1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Con gái ông Thaksin làm thủ tướng: Gia tộc Shinawatra tìm lại hào quang

Minh Phương

(Dân trí) - Việc con gái út cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, Paetongtarn, đắc cử thủ tướng đánh dấu sự trở lại đỉnh cao chính trị của gia tộc Shinawatra.

Con gái ông Thaksin làm thủ tướng: Gia tộc Shinawatra tìm lại hào quang - 1

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra (Ảnh: AFP).

Quốc hội Thái Lan ngày 16/8 đã bầu bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin, làm thủ tướng.

Lựa chọn bà Paetongtarn cho chức vụ thủ tướng là kết quả của cuộc bỏ phiếu kéo dài hai ngày sau khi cựu Thủ tướng Srettha Thavisin bị Tòa án Hiến pháp phế truất vì cáo buộc vi phạm đạo đức. Bà đã nhận được 319 phiếu bầu tại Hạ viện, vượt quá số phiếu cần thiết là 247. 

Bà Paetongtarn, 37 tuổi, trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan và là thành viên thứ 4 trong gia tộc Shinawatra đảm nhận chức vụ này.

Gia tộc quyền lực trên chính trường Thái Lan

Với việc bà Paetongtarn được bầu vào văn phòng chính trị cao nhất của đất nước, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu gia tộc Shinawatra có thể lần nữa mở ra thời kỳ huy hoàng của mình trong nền chính trị Thái Lan.

Gia tộc Shinawatra vốn không phải một gia tộc chính trị mà sự lớn mạnh của họ tới từ doanh nghiệp tơ lụa được thành lập ở phía bắc của Thái Lan vào đầu thế kỷ 20. Tuy vậy, kể từ thời ông Thaksin cho tới nay, Shinawatra đã trở thành một trong những gia tộc chính trị nổi bật nhất của Thái Lan, với 4 thành viên được bầu làm thủ tướng trong hơn 20 năm qua. 

Ông Thaksin, 74 tuổi, là nhân vật gây phân cực trong nền chính trị Thái Lan kể từ khi ông trở thành thủ tướng lần đầu tiên vào năm 2001. Tới năm 2005, ông đã tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai trước khi chính quyền của ông sụp đổ bởi cuộc đảo chính quân sự vào năm 2006. Ông Thaksin rời Thái Lan vào năm 2008 để tránh các cáo buộc tham nhũng. 

Con gái ông Thaksin làm thủ tướng: Gia tộc Shinawatra tìm lại hào quang - 2

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra (Ảnh: Reuters).

Trong nhiệm kỳ của ông Thaksin từ năm 2001 đến năm 2006, chị gái ông là Yaowapha được bổ nhiệm làm thư ký cho bộ trưởng giáo dục và sau đó là cố vấn cho thủ tướng.

Chị gái khác của ông, Yaowares, trở thành người đứng đầu ban điều hành của Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat.

Anh em họ của ông Thaksin, Tướng Chaiyasit Shinawatra được bổ nhiệm làm cựu Tư lệnh Bộ binh và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Thái Lan.

Tướng Uthai Shinawatra, một người anh em họ khác của ông, được bổ nhiệm làm cố vấn cho phó thủ tướng và bộ trưởng nội vụ lúc bấy giờ là Wan Muhamad Noor Matha.

Sau khi người đại diện của ông Thaksin là Samak Sundaravej trở thành thủ tướng vào năm 2008, người họ hàng bên vợ của ông Thaksin là Sriyada Shinawatra cũng được bổ nhiệm làm thư ký cho bộ trưởng văn hóa.

Ông Thaksin đã đặt những viên gạch đầu tiên cho triều đại chính trị của nhà Shinawatra. Việc kinh doanh dịch vụ viễn thông và các mối quan hệ chính trị của ông cho phép ông nắm bắt các chính sách của chính phủ trong vận hành các dịch vụ điện thoại di động, thuê bao truyền hình cáp, mạng dữ liệu và vệ tinh.

Ngày nay, các thành viên gia đình Shinawatra bao gồm vợ cũ và ba người con của ông Thaksin là Panthongtae, Pinthongta và Paetongtarn đều nắm giữ phần lớn hoặc kiểm soát lợi ích trong các công ty bất động sản hoặc chăm sóc sức khỏe và khách sạn. 

Sức mạnh bầu cử và tài chính của nhà Shinawatra khiến họ trở thành đối thủ đáng gờm của giới tinh hoa chính trị truyền thống bao gồm các tướng lĩnh quân đội, thẩm phán và công chức cao cấp. Thành công trong kinh doanh và tham vọng của ông Thaksin đã gây được tiếng vang với nhiều người dân Thái Lan vốn bất mãn với sự bảo thủ của các nhà lãnh đạo chính trị trước đây. 

Trong khi một số người Thái Lan giàu có, học thức cao và sống ở thành phố cáo buộc ông Thaksin theo chủ nghĩa dân túy và có dấu hiệu tham nhũng, thì các cử tri nghèo và tầng lớp lao động ở phía bắc và đông bắc của đất nước lại dành phần lớn sự ủng hộ cho ông. Những người này chiếm đa số cử tri Thái Lan và được hưởng lợi từ các chương trình kinh tế lớn của ông được gọi là "Thaksinomics".

Sự ủng hộ dành cho ông Thaksin bị giới cầm quyền coi là mối đe dọa đối với hệ thống phân cấp xã hội của Thái Lan.

Vì lý do này, Thái Lan phải trải qua cuộc đảo chính quân sự năm 2006 khiến ông Thaksin phải chạy ra nước ngoài.

Sau cuộc đảo chính, ông Somchai Wongsawat, em rể của ông, đã có vài tháng ngắn ngủi ngồi vào ghế thủ tướng trước khi từ chức bởi phán quyết của Tòa Hiến pháp.

Em gái ông Thaksin, bà Yingluck, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011 cùng đảng Pheu Thai và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Nhưng cũng chịu số phận như anh mình, bà đã bị lật đổ sau cuộc đảo chính năm 2014.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông Thaksin cũng như gia tộc nhà Shinawatra vẫn còn đó. Sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài, ông Thaksin trở về Thái Lan vào năm ngoái và bắt đầu thụ án tù hơn 8 năm với các cáo buộc liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Sau đó, ông được ân xá và được trả tự do sớm hồi tháng 2 vừa qua.

Bà Tita Sanglee, một nhà phân tích độc lập về Thái Lan, nhận định ông Thaksin hiện đã trở nên khó đoán hơn.

"Ông Thaksin rõ ràng có nhiều nguồn lực hơn và đã thiết lập được mạng lưới mạnh mẽ hơn ở Thái Lan và nhiều nơi khác, điều này được thể hiện rõ qua mối quan hệ chặt chẽ của ông với cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen", nhà phân tích trên chỉ ra.

Bà Tita cũng lưu ý các mối quan hệ rộng rãi của ông Thaksin trải dài trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quân đội, cảnh sát và kinh doanh. Tuy nhiên, bản cáo trạng về tội khi quân của ông có thể được coi là lời cảnh cáo để ông kín tiếng hơn.

Ông Pravit Rojanaphruk, một nhà báo kỳ cựu và nhà phân tích chính trị tại Thái Lan, đồng tình với quan điểm của bà Tita, cho biết các cáo buộc về tội khi quân nhằm mục đích kiểm soát ông Thaksin và đảng Pheu Thai. Tuy nhiên, ông Pravit nói: "Chúng ta sẽ phải chờ xem ông ấy sẽ phản ứng như thế nào từ bây giờ".

Dấu hiệu rõ nhất cho thấy ảnh hưởng của ông Thaksin dần lớn mạnh trở lại là việc con gái út của ông, bà Paetongtarn, ra tranh cử thủ tướng vào năm 2023 và tới năm 2024, bà chính thức thắng cử, trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan khi chỉ mới 37 tuổi.

Hào quang và những thách thức

Con gái ông Thaksin làm thủ tướng: Gia tộc Shinawatra tìm lại hào quang - 3

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra ôm cha mình là cựu Thủ tướng Thaksin hôm 18/8 khi được Quốc vương phê chuẩn bổ nhiệm (Ảnh: Bangkok Post).

Bà Paetongtarn có một vị trí quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông Thaksin. Khi 8 tuổi, bà đã theo chân cha mình khi ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ ngoại giao. Ở tuổi 22 tuổi, bà phải chứng kiến cha mình rời khỏi Thái Lan sau cuộc đảo chính của quân đội.

Là con út trong gia đình, bà Paetongtarn cũng là một người mới tham gia chính trị Thái Lan và chưa có kinh nghiệm trong chính phủ. Bà Paetongtarn theo học khoa học chính trị tại trường Đại học Chulalongkorn danh tiếng của Thái Lan và sau đó nhận bằng thạc sĩ quản lý khách sạn quốc tế từ Đại học Surrey ở Anh.

Hầu hết kinh nghiệm chuyên môn của bà từ năm 2011 cho đến khi tham gia chính trường đều liên quan đến đế chế kinh doanh của gia đình Shinawatra, bao gồm sân golf và các công ty trong lĩnh vực bất động sản, khách sạn và dịch vụ viễn thông.

Bà chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình khi gia nhập đảng Pheu Thai vào năm 2021 với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Cam kết và Đổi mới của đảng. Đây là khởi đầu cho vị trí ứng cử viên thủ tướng. 

Hai năm sau, bà dẫn đầu chiến dịch tranh cử của đảng Pheu Thai. Việc bà Paetongtarn chấp nhận đề cử đã khiến một số nhà quan sát ngạc nhiên bởi những người thân cận với bà trước đây nói rằng bà không muốn tham gia vào cuộc bầu cử. Giờ đây, bà trực tiếp tham gia chính trường với vai trò thủ tướng. 

Trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách thủ tướng, bà Paetongtarn khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm Srettha Thavisin, bao gồm các biện pháp kích thích kinh tế và cải cách, giải quyết vấn nạn ma túy, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân và thúc đẩy sự đa dạng về giới.

Tuy vậy, cũng sẽ có những khác biệt khi chính phủ của bà có thể tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chính sách tài khóa nới lỏng hơn cũng như giải quyết chi phí sinh hoạt cao và mức nợ hộ gia đình đang đạt gần kỷ lục. Bà ủng hộ đưa ra lãi suất thấp hơn và chỉ trích ngân hàng trung ương, nói rằng quyền tự chủ của ngân hàng này gây ra rào cản cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, còn vấn đề khác là liệu bà có từ bỏ chương trình phát tiền mặt qua ví điện tử trị giá 14 tỷ USD hay không. Chương trình này là trọng tâm trong nỗ lực của cựu thủ tướng Srettha nhằm giúp nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng hàng năm ở mức 5% giống nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác.

Khi được các phóng viên hỏi về vấn đề này vào đêm trước khi được đề cử, Paetongtarn chỉ nói rằng bà sẽ xem xét lại chương trình sau khi lên nắm quyền.

Bà cho biết chính phủ sẽ không từ bỏ chính sách ví điện tử chủ lực của mình nhưng sẽ tìm cách nghiên cứu và lắng nghe các lựa chọn khác" để đảm bảo chương trình này có trách nhiệm về mặt tài chính. "Mục tiêu là kích thích nền kinh tế nên ý định này vẫn được duy trì", bà Paetongtarn nhấn mạnh.

Mặc dù thừa nhận bà chưa bao giờ có kế hoạch trở thành thủ tướng, bà vẫn đảm bảo với toàn thể người dân Thái Lan rằng bà đã sẵn sàng và mong muốn phục vụ họ hết mình. Bà cho biết, với tư cách là thủ tướng, bà hiện có trách nhiệm lớn lao trong việc lãnh đạo đất nước trước nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là tình hình kinh tế.

Bà hứa sẽ làm tròn bổn phận của mình một cách tốt nhất có thể, thể hiện lòng trung thành với chế độ hoàng gia và hành động trung thực vì lợi ích cao nhất của công chúng và quốc gia. Bà Paetongtarn cam kết sẽ hợp tác với cơ quan lập pháp với tinh thần cởi mở để phát triển đất nước.

Bà Paetongtarn chưa từng phục vụ trong chính phủ trước đó, và quyết định đưa bà vào cuộc có thể là một "canh bạc" đối với đảng Pheu Thai. 

Sự sụp đổ của chính quyền cựu Thủ tướng Srettha, đồng minh của nhà Shinawatra, cũng đã cho thấy "thỏa thuận đình chiến" giữa ông Thaksin và các đối thủ của ông trong giới cầm quyền và quân đội có thể đang trên bờ vực đổ vỡ. Điều này càng thể hiện rõ mối rủi ro đối với chính quyền tân Thủ tướng Paetongtarn.

Ngoài những rủi ro về mặt chính trị, bà Paetongtarn cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khi nền kinh tế đang sa sút, sự ủng hộ dành cho đảng Pheu Thai đang giảm sút khi vẫn chưa thực hiện được chương trình hỗ trợ tiền mặt trị giá 500 tỷ baht (14,25 tỷ USD).

Nếu lợi thế chính của bà là xuất thân từ nhà Shinawatra, thì đó cũng là một trong những rắc rối lớn nhất của bà. Nền chính trị của Thái Lan khá phức tạp và ít ai hiểu điều đó một cách sâu sắc như gia đình bà. Giờ đây đến lượt bà Paetongtarn trở thành tâm điểm chú ý, và bà sẽ bị các đối thủ của ông Thaksin và giới chức giám sát chặt chẽ.

Nhiệm kỳ thủ tướng của bà có thể báo trước một làn sóng biến động mới trên chính trường Thái Lan. Gia tộc Shinawatra đã nhiều lần "va chạm" với quân đội hoàng gia, dẫn đến các cuộc đảo chính và loại bỏ các nhà lãnh đạo ủng hộ ông Thaksin. 

Việc bà Paetongtarn đắc cử có nghĩa là ông Thaksin một lần nữa lại ở vị trí hàng đầu trong nền chính trị Thái Lan, một viễn cảnh mà không ai có thể nghĩ tới trong vài năm qua. Tuy vậy, tân Thủ tướng Thái Lan cho biết, bà không có kế hoạch bổ nhiệm cha mình vào bất kỳ vị trí nào trong chính phủ, và sẽ xin lời khuyên của ông khi cần thiết. Bà cho biết cha của bà cũng không muốn giữ chức vụ chính thức trong chính phủ mới.

Trước đó, khi vận động tranh cử cho đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn từng khẳng định: "Tôi không phải là cái bóng của cha tôi. Tôi là con gái của ông và mãi mãi là như vậy nhưng tôi chắc chắn có quyết định riêng của mình".

Mặc dù vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy bà Paetongtarn sẽ đưa ra những chính sách khác biệt so với chính sách mà ông Thaksin ủng hộ, trong đó bao gồm một loạt các biện pháp bao gồm nới lỏng quy định nhập cảnh cho khách du lịch để giúp thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái.

Vai trò của gia tộc Shinawatra sẽ ảnh hưởng đến chính trị Thái Lan theo hướng nào kể từ bây giờ? Liệu ông Thaksin có đảm nhận một vai trò đặc biệt hay không và tương lai của bà Yingluck sẽ ra sao? Đây vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ, song có thể khẳng định, Shinawatra vẫn là một gia tộc quyền lực trong nền chính trị Thái Lan.

Hải Đăng - Anh Ngọc 

Theo Bloomberg, Reuters, The Standard