1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đằng sau kế hoạch của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020

Donald Trump của năm 2016 là nhân tố bí ẩn với nhiều bất ngờ nhưng Tổng thống Trump của năm 2020 sẽ phải tìm cách thức mới để định nghĩa lại bản thân.

Ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016 với những cam kết tranh cử đáng chú ý: tập trung vào Trung Quốc, chấm dứt các thỏa thuận thương mại và hạn chế nhập cư. Tuy nhiên, khi đã là một Tổng thống, ông Trump đối mặt với những cảnh báo từ các đồng minh trung thành trong đảng Cộng hòa rằng, nếu chỉ tiếp tục đưa ra những cam kết tương tự, ông sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua năm 2020.

Đằng sau kế hoạch của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Tuần này là tuần Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Tổng thống Trump và đội ngũ của ông đang nỗ lực tìm những cách thể hiện mới để giải quyết câu hỏi đã quẩn quanh trong nhiều tháng này: Liệu ông sẽ làm gì trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo?

Đối lập mạnh mẽ với Biden

Đội ngũ cố vấn hàng đầu của ông Trump đã dành nhiều tuần xem xét các đề xuất nhằm trả lời cho câu hỏi quan trọng trên. Họ đã thảo luận về các ý tưởng như: hạ lãi suất và giảm thuế thu nhập, thực hiện các biện pháp mới với vấn đề nhập cư, tiến hành các thỏa thuận thương mại mới và cắt giảm thêm các quy định.

Ngày 27/8, Tổng thống Trump có thể nêu những ý tưởng trong bài phát biểu của ông tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa bởi Tổng thống muốn thể hiện những quan điểm đối lập mạnh mẽ với chương trình nghị sự của cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Tối 23/8, chiến dịch của Tổng thống Trump đã công bố bản phác thảo các mục tiêu của ông trong nhiệm kỳ thứ hai gồm: xóa sổ đại dịch Covid-19, tạo công ăn việc làm cho người dân, chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, giảm giá thuốc, mở rộng lựa chọn trường học và bảo vệ cảnh sát, đồng thời khẳng định sẽ trao đổi kỹ hơn về những vấn đề trên trong tuần này.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump thừa nhận rằng, chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ nghiêng về các cam kết tiếp tục thực hiện lời hứa của Tổng thống Trump thay vì đưa ra những ý tưởng hoàn toàn mới, vốn có thể gây ra nhiều rủi ro cho Tổng thống trong việc thu hút nền tảng cử tri lâu dài của ông cũng như có thể đối mặt với sự chỉ trích từ trong đảng Cộng hòa.

Các cố vấn thân cận với Tổng thống Trump như Karl Rove - cựu cố vấn cấp cao của Tổng thống George W. Bush và cựu Thống đốc Chris Christie đã bày tỏ quan điểm cả công khai và kín đáo trong nhiều tháng rằng, Tổng thống phải có các kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ hai nghiêm túc hơn để đảm bảo khả năng đắc cử.

Cựu Thống đốc Christie đã gửi cho Tổng thống Trump dòng ghi chú trong một bài bình luận về chiến dịch tranh cử, trong đó đề cập đến việc ông Trump cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn tầm nhìn của mình trong 4 năm tới.

Nhiều nhà phê bình cho rằng khiếm khuyết của ông Trump với vai trò là một chính trị gia chính là ông tập trung vào thị trường và việc buôn bán nhiều hơn là điều hành đất nước.

Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump và các đồng minh của ông đều cho rằng, bất kỳ sự trì hoãn nào trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của nhiệm kỳ thứ 2 đều xuất phát từ đại dịch Covid-19 và sự suy thoái kinh tế không mong muốn chứ không phải từ mức độ quan tâm của Tổng thống với việc thực hiện chính sách hay quyết tâm đánh bại ông Biden.

Định nghĩa lại về việc “giữ lời hứa” tranh cử

Giữa bối cảnh Đại hội Toàn quốc của đảng Cộng hòa diễn ra trong tuần này, một câu hỏi vẫn chưa được trả lời là liệu Tổng thống, người đang tranh cử với thông điệp "giữ lời hứa", có thể đưa ra định nghĩa mới về cách thức thực hiện những lời hứa hay không. Những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, vốn khiến hàng triệu người thất nghiệp đang làm suy yếu kế hoạch của Tổng thống Trump với chiến dịch tập trung vào mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp, một vấn đề đã giúp những người tiền nhiệm như Lyndon Johnson, Ronald Reagan, Bill Clinton và George W. Bush tái đắc cử.

Cùng với việc đối phó với thách thức về kinh tế, Tổng thống Trump còn đối mặt với việc phải khắc họa rõ ràng về tầm nhìn cho nhiệm kỳ 4 năm tới trong Đại hội đảng Cộng hòa tại Đại lộ 1600 Pennsylvania những ngày tới. Trong những bài đăng tải trên Twitter, nhà lãnh đạo Mỹ chủ yếu tập trung vào những vấn đề như nhắc lại các thông điệp trong cuộc bầu cử trước đó, những rủi ro của việc bỏ phiếu qua thư và công kích ông Biden.

Bên trong Nhà Trắng, một nhóm cố vấn, trong đó có Chánh văn phòng Mark Meadows, người điều phối chính sách của ông Trump Chris Liddell, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow và các cố vấn trong Hội đồng Chính sách Đối nội đang tập trung vào việc xây dựng chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Trong lịch sử, kế hoạch cho nhiệm kỳ thứ 2 của các Tổng thống tiền nhiệm thường liên quan đến việc tiếp tục các chính sách hiện tại và kết hợp với việc đề xuất 1 ý tưởng mới, Julian Zelizer, giáo sư lịch sử và các vấn đề quan hệ công chúng tại Đại học Princeton nhận định.

Chẳng hạn, George W. Bush thúc đẩy việc tư nhân hóa chính sách An sinh Xã hội vào đầu nhiệm kỳ thứ 2 song kế hoạch này đã "chết yểu" khi ông tái đắc cử.

Tổng thống Obama thì tiếp tục việc đưa ra các sáng kiến như biến đổi khí hậu và nhập cư, đồng thời nhấn mạnh hơn đến năng lực hành pháp khi Hạ viện lúc bấy giờ do đảng Cộng hòa kiểm soát. Tổng thống Reagan đã dành nhiệm kỳ thứ hai cho gói cải cách vấn đề nhập cư và cắt giảm thuế, đồng thời tập trung vào việc đàm phán thỏa thuận vũ trang với Liên Xô.

“Tôi khẳng định ông Trump sẽ tiếp tục việc cắt giảm thuế và tập chung vào chính sách nhập cư sau khi tái đắc cử. Mặc dù những người tranh cử Tổng thống lần đầu tiên có những tham vọng lớn lao nhưng thường thì sau 4 năm, một chính quyền vốn có kinh nghiệm hơn và hiểu hơn về cách thức phản ứng của Hạ viện, theo một cách nào đó, sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn", nhà phân tích Zelier cho hay.

Người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 2 với mục tiêu đưa đất nước vượt qua đại dịch và "đảm bảo rằng chúng ta trở thành một nước Mỹ an toàn, mạnh mẽ và thịnh vượng hơn".

Tô đậm những thành quả đối ngoại

Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Trump đánh giá Trung Quốc và Iran sẽ sẵn sàng đàm phán với ông hơn nếu ông Biden thua. Gần đây, nhà lãnh đạo Mỹ đã tiến hành thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc nhưng việc đàm phán đã bị chững lại do căng thẳng 2 nước leo thang trên nhiều lĩnh vực vì Covid-19.

Với Iran, Tổng thống Trump cam kết sẽ đưa Tehran quay lại bàn đàm phán bằng cách áp một loạt lệnh trừng phạt lên quốc gia này mặc dù các nhà lãnh đạo Iran hầu như không quan tâm đến việc đàm phán với Mỹ.

"Ông Trump cảm nhận được rằng chính quyền Iran đang ngày càng tuyệt vọng nhưng nước này hiểu họ không thể chống đỡ qua nhiệm kỳ thứ 2 của ông và sau đó sẽ phải quay lại đàm phán", Rich Goldberg, cựu quan chức an ninh quốc gia làm việc về vấn đề Iran trong chính quyền Tổng thống Trump cho hay.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump đang dự định tổ chức một loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới tại Nhà Trắng trong những tháng tới nhằm nhấn mạnh đến những thành quả đối ngoại của ông.

Gần đây, Mỹ đã thông báo một thỏa thuận mà nước này làm trung gian hòa giải, theo đó, thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Nhà Trắng cũng đang nỗ lực tổ chức cuộc trao đổi giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin như một phần trong các cuộc thảo luận về hiệp ước vũ khí hạt nhân News START sắp hết hạn.

Tuy nhiên, một số đồng minh của ông Trump đang lo ngại Tổng thống tập trung quá nhiều vào những vấn đề không liên quan đến đại dịch Covid-19 và kinh tế, chẳng hạn như việc ông không ngừng suy nghĩ về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử và những cáo buộc vô căn cứ về kịch bản một chính phủ nước ngoài đang hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông.

"Chúng tôi đang cạn kiệt thời gian để tập trung hợp lý vào việc truyền tải thông điệp. Các cử tri chúng tôi muốn tiếp cận ở các bang dao động và các bang Vành đai Công nghiệp chủ yếu quan tâm đến việc chúng tôi sẽ lấy lại các công việc từ Trung Quốc và đảm bảo an ninh cho họ như thế nào", một người gây quỹ hàng đầu của đảng Cộng hòa và là người ủng hộ Tổng thống Trump cho hay.

Nhìn chung, kế hoạch tái tranh cử của ông Trump sẽ phải cân bằng giữa việc đảm bảo những vấn đề “cũ” giúp ông xây dựng nền tảng cử tri trung thành lâu dài và việc có những sáng kiến mới nhằm thu hút các nhóm cử tri khác, cũng như tạo nên sức hút mới mẻ cho ông. Donald Trump của năm 2016 là một nhân tố bí ẩn với nhiều bất ngờ nhưng Tổng thống Trump của năm 2020 sẽ phải tìm cách thức mới để định nghĩa lại bản thân mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm