1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ hứa không để Australia một mình đối phó hành vi "bắt nạt" của Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Washington sẽ không để Australia "một mình" khi đối mặt với sự cưỡng ép về kinh tế từ Trung Quốc.

Mỹ hứa không để Australia một mình đối phó hành vi bắt nạt của Trung Quốc - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo chung với người đồng cấp Australia Marise Payne tại Washington ngày 13/5 (Ảnh: Reuters).

"Tôi nhắc lại rằng Mỹ sẽ không để Australia một mình khi phải đối mặt với sự cưỡng ép về kinh tế của Trung Quốc", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Australia Marise Payne hôm 13/5.

Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ đã "tuyên bố rõ" với Trung Quốc rằng "những hành động như vậy nhắm vào các đối tác và đồng minh thân cận nhất của Mỹ sẽ cản trở việc cải thiện quan hệ Mỹ - Trung".

Ngoại trưởng Payne khẳng định Australia mong muốn có quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc, nhưng sẽ không đánh đổi chủ quyền vì điều đó.

"Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về an ninh quốc gia hoặc chủ quyền của chúng tôi và chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ điều đó", bà Payne nhấn mạnh.

Theo Reuters, Washington đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh vì hành vi "bắt nạt" các nước láng giềng. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Australia, từ rượu vang đến than đá, khi căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Bộ trưởng Thương mại của Australia không thể thực hiện các cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc kể từ khi căng thẳng ngoại giao giữa hai nước trở nên tồi tệ vào năm 2020. Tuần trước, Bắc Kinh đã đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ đối thoại kinh tế song phương với Australia.

Australia là một trong những quốc gia đầu tiên công khai cấm Huawei, "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc, khỏi mạng 5G của nước này vì lo ngại vấn đề an ninh. Năm ngoái, Australia cũng khiến Bắc Kinh nổi giận khi kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

Mỹ cần công cụ pháp lý mới để đối phó Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng Washington cần các công cụ luật thương mại mới để đối phó với các mối đe dọa phi cạnh tranh từ Trung Quốc nhằm vào các ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ.

Phát biểu tại phiên điều trần trước ủy ban của Thượng viện ngày 13/5, bà Tai cho rằng các công cụ luật thương mại hiện tại của Mỹ chỉ nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp và công ty Mỹ nhiều hơn sau khi họ đã bị tổn thương bởi các hành vi bán phá giá bất hợp pháp, trợ cấp hoặc cạnh tranh không lành mạnh.

"Tôi thực sự muốn tăng cường các công cụ thương mại mà chúng ta có để giải quyết các vấn đề mà chúng ta gặp phải hiện nay", bà Tai nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhiều luật thương mại của Mỹ đã có tuổi đời gần 50 hoặc 60 năm.

Theo bà Tai, Luật thương mại của Mỹ đã phải vật lộn để ngăn chặn thiệt hại gây ra với ngành thép của Mỹ khi Trung Quốc tích lũy năng lực sản xuất khổng lồ trong 20 năm qua. Đại diện Thương mại Mỹ nhận định các kế hoạch của Trung Quốc cho thấy nước này đã sẵn sàng hành động tương tự trong các ngành khác.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần những công cụ không chỉ để ứng phó với những thiệt hại mà chúng ta đã trải qua trong quá khứ, mà còn là những công cụ để dự đoán nguy cơ xảy ra những thiệt hại tương tự nhằm cho phép chúng ta đón đầu những thiệt hại và ứng phó nhanh nhất có thể", bà Tai cho biết thêm.