1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại sứ quán Thụy Điển mách giới trẻ Việt Nam công cụ nhận biết tin thật, giả

(Dân trí) - Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã cung cấp tới các thanh, thiếu niên Việt Nam bộ công cụ giúp phân biệt tin tức giả mạo và tin tức chân thực nhằm giúp giới trẻ khai thác tối đa lợi ích của mạng Internet cũng như hạn chế những rủi ro tiêu cực do tin giả gây ra.

Đại sứ quán Thụy Điển mách giới trẻ Việt Nam công cụ nhận biết tin thật, giả - 1

Bà Victoria Rhodin Sandström, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam (Ảnh: Đức Hoàng)

 

Ngày 19/1, Đại sứ quán Thụy Điển đã giới thiệu tới các giáo viên và học sinh cấp trung học, phổ thông của trường THCS Thực nghiệm một bộ công cụ mang tên “Fake ≠ Fact” (Giả mạo ≠ Sự thật). Đây là những phương pháp nhằm giúp phân tích, đánh giá tính chính xác và độ tin cậy của thông tin trực tuyến trong bối cảnh mạng xã hội, công nghệ, Internet đang phát triển như “vũ bão” và kéo theo hàng loạt rủi ro về nạn “tin giả”.

Ban đầu, Đại sứ quán Thụy Điển muốn áp dụng thử nghiệm chương trình trên với THCS Thực nghiệm và tiến tới mục tiêu sẽ nhân rộng tới các trường trung học, phổ thông khác.

Bộ công cụ Fake ≠ Fact được biên soạn và phát triển bởi các cơ quan Thụy Điển như Viện Thụy Điển, Hội đồng Truyền thông Thụy Điển, Quỹ Internet Thụy Điển và sáng kiến The Viral Scrutinee của Báo Metro.

Thời đại của Internet ngày nay mang tới cho giới trẻ nhiều tác động tích cực, cung cấp những hệ thống thông tin khổng lồ và tốc độ lan truyền nhanh chóng. Vì vậy, kỹ năng để phân biệt đâu là thông tin đáng tin cậy, đâu là thông tin không chuẩn xác càng trở nên cấp thiết và quan trọng.

Phát biểu tại sự kiện, bà Victoria Rhodin Sandström, Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết: “Tôi tin rằng Internet là một nguồn tài nguyên tuyệt vời, cho cả người lớn và các bạn trẻ. Internet có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như giáo dục, truyền thông và các hoạt động giải trí. Trẻ em vốn sinh ra với sự hiếu kì, mong muốn tìm tòi và theo tôi điều này nên được khuyến khích. Môi trường trực tuyến cung cấp một cơ hội tuyệt vời để kết giao với bạn bè, cập nhật kiến thức và kết nối với thế giới”.

“Tuy nhiên, ở Thụy Điển, Việt Nam và trên toàn thế giới, chúng ta cần cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên các công cụ cần thiết để tách thông tin đáng tin cậy khỏi thông tin không đáng tin cậy. Chúng ta cần khuyến khích trang bị khả năng tự đặt câu hỏi về việc thông tin đến từ đâu chúng có đáng tin cậy hay không giằm giúp các em tối đa hóa những lợi ích của khối lượng thông tin khổng lồ trên mạng Internet”, bà Sandström nhận định.

Bộ công cụ giúp các em học sinh tăng cường khả năng học hỏi, tiếp nhận thông tin bổ ích, đồng thời nói không với những thông tin sai sự thật, để không biến mình trở thành nạn nhân của “tin giả”.

Đức Hoàng