Đại sứ Nga hé lộ tình hình ở Triều Tiên
(Dân trí) - Tình hình ở Triều Tiên rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai và các lệnh trừng phạt quốc tế, đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora cho biết.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thừa nhận, Triều Tiên đang phải đối mặt với tình hình "tồi tệ nhất từ trước đến nay". Ông kêu gọi giới chức nước này thực hiện chiến dịch "Tháng Ba gian khổ" để "giảm bớt khó khăn cho người dân". "Tháng Ba gian khổ" là một thuật ngữ mà giới chức Triều Tiên dùng khi đề cập đến nạn đói những năm 1990 ở nước này nhằm kêu gọi nỗ lực trong công tác và lao động.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS, Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora, nói ông không chắc về lý do khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un so sánh tình hình hiện nay với giai đoạn đó. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Tình hình không đến mức Tháng Ba gian khổ, và tôi cũng hy vọng điều đó không bao giờ xảy ra. Điều quan trọng nhất là hiện nay Triều Tiên không xảy ra nạn đói".
Theo lời ông Matsegora, hàng hóa nhập khẩu đã không còn trên các kệ hàng ở Triều Tiên, nhưng hầu hết các sản phẩm nội địa vẫn sẵn có và giá chỉ tăng nhẹ.
Ông Matsegora là một trong số ít nhà ngoại giao nước ngoài ở Triều Tiên. Thông thường, các nhà ngoại giao nước ngoài khi ở Triều Tiên sẽ bị giới hạn những nơi mà họ có thể đến. Do vậy, hiện không rõ tình hình mà ông Matsegora nêu ra là ở thủ đô Bình Nhưỡng hay còn ở địa phương nào khác của Triều Tiên.
Trong khoảng 1 năm trở lại đây, hoạt động thương mại của Triều Tiên đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt quốc tế cộng thêm việc đóng cửa biên giới để ngăn dịch Covid-19. Triều Tiên đến nay vẫn khẳng định chưa ghi nhận ca Covid-19 nào.
Ông Matsegora cho biết, hiện các viện trợ quốc tế cho Triều Tiên vẫn mắc kẹt trong các nhà kho ở biên giới phía Trung Quốc, nhưng Triều Tiên đang xây dựng và sắp hoàn thiện các khu khử trùng quy mô lớn. "Có thông tin cho rằng, các công trình đó sẽ hoàn thiện vào cuối tháng 4 này, khi đó, dòng chảy hàng hóa sẽ được khôi phục", quan chức Nga nói.
Ông cho rằng, vận tải hàng hóa qua biên giới Triều Tiên có thể được khôi phục trong tương lai gần, nhưng việc đi lại của người dân sẽ chỉ được khôi phục sau khi đại dịch được đẩy lùi trên toàn cầu. Ông cho biết, chính phủ Triều Tiên dường như bắt đầu nới lỏng một số biện pháp phòng dịch như cho phép tổ chức đám cưới, cho các trường học mở cửa trở lại trong tháng này.
Thông tin được ông Matsegora đưa ra không lâu sau khi phái đoàn ngoại giao Nga phàn nàn về tình trạng thiếu hụt hàng hóa thiết yếu tại Triều Tiên như thuốc men. Trong một bài viết trên trang Facebook chính thức hồi đầu tháng này, Đại sứ quán Nga tại Bình Nhưỡng cho biết, các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ nước ngoài đang rút khỏi Triều Tiên những tháng gần đây do tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm cũng như do các biện pháp hạn chế "chưa từng có" để phòng dịch Covid-19. Theo Đại sứ quán Nga, hiện chỉ còn khoảng 290 người nước ngoài ở Triều Tiên, bao gồm chỉ 9 đại sứ và 4 nhân viên phụ trách. Tất cả nhân viên nước ngoài làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo đã rời khỏi nước này.