1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Cựu Thủ tướng Johnson: Anh có thể đưa quân đến Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Anh có thể triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine nếu Mỹ cắt viện trợ cho Kiev, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.

Cựu Thủ tướng Johnson: Anh có thể đưa quân đến Ukraine - 1

Cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (Ảnh: AFP).

Trả lời phỏng vấn GB News ngày 12/11, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo, thành công của Nga ở Ukraine sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh cho Mỹ và các đồng minh trên nhiều mặt trận.

"Đó sẽ là các nước vùng Baltic. Bạn cũng sẽ thấy tác động ở khu vực Thái Bình Dương nếu Ukraine thất bại", ông Johnson nói, nhưng không nêu chính xác những tác động có thể xảy ra ở các khu vực đó.

Ông cũng mô tả hỗ trợ quân sự và tài chính cho Kiev là một "khoản đầu tư hợp lý" và một cách "tốt" để chi tiêu công. Ông lập luận, Vương quốc Anh sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì "an ninh tập thể" khi an ninh khu vực bị đe dọa trong trường hợp Ukraine thất bại.

Cựu Thủ tướng Anh chỉ ra nguy cơ Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine. Ông cho biết, trong đội ngũ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có những người ủng hộ quan điểm cắt viện trợ cho Kiev.

Ông nhấn mạnh, nếu Mỹ cắt giảm viện trợ và Ukraine bắt đầu thua cuộc, Anh có thể buộc phải triển khai quân đến khu vực. "Sau đó chúng ta sẽ phải trả tiền để điều quân đội Anh đến giúp bảo vệ Ukraine", ông nói.

Một số lãnh đạo phương Tây cũng từng cảnh báo các nước thành viên NATO có thể là mục tiêu tiếp theo nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine. Một quan chức của Đức dự đoán, xung đột giữa Nga và NATO có thể nổ ra sau 5-7 năm nữa.

Tuy nhiên, Moscow đã bác bỏ điều này. Nga nhiều lần tuyên bố không có kế hoạch tấn công NATO hoặc bất kỳ thành viên nào của liên minh này.

Đồng thời, Moscow cảnh báo, bằng cách cung cấp viện trợ quân sự cho Kiev, NATO sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp. Moscow coi việc phương Tây cung cấp tên lửa tầm xa cho các cuộc tấn công của Ukraine vào sâu trong lãnh thổ Nga đồng nghĩa phương Tây tấn công trực tiếp Nga.

Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thay đổi học thuyết hạt nhân quốc gia, trong đó liệt kê các cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân là lý do dẫn đến phản ứng hạt nhân từ phía Nga.

Báo Telegraph tuần trước đưa tin, Anh và Pháp có thể thúc đẩy xung đột Ukraine leo thang hơn nữa bằng cách cố gắng thuyết phục Washington cho phép Kiev tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây, bao gồm cả tên lửa hành trình Storm Shadow/Scalp.

Ông Johnson là một trong những lãnh đạo châu Âu ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Khi còn là ngoại trưởng Anh, ông đã một số lần đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ.

Ông bị cáo buộc làm gián đoạn các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev vào mùa xuân năm 2022 ở Istanbul. Khi đó, hai bên đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận hòa bình, nhưng Kiev đã rút khỏi đàm phán vào phút chót. Trưởng phái đoàn Ukraine tại Istanbul, nghị sĩ David Arakhamia, sau đó thừa nhận Kiev rút khỏi thỏa thuận sau khi ông Johnson thúc giục nước này "tiếp tục chiến đấu" với Nga. Tuy nhiên, ông Johnson đã bác bỏ.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm