1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cựu Thủ tướng Thaksin lên tiếng về thỏa thuận tin đồn giúp ông về nước

Minh Phương

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khẳng định không có bất cứ thỏa thuận chính trị nào với các đối thủ chính trị để ông có thể trở về nước sau 15 năm sống lưu vong.

Cựu Thủ tướng Thaksin lên tiếng về thỏa thuận tin đồn giúp ông về nước - 1

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (Ảnh: Reuters).

"Không có thỏa thuận nào, không ai dám thỏa thuận với tôi", cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin trả lời phỏng vấn tại một diễn đàn ngày 23/8.

Ông Thaksin, 74 tuổi, bị lật đổ khỏi ghế thủ tướng trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Ông rời Thái Lan vào năm 2008 sau khi bị tòa án tối cao kết án 8 năm tù vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực.

Ông trở về nước vào tháng 8 năm ngoái cùng dịp Thái Lan thành lập chính phủ đảng Pheu Thai do ông Srettha Thavisin lãnh đạo. Sau khi về nước, ông Thaksin bị giam giữ và bị kết án 8 năm tù vì 3 tội danh liên quan đến tham nhũng.

Quốc vương Maha Vajiralongkorn sau đó đã giảm án cho ông xuống còn một năm. Tuy nhiên, ông Thaksin phải vào bệnh viện cấp cứu ngay trong đêm đầu tiên thụ án.

Vào tháng 12/2023, Cục Cải huấn Thái Lan công bố quy định mới, cho phép ân xá đối với tù nhân đã hoàn thành 1/3 bản án, đồng thời thuộc nhóm trên 70 tuổi hoặc gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Ông Thaksin nằm trong số 930 tù nhân được chấp thuận tạm tha sớm trong danh sách do Cục Cải huấn đề xuất. Ông được xếp vào diện tù nhân cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo.

Sau một thời gian thụ án ngoài nhà tù, ông Thaksin được trả tự do từ ngày 18/2.

Hôm 16/8, con gái út của ông, bà Paetongtarn được bầu làm thủ tướng thay ông Srettha.Ông Thaksin cho biết, ông sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho con gái nếu cần thiết.

Ủng hộ các chính sách thúc đẩy kinh tế

Trả lời phỏng vấn, ông Thaksin cho rằng tình trạng bất ổn kinh tế của Thái Lan sẽ không trầm trọng hơn và chính phủ do đảng Pheu Thai dẫn dắt có khả năng ngăn chặn nguy cơ suy thoái.

Ông cũng ủng hộ chương trình phát hơn 14 tỷ USD tiền kỹ thuật số cho người dân để thúc đẩy tiêu dùng, kích thích kinh tế. Chương trình này là trọng tâm trong nỗ lực của cựu thủ tướng Srettha nhằm giúp nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng hàng năm ở mức 5% giống nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác.

"Chúng ta cần kích thích nền kinh tế vì đất nước chúng ta đã tăng trưởng chậm trong thời gian dài. Chương trình này sẽ là động lực kinh tế ngay lập tức vào tháng 9", ông Thaksin nói.

Ông Thaksin cũng chia sẻ một số ý kiến liên quan đến nền kinh tế. Theo ông, Thái Lan cần làm nhiều hơn nữa để bảo vệ nền kinh tế nước nhà trước làn sóng của hàng Trung Quốc giá rẻ.

"Chúng ta không ghét sản phẩm của Trung Quốc nhưng chúng ta cần sự cạnh tranh bình đẳng", ông nhấn mạnh.

Về vấn đề lãi suất, ông cho rằng Ngân hàng trung ương Thái Lan cần có tiếng nói và giữ được sự độc lập.

Ông nói, trong mọi trường hợp, Thái Lan cần khẩn trương giải quyết vấn đề nợ công và nợ hộ gia đình cao, đồng thời tập trung vào các chính sách có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngang bằng với một số nước láng giềng Đông Nam Á.

Sáng kiến tái cơ cấu nợ nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nên được thực hiện khi "Thái Lan và người dân đang mắc kẹt trong nợ nần", ông chia sẻ. Theo ông, bộ trưởng tài chính và các bộ khác nên đóng vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết gánh nặng nợ nần này.

Mặc dù không nắm giữ chức vụ chính thức nào nhưng ông Thaksin được cho là sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với các chính sách của chính phủ Thủ tướng Paetongtarn.

Theo Bangkok Post