1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Thủ tướng Australia: Trung Quốc nên từ bỏ ngoại giao cứng rắn

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Australia cho rằng Trung Quốc nên từ bỏ giọng điệu hung hăng và chính sách ngoại giao cứng rắn để có thêm bạn bè và mở rộng ảnh hưởng.

Cựu Thủ tướng Australia: Trung Quốc nên từ bỏ ngoại giao cứng rắn - 1

Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn với This Week In Asia tuần này, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull, người lãnh đạo Australia từ năm 2015 đến năm 2018, cho biết chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc đã phản tác dụng. Ông Turnbull cho rằng “ngôn từ ôn hòa” và sự kiên định sẽ phát huy hiệu quả hơn trong bối cảnh thế giới chứng kiến sự bất ổn và những lo ngại do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra.

“Nếu mục tiêu của bạn là có thêm bạn bè, xây dựng ảnh hưởng toàn cầu và thực hiện điều đó trên toàn thế giới, bạn càng bớt cứng rắn, bớt đe dọa và bớt phô diễn sức mạnh càng tốt”, ông Turnbull nói.

Phát biểu của cựu Thủ tướng Turnbull được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia đang leo thang sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập nhằm vào nguồn gốc của virus corona cũng như sự lây nhiễm của dịch bệnh.

Đại sứ Trung Quốc tại Australia cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc có thể tẩy chay các sản phẩm của Australia nếu nước này tiếp tục kêu gọi điều tra Covid-19. Trong khi đó, Australia khẳng định việc kêu gọi điều tra không nhắm mục tiêu cụ thể tới bất kỳ nước nào.

“Liệu tôi có cho rằng việc Đại sứ Trung Quốc tại Australia đăng đàn trên truyền thông và hăm dọa những hệ quả thương mại bất lợi cho Australia là điều nên làm không? Tất nhiên là không, việc này sẽ càng kích động sự giận dữ. Nó hoàn toàn phản tác dụng”, ông Turnbull nhận định.

Trung Quốc hồi tháng trước đã dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất thịt bò lớn nhất của Australia, đồng thời áp thuế mạnh tay với lúa mạch từ Australia. Ngày 5/6, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cảnh báo công dân nước này không tới Australia vì “sự gia tăng mạnh mẽ” các vụ tấn công kỳ thị nhằm vào “người Trung Quốc và châu Á” trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Hai bên cùng có lợi

Dưới thời cựu Thủ tướng Turnbull, Australia đã đưa ra đạo luật minh bạch và chống sự can thiệp từ nước ngoài bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Theo ông Turnbull, điều quan trọng là Australia không nên phản ứng thái quá trước các động thái thương mại hung hăng của Trung Quốc và tránh đối đầu trực diện trong mối quan hệ với Bắc Kinh - đối tác thương mại lớn nhất của Canberra.

“Sự thật là cả Trung Quốc và Australia đều được hưởng lợi từ mối quan hệ thương mại này. Đây không phải là Trung Quốc đang tặng những món quà tốt đẹp cho Australia. Mối quan hệ thương mại của chúng ta là cả hai cùng có lợi”, cựu Thủ tướng Australia nói thêm.

Theo ông Turnbull, Australia không nên lún sâu vào tâm lý Chiến tranh Lạnh khi chỉ nhìn nhận thế giới dưới lăng kính của một cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ, trong đó thắng lợi của bên này sẽ là thiệt hại của bên còn lại, nhất là khi Australia có quan hệ đồng minh quốc phòng lâu dài với Mỹ.

“Đúng là có đối đầu, tất nhiên luôn luôn có đối đầu. Nhưng sự đối đầu đó có thể kiểm soát được và không có gì mâu thuẫn nếu Australia có mối quan hệ tốt đẹp với cả Bắc Kinh và Washington. Đó là một mối quan hệ khác biệt. Mỹ là đồng minh của chúng ta. Chúng ta có một hiệp ước cho phép mỗi bên bảo vệ bên còn lại trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tại Thái Bình Dương. Chúng ta có những người bạn tốt tại Bắc Kinh và chúng ta lấy làm tiếc nếu xảy ra căng thẳng, nhưng chúng ta vẫn có một người bạn và một đồng minh tại Washington”, cựu Thủ tướng Australia cho biết.

Ông Turnbull cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng các mối quan hệ với các nước khác trong khu vực như Ấn Độ và Indonesia. Australia và Ấn Độ, hai nước đều có chung lo ngại về tham vọng biển của Trung Quốc, tuần trước đã ký hai thỏa thuận quốc phòng mới cho phép các cuộc tập trận quân sự chung phức tạp hơn cũng như sự hỗ trợ chung về hậu cần.

“Chúng ta hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc, chúng ta hoan nghênh sự phát triển kinh tế của họ, chúng ta cũng đóng góp vào điều đó, nhưng Trung Quốc không phải nước duy nhất trong bán cầu và trong khu vực của chúng ta”, ông Turnbull nhận định.

Thành Đạt

Theo SCMP