogan từng cam kết chính sách “không gây rắc rối” với các quốc gia láng giềng, nhưng lại nhanh chóng trở thành đối thủ với hai quốc gia từng có quan hệ hữu hảo nhất là Israel và Syria. Mới đây nhất Ankara đã khiến Mátxcơva nổi giận.

Trong chính sách đối nội, ông Erodgan ủng hộ việc lập nhà nước người Kurd độc lập tại miền bắc Iraq, trong khi đửa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại với tình trạng gần như nội chiến với cộng đồng người Kurd và các chiến binh đảng Công nhân người Kurd.

Tổng thống Erdogan đồng thời đã tuyên chiến chính trị với phong trào Gulen, một nhóm Hồi giáo ôn hòa và được biết đến rộng rãi tại Thổ Nhĩ Kỳ. Phong trào này, có nhiều thành viên trong quân đội và chính quyền, đã không còn hậu thuẫn ông Erdogan và cáo buộc ông tham nhũng, chuyên quyền quá mức.

Theo tờ Washington Post, giữa lúc các nhóm hoạt động nhân quyền và đảng đối lập đưa ra các cáo buộc, phong thái lãnh đạo độc đoán của ông Erdogan càng gia tăng mạnh mẽ. Các tờ báo và kênh truyền hình lớn đều bị đóng cửa hoặc tiếp quản. Các phóng viên và người bất đồng chính kiến thì bị bắt giữ vì nhiều cáo buộc khác nhau.

Trong khi đó thảm cảnh tại Syria, cùng chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, đã thổi bùng sự bất mãn trong đất nước.

Thanh Tùng

Tổng hợp