1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ - Australia ký thỏa thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau

(Dân trí) - Ấn Độ và Australia đã ký thỏa thuận cho phép các bên tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, động thái được xem là một phần trong hợp tác đối phó Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng quân sự, kinh tế ở khu vực.

Ấn Độ - Australia ký thỏa thuận cho phép sử dụng căn cứ quân sự của nhau - 1

Hai nhà lãnh đạo Ấn Độ và Australia đã họp trực tuyến ngày 4/6 (Ảnh: EPA)

Aljazeera đưa tin, Ấn Độ và Australia ngày 4/6 đã thông qua một thỏa thuận cho phép 2 bên tiếp cận căn cứ của nhau - động thái nhằm “mở đường” cho các hoạt động trao đổi quân sự và tập trận tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Thỏa thuận được ký kết trong một hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Australia Scott Morrison.

Thỏa thuận cho phép tàu chiến và máy bay của Ấn Độ và Australia có thể nạp nhiên liệu và tiếp cận các cơ sở bảo trì ở căn cứ của cả 2 bên.

Ấn Độ cũng đang có một thỏa thuận tương tự với Mỹ. Việc ký kết thỏa thuận với Australia được xem là động thái mở rộng hợp tác an ninh để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong khu vực, theo Aljazeera.

Quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ thường xuyên căng thẳng liên quan tới vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biên giới 2 nước. Trong thời gian qua, quân đội 2 bên đã xảy ra các vụ xô xát lẫn nhau. Ngoài ra, việc cán cân thương mại Ấn - Trung đang bị lệch hẳn về phía có lợi cho Bắc Kinh cũng là vấn đề chính quyền Modi đang quan tâm.

Trong khi đó, Australia và Trung Quốc cũng đang xảy ra căng thẳng thương mại và ngoại giao sau việc Canberra thúc đẩy mở cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19, động thái khiến Bắc Kinh từng cảnh báo Australia có thể lĩnh hậu quả.

Ấn Độ cũng đang cân nhắc việc để Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên tổ chức với Mỹ và Nhật Bản ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây sẽ là động thái khiến quan hệ an ninh giữa 4 quốc gia thêm vững chắc. Một cuộc tập trận tương tự năm 2007 đã từng khiến Bắc Kinh giận dữ, theo Aljazeera.

Đức Hoàng

Theo Aljazeera

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm