Cứu trợ nạn nhân bão tại Philippines quá chậm chạp
(Dân trí) - Trưởng cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc ngày hôm nay 14/11 đã tỏ ra không hài lòng với tốc độ cứu trợ các nạn nhân bão Haiyan tại Philippines. Trước đó, nhiều hãng tin quốc tế miêu tả tình hình cứu trợ là chậm chạp và "vô tổ chức".
“Ưu tiên hàng đầu lúc này phải là đưa thực phẩm vào, đưa nước uống vào. Hôm nay chúng tôi đã đưa được rất nhiều hàng hóa vào, nhưng như vậy vẫn là chưa đủ. Chúng ta thực sự cần phải mở rộng quy mô chiến dịch một cách không ngừng”, bà Valerie Amos nói.
Tuyên bố trên được vị trưởng cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc đưa ra tại thủ đô Manila của Philippines, sau khi thị sát một vòng thành phố Talcoban.
Theo hãng tin AP, hầu hết hàng cứu trợ cùng các nhân viên phân phát hiện đang kẹt tại Manila, cũng như sân bay Cebu kế bên, cách Tacloban 45 phút di chuyển bằng máy bay.
Đến 3 giờ sáng nay theo giờ địa phương, chiếc máy bay vận tải C-130 đầu tiên mới đến được sân bay Tacloban, và cũng là chuyến bay đêm đầu tiên kể từ khi bão Haiyan đổ bộ vào đây hôm thứ Sáu. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống kiểm soát không lưu đã hoạt động trở lại 24/24 - một điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến dịch cứu trợ quy mô lớn.
Nhiều lương thực, nước uống và các trang thiết bị y tế từ các nước cứu trợ đang được đặt trên kệ dọc theo đường băng.
Vẫn theo AP, trong hôm qua, Chương trình lương thực Liên hợp quốc đã phân phát gạo và các vật dụng khác tới 50.000 người tại Tacloban. Gần 10 tấn bánh qui giàu năng lượng cũng được chuyển tới thành phố này, và thêm 25 tấn nữa đang được chuyển tới.
“Vô tổ chức”
Nhưng công tác tổ chức phân phát hàng cứu trợ của chính quyền địa phương dường như có vấn đề, thậm chí bị một số hãng thông tấn lớn miêu tả là “vô tổ chức”.
Phóng viên CNN Anderson Cooper, người đang có mặt tại Tacloban miêu tả những gì đang diễn ra là “một sự hủy diệt chứ không phải công tác xây dựng”.
“Không hề có bằng chứng nào về một chiến dịch cứu trợ, tái thiết có tổ chức”, ông Cooper nói.
Phóng viên này khẳng định đã 5 ngày sau khi cơn bão đi qua nhưng hiện chưa rõ ai là người chỉ huy hoạt động cung cấp hàng cứu trợ tới khu vực này.
“Tình hình hiện rất tuyệt vọng, thuộc hàng tuyệt vọng nhất tôi từng thấy trong những đợt đưa tin về các thảm họa…Có lẽ sau 5 ngày, mọi người sẽ kỳ vọng nhìn thấy một trung tâm phân phát thực phẩm. Chúng tôi vẫn chưa thấy nó, ít nhất là ở khu vực này không có”, Cooper khẳng định.
Phóng viên BBC Jon Donnison cũng đưa tin rằng: “Có vẻ như không có một chiến dịch hiệu quả để đem sự giúp đỡ đến với những người cần thiết”.
Phóng viên AP, người đã lái xe quanh Tacloban khoảng 6km trong ngày thứ Tư cho biết “không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ hoạt động phân phát nước uống, thực phẩm hay thiết bị y tế một cách có tổ chức, cho dù hàng đống hàng cứu trợ đã bắt đầu đến sân bay”.
Một bài viết trên tờ New York Times của Mỹ thì cho biết, một nhóm bác sỹ của tổ chức Bác sỹ không biên giới với đầy đủ các thiết bị y tế, thuốc men đã tới Cebu từ thứ Bảy tuần trước, nhưng đến tận thứ Ba vẫn phải tìm kiếm máy bay tới Tacloban. Cuối cùng họ lại được thông báo rằng sân bay Tacloban chỉ dành cho mục đích quân sự của Philippines.
“Vẫn còn quá nhiều xác chết ở khắp nơi”
Trả lời kênh Sky news của Anh, thị trưởng thành phố Tacloban cho biết: “Vẫn còn quá nhiều xác chết ở khắp mọi nơi. Thật đáng sợ”, thị trưởng Alfred Romualdez nói, và cho biết thêm rằng các đội thu gom tử thi đang gặp khó khăn.
“Một khu vực nào đó có thể báo lên rằng cần thu gom 5-10 thi thể, nhưng khi chúng tôi đến nơi, có tới 40 thi thể. Chúng tôi cần thêm người và thiết bị. Tôi không thể dùng một chiếc xe tải để thu gom xác vào buổi sáng rồi sau đó lại dùng chính chiếc xe đó phân phát hàng cứu trợ trong buổi chiều”.
Trước những chỉ trích từ báo giới quốc tế, Bộ trưởng nội vụ Philippines Manuel “Mar” Roxas II ngày hôm nay đã trấn an dư luận rằng các hoạt động cứu hộ tại hiện trường đều có tổ chức. Vấn đề đó là do nhu cầu quá lớn nên chưa thể đáp ứng ngay tất cả.
“Hệ thống ở đây là rõ ràng. Chỉ có điều nhu cầu lớn hơn khả năng chúng tôi có thể giải quyết. Cho dù có hàng trăm lít nước, với sức tàn phá của cơn bão vừa qua, nhu cầu sẽ lớn như thể bạn phải đổ đầy một bể bơi khổng lồ”, ông Roxas trả lời đài phát thanh Radyo Inquirer của Philippines.
“Điều quan trọng là các nỗ lực cứu trợ đang được tổ chức và chúng tôi dần dần có thể cứu trợ cho người dân”, vị Bộ trưởng quả quyết.
Trong một phát biểu tương tự trong sáng nay trên kênh CNN, vị Bộ trưởng tuyên bố: “Không thể biết như thế nào là đủ nhanh trong một tình huống như thế này”. Và rằng chính quyền địa phương lẽ ra là những người ứng cứu đầu tiên khi có thảm họa.
“Chính quyền trung ương thường sẽ tới trong ngày thứ hai hoặc thứ ba sau thảm họa để có thể hỗ trợ cho việc đó”, ông Roxas nói. “Những gì đã xảy ra đó là các đơn vị chính quyền địa phương…đã thực sự bị quét sạch theo đúng nghĩa đen”.
Thanh Tùng
Tổng hợp