1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đại sứ Anh nói về chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Hoàng tử William

(Dân trí) - Chuyến thăm Việt Nam lần này dịp để Hoàng tử William cổ vũ các nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp tục đấu tranh chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever cho biết.


Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Giles Lever (Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam)

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Giles Lever (Ảnh: Đại sứ quán Anh tại Việt Nam)

Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever mới đây đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh các nỗ lực của Việt Nam nhằm chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và chuyến thăm của Hoàng tử Anh William tới Hà Nội để tham dự một hội nghị quốc tế về chủ đề này.

Hoàng tử Anh William có chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 16/11. Đề nghị ông cho biết mục đích chuyến thăm của Hoàng tử William?

Như các bạn đã biết, Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã lần thứ 3 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ 17-18/11. Đây là chủ đề mà Hoàng tử William rất quan tâm và Hoàng tử cũng đang đóng vai trò nổi bật trong việc biến các nỗ lực thành hành động quốc tế để giải quyết nạn săn bắt trái phép voi, tê giác, các động vật hoang dã khác, cũng như việc buôn bán trái phép động thực vật hoang dã.

Chuyến thăm của Hoàng tử tới Việt Nam liên quan trực tiếp tới hội nghị. Đây cũng là dịp để Hoàng tử tận mắt chứng kiến và hiểu các vấn đề tại Việt Nam, và cổ vũ các nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp tục đấu tranh chống lại nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Ông có nhận thấy các nỗ lực của Việt Nam trong việc chiến đấu với nạn buôn bán động thực vật hoang dã?

Có, tôi nhận đã nhận thấy điều đó. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ra chỉ thị về giải pháp đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái phép hồi tháng 9, số vụ buôn lậu sản phẩm động thực vật hoang dã bị triệt phá đã gia tăng. Chỉ riêng trong tháng 10, khoảng 2,2 tấn ngà voi bị thu giữ tại các cảng. Đó là một tín hiệu tốt. Ngay mới đây, hôm 12/11, Việt Nam đã tiến hành tiêu hủy công khai hàng tấn ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động thực vật hoang dã khác. Sự kiện đó phát đi một tín hiệu rất tích cực không chỉ với người dân Việt Nam và mà còn với cộng đồng quốc tế, cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc chiến đấu với nạn buôn bán động thực vật hoang dã.

Theo ông, Việt Nam cần làm tiếp theo giải quyết triệt để vấn nạn này?

Tôi cho rằng giờ đây vẫn còn nhiều việc phải làm, cả về tăng cường các nỗ lực thực thi luật pháp đối với các mạng lưới tội phạm tham gia vào việc buôn bán trái phép các sản phẩm động thực vật hoang dã và tăng cường giáo dục với người dân về việc không sử dụng các sản phẩm động thực vật hoang dã trái phép, vì việc tiêu thụ không chỉ gây nguy hiểm cho các loài động thực vật hoang dã mà còn tiếp tay cho các nhóm tội phạm quốc tế. Điều chúng tôi hi vọng đạt được từ hội nghị tới là tất cả các quốc gia, chứ không riêng gì Việt Nam, sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động quốc gia của họ trong những năm tới nhằm chiến đấu với nạn buôn bán động thực vật hoang dã, đồng thời cũng phát triển các cách thức hợp tác quốc tế cụ thể, như các quốc gia châu Á hợp tác với nhau để chống lại nạn buôn bán các sản phẩm trong khu vực, hoặc sự hợp tác giữa các quốc gia châu Á với các quốc gia ở châu Phi nhằm đập tan các tuyến đường buôn lậu từ châu Phi vào châu Á. Chúng tôi thấy rằng còn nhiều việc nữa cần phải làm nhưng các tín hiệu gần đây từ chính phủ Việt Nam rất tích cực và chúng tôi hoan nghênh điều đó.

Hội nghị tại Việt Nam lần này có gì khác với 2 hội nghị trước đó, được tổ chức tại Anh vào năm 2014 và Botswana vào năm 2015?

Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã lần thứ nhất vào năm 2014 là nỗ lực của chính phủ Anh nhằm thuyết phục tổ chức hội nghị quốc tế cấp cao về chống buôn bán động thực vật hoang dã và hội nghị tiếp theo được tổ chức tại Botswana vào năm 2015. Sau hơn 1 năm, chúng ta cần tổ chức hội nghị thứ 3 để xem xét những tiến bộ đã đạt được về các vấn đề và để đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiếp tục nhận được các cam kết chính trị và hành động ở mức cao từ các quốc gia liên quan.

Và sau khi hội nghị đầu tiên tại Anh, chúng tôi cho rằng nên tổ chức hội nghị tiếp theo tại một quốc gia nơi voi, tê giác và các loài động vật nguy cơ tuyệt chủng khác sinh sống. Đó là lý do vì sao hội nghị lần 2 diễn ra tại Botswana. Hội nghị thứ 3 diễn ra tại Việt Nam, nơi nhu cầu tiêu thụ động thực vật hoang dã gia tăng và đôi khi là thị trường trung chuyển tới các quốc gia khác, vì thế hội nghị lần này sẽ gửi đi một thông điệp quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề từ tất cả các góc độ. Chúng tôi muốn nhìn thấy các hành động tại các quốc gia châu Phi để chống lại hoạt động săn bắt động thực vật hoang dã, nhưng chúng tôi cũng phối hợp với các quốc gia, như cácnước châu Á, để giảm thiểu giảm nhu cầu tiêu thụ trái phép các sản phẩm động thực vật hoang dã.

Việc hội nghị lần 3 được tổ chức tại Việt Nam cho thấy cam kết quốc tế đang được thực hiện và cách tiếp cận toàn diện đối với các vấn đề. Hội nghị là cơ hội để thiết lập các cách thức cụ thể hơn mà từng quốc gia tham gia có thể thực hiện, cả về mặt quốc gia và ở góc độ hợp tác quốc tế, nhằm tạo sự chuyển biến trong việc giải quyết vấn đề này.

Đại sứ quán Anh tại Hà Nội hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc tổ chức hội nghị lần này?

Nói riêng về hội nghị thì đây là sự kiện do phía Việt Nam chủ trì và chúng tôi không đồng tổ chức. Chúng tôi tôn trọng các nỗ lực của phía Việt Nam nhằm tổ chức thành công hội nghị. Nhưng chúng tôi đang có các hỗ trợ thiết thực thông qua việc cung cấp các chuyên gia quốc tế để phối hợp với ban thư ký nhằm đưa ra các tuyên bố chung và kế hoạch hành động của hội nghị. Song song với đó, trong vài năm qua, chúng tôi đã và đang hợp tác trong một loạt các dự án tại Việt Nam, đặc biệt có việc hợp tác với một số tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực này để hỗ trợ giáo dục cộng đồng và giảm thiểu nhu cầu đối các sản phẩm động vật hoang dã. Chúng tôi hi vọng hội nghị tới sẽ đưa ra các chương trình và dự án mới mà chúng tôi có thể thực hiện để trợ giúp Việt Nam, cùng các các cam kết khác.

Hội nghị quốc tế về chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã lần thứ 3, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày 17-18/11. Hội nghị sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Việt Nam và thế giới, cũng như các bộ trưởng và quan chức cấp cao của nhiều quốc gia.

An Bình