1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dân số Trung Quốc lần đầu giảm sau hơn 60 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc lần đầu ghi nhận dân số giảm kể từ năm 1961, chỉ số cho thấy quốc gia tỷ dân đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học.

Dân số Trung Quốc lần đầu giảm sau hơn 60 năm - 1

Trung Quốc đang đối diện với cuộc khủng hoảng về nhân khẩu học (Ảnh minh họa: Kyodo).

Cục thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 17/1 thông báo, tính đến cuối năm 2022, nước này có 1,41175 tỷ người, giảm so với con số 1,41260 tỷ ghi nhận năm 2021.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1961, Trung Quốc ghi nhận dân số giảm. Guardian nhận định, đây được xem là dấu mốc đánh dấu sự khởi đầu của giai đoạn suy giảm dân số được dự đoán là kéo dài ở Trung Quốc, bất chấp những nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh nhằm đảo ngược xu hướng này.

Chính phủ Trung Quốc trong nhiều năm qua đã nỗ lực khuyến khích người dân sinh thêm con và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang tới gần do dân số già gây ra. Các chính sách mới đã giúp giảm bớt gánh nặng tài chính và xã hội trong việc nuôi dạy con cái, hoặc tích cực khuyến khích sinh con thông qua trợ cấp và giảm thuế. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên Trung Quốc áp dụng chính sách một con cũng như chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng, các cặp vợ chồng vẫn không quá mặn mà với các biện pháp của chính phủ.

Tỷ lệ sinh năm 2022 là 6,77 ca sinh trên 1.000 người, giảm so với tỷ lệ 7,52 ghi nhận năm 2021. Ngoài ra, Trung Quốc năm ngoái cũng ghi nhận tỷ lệ tử vong cao nhất kể từ năm 1976, với 7,37 người chết trên 1.000 người so với tỷ lệ 7,18 người chết vào năm 2021.

Trên mạng xã hội, một số người Trung Quốc nói rằng họ không bất ngờ trước thông báo của chính phủ, nhấn mạnh rằng áp lực xã hội đang khiến tỷ lệ sinh ở mức thấp.

"Giá nhà ở, phúc lợi, giáo dục, chăm sóc sức khỏe - đó là những lý do tại sao mọi người không đủ khả năng sinh con", một người bình luận trên trang Weibo.

Yi Fuxian, một nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), cho biết sự suy giảm dân số ở Trung Quốc diễn ra sớm hơn gần một thập kỷ so với dự đoán của chính phủ nước này và Liên Hợp Quốc.

"Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học thực sự của Trung Quốc xảy ra sớm ngoài dự đoán và tất cả các chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng và đối ngoại trước đó của Trung Quốc đang dựa trên các dữ liệu chưa hoàn toàn chính xác", chuyên gia trên nhận định.

Theo Guardian