1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cựu Thủ tướng Australia: Các nước không nên đối đầu với Trung Quốc một mình

Thanh Thành

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng các quốc gia nên cùng nhau chống lại sức ép kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, nếu không muốn có thể bị Bắc Kinh cô lập và trừng phạt.

Cựu Thủ tướng Australia: Các nước không nên đối đầu với Trung Quốc một mình - 1

Cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd (Ảnh: Reuters).

Theo vị chính trị gia Australia, các nước phương Tây không nên ngại thách thức Trung Quốc, trong bối cảnh trên khắp thế giới các quốc gia đang tạo thành một trật tự địa chính trị mới được đóng khung bởi sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Nếu xảy ra bất đồng với Bắc Kinh tốt hơn hết là nên tìm kiếm một mặt trận đoàn kết, đồng bộ với các quốc gia khác thay vì hoạt động đơn phương. Nếu chỉ đứng một mình, Trung Quốc có thể sử dụng đòn bẩy song phương chống lại bạn", ông Rudd cảnh báo.

Những tuyên bố trên của cựu Thủ tướng Australia được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua, nhất là sau hàng loạt đòn trừng phạt kinh tế và ngoại giao qua lại giữa hai nước gần đây.

Australia đã hủy bỏ quyết định tham gia các thỏa thuận liên quan sáng kiến Vành đai, con đường với Trung Quốc. Canberra cũng cấm gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei xây dựng mạng 5G tại nước này. Đỉnh điểm căng thẳng là khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, trong bối cảnh mọi đồn đoán đổ dồn về giả thuyết rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Trung Quốc trả đũa Canberra bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa nhập khẩu của Australia - bao gồm rượu vang, thịt bò, tôm hùm và lúa mạch. Bắc Kinh còn cảnh báo sẽ còn "nhiều điều có thể xảy ra" hơn nữa. Bắc Kinh cũng đã đình chỉ các cuộc đối thoại kinh tế quan trọng với Canberra, khiến mối quan hệ kinh tế giữa hai bên rơi vào ngõ cụt.

"Chiến trường" mới

Cựu Thủ tướng Rudd, người nắm quyền từ năm 2007 đến 2013, đã chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền đương nhiệm đối với Trung Quốc. Theo ông, chính sách của chính phủ Thủ tướng Scott Morrison đôi khi phản tác dụng.

"Phản ứng của chính phủ hiện nay đối với Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán nhưng nói thẳng ra là, nó quá khoa trương", ông Rudd, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận định.

Cựu Thủ tướng của Công đảng ở Australia tin rằng, chính điều đó đã đặt mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Australia sang Trung Quốc là quặng sắt vào thế may rủi.

"Họ (giới quan chức Trung Quốc) coi Australia là nhà cung cấp quặng sắt không đáng tin cậy trong dài hạn chỉ vì các xung đột chính trị giữa hai nước. Nguồn cung dài hạn đó có thể gặp rủi ro vì các yếu tố địa chính trị", ông cho biết.

Ngày càng có nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đồng minh với Mỹ, đang lên tiếng phản ứng đối với Trung Quốc. Theo nhiều cách, họ đi theo con đường do Washington dẫn dắt.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã phát động cuộc chiến thương mại gay gắt với Trung Quốc, áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Bắc Kinh. Chính sách này đã châm ngòi cho một cuộc chiến "ăn miếng trả miếng" của Bắc Kinh, đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng dưới thời Tổng thống Joe Biden mọi thứ có thể khác đi. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới lại leo thang xung quanh tranh cãi về Tân Cương hay Hong Kong. Mới nhất là những cáo buộc qua lại về nguồn gốc virus gây đại dịch Covid-19.