Dàn khí tài “khủng” Nga quyết không sản xuất hàng loạt
(Dân trí) - Vì nhiều lý do khác nhau như không thực sự hiệu quả hoặc chi phí quá lớn, Nga quyết định không đưa một số nguyên mẫu vũ khí vào sản xuất hàng loạt hoặc biên chế quân đội nước này.
Theo Sputnik, cứ khoảng 10 nguyên mẫu vũ khí được nghiên cứu và chế tạo thì Nga mới lựa chọn được một dự án để đưa vào sản xuất hàng loạt và đưa vào biên chế vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, chúng không được sáng chế ra một cách vô ích khi các nhà chế tạo vũ khí vẫn dùng các nguyên mẫu này làm nền tảng để tạo ra các vũ khí mạnh mẽ hơn.
Tàu ngầm “Cá vàng”
Tàu ngầm hạt nhân K-162 hoặc K-222 thuộc Đề án 661 Anchar (NATO gọi là tàu ngầm lớp Papa) hiện vẫn được coi là tàu ngầm nhanh nhất thế giới từng được chế tạo, với tốc độ tối đa là 82,8 km/h. Nó có khả năng mang 10 tên lửa hành trình, 12 ngư lôi và có thể tấn công bất cứ tàu quân sự nào bằng cách tiếp cận phóng hỏa lực và sau đó rút đi an toàn.
Vấn đề duy nhất của tàu ngầm này chính là chi phí sản xuất quá cao, do vỏ của nó được chế tạo từ titanium. Nó được mệnh danh là “cá vàng”, nhằm ám chỉ sự đắt đỏ. Ngoài ra, K-222 rất ồn làm giảm hiệu quả khả năng ẩn mình của tàu ngầm này. Chỉ một tàu K-222 duy nhất được đưa vào biên chế vào năm 1969 và về hưu 20 năm sau đó. Một số ý tưởng dùng khi chế tạo tàu K-222 đã được Nga ứng dụng cho các dự án chế tạo tàu ngầm hạt nhân khác, trong đó có Đề án 670 Skat.
Quái vật biển Caspi
Ekranoplan là phương tiện di chuyển siêu tốc. Vào thời kỳ Liên Xô cũ, các chuyên gia đã phát triển hai mô hình Ekranoplan cho các lực lượng vũ trang - phiên bản vận tải quân sự "Orlyonok" và phiên bản "Lun" mang tên lửa hành trình. Lun có chiều dài 74 m, rộng 44 m và có khả năng mang 6 tên lửa chống hạm P-270 Moskit cùng 300 kg đầu đạn. Một nửa trong số tên lửa trên đủ để tấn công một tàu sân bay. Lun có tốc độ khoảng 550 km/h. Vì nó di chuyển theo kiểu lướt trên mặt nước, hầu hết các hệ thống radar sẽ không phát hiện ra nó cho đến khi quá muộn.
Lun được sáng chế dựa trên nguyên mẫu tiền nhiệm Korabl Maket, phương tiện được NATO gọi là “quái vật biển Caspi”. Tuy nhiên, Lun có chung số phận với tàu ngầm “Cá vàng” khi vào thời điểm những năm 1987, Liên Xô không có đủ ngân sách để duy trì dự án và buộc dừng lại. Cho tới năm 2015, Nga mới nối lại sản xuất phương tiện ekranoplan phiên bản mới.
“Cha đẻ” của Su-57
Nguyên mẫu để Nga phát triển “bóng ma bầu trời” Su-57 chính là máy bay chiến đấu phản lực Su-47 Berkut. Su-47 có thiết kế cánh đặc biệt hướng về phía trước cho phép nó có tốc độ nhanh hơn, tính cơ động cao, giảm thiểu thời gian cất cánh và hạ cánh cũng như ổn định hơn khi tác chiến trên không. Mặc dù vậy, điều đó đồng nghĩa với việc Nga phải sử dụng nhiều vật liệu đắt tiền cho một đôi cánh máy bay hiệu quả như vậy.
Được phát triển vào những năm 1997, thời kỳ kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn, dự án đắt đỏ này đã bị dừng lại. Tuy nhiên, đây chính là tiền đề cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, Su-57 của Nga, ra đời.
Đại bàng đen
Xe tăng “đại bàng đen” (T-80) Nga từng phát triển về mặt cấu tạo không có quá nhiều điểm khác biệt so với các xe tăng trong biên chế quân đội Nga hiện tại, nhưng nó có một lợi thế vượt trội hơn. Đó là ghế của các binh sĩ điều khiển xe tăng được hạ thấp hơn, nhằm giúp giảm bớt khả năng thương vong khi bị tấn công. Vì một số vấn đề mà dự án này không được đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, ý tưởng cốt lõi trên “đại bàng đen” đã được ứng dụng vào siêu tăng tiên tiến nhất của Nga thời điểm hiện tại, Armata.
Tàu vũ trụ “đôi dép Liên Xô”
MiG-105 được gọi là Lapot (trong tiếng Nga có nghĩa là đôi dép/giày) vì cấu tạo phần mũi của phương tiện này. Đây là tàu con thoi có nhiệm vụ chở khách lên quỹ đạo, là câu trả lời của Liển Xô với dự án tàu vũ trụ X-20 Dyna-Soar của Mỹ. Thay vì dùng rocket để phóng tàu vào quỹ đạo, các nhà khoa học Liên Xô đã sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng, tăng tốc giữa chừng để đẩy tàu lên nhằm tiết kiệm chi phí phóng.
Dự án này đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô quyết định phát triển tàu con thoi tự hành Buran, dự án quy mô lớn nhất và chi phí cao nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ Liên Xô.
Đức Hoàng
Theo Sputnik