1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu quan chức Điện Kremlin cảnh báo đối thủ của Nga về vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Cựu cố vấn Điện Kremlin cho rằng học thuyết hạt nhân của Nga cần được sửa đổi khẩn cấp để cho phép đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ hành động xâm nhập quân sự nào.

Cựu quan chức Điện Kremlin cảnh báo đối thủ của Nga về vũ khí hạt nhân - 1

Tổ hợp tên lửa RS-24 của Nga trong một lễ duyệt binh (Ảnh: Getty).

"Đã đến lúc chúng ta tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công quy mô lớn nào vào lãnh thổ của chúng ta đều cho chúng ta quyền đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân", Sergey Karaganov, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho phó chánh văn phòng tổng thống Nga, nói với Kommersant hôm 11/9.

Ông cũng kêu gọi Moscow xác định rõ ràng các bước "leo thang hạt nhân" trong học thuyết hạt nhân để không đối thủ nào của Nga có thể nghi ngờ về việc liệu Nga có sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân hay chưa và sử dụng vào thời điểm nào.

Bình luận của cựu quan chức Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh Ukraine tiếp tục tiến hành cuộc xâm nhập vào tỉnh Kursk của Nga, đồng thời Kiev đang nỗ lực thuyết phục phương Tây cho phép sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Ukraine tuyên bố đã kiểm soát 100 khu định cư tại tỉnh Kursk với diện tích gần 1.300km2 và bắt gần 600 quân nhân Nga. Quân đội Nga đang dồn lực đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi Kursk, nơi Kiev phát động cuộc xâm nhập lớn nhất của lực lượng nước ngoài vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến hai.

Ông Karaganov cho rằng học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga "đã lỗi thời một cách đáng tiếc" và không còn có tác dụng răn đe hiệu quả nữa.

Được thông qua vào năm 2020, học thuyết hạt nhân của Nga không quy định về các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, mà quy định việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong "những trường hợp ngoại lệ" khi Nga phải đối mặt với "mối đe dọa nhằm vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" của đất nước.

Theo ông Karaganov, cách tiếp cận này đã khiến học thuyết hạt nhân gần như vô dụng và thực sự "loại trừ" yếu tố răn đe hạt nhân khỏi kho vũ khí quân sự và chính sách đối ngoại của Nga.

"Chúng ta đã để tình hình xấu đi đến mức đối thủ của chúng ta tin rằng chúng ta sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Sở hữu vũ khí hạt nhân mà không thể thuyết phục đối thủ rằng bạn sẵn sàng sử dụng chúng là tự sát", nhà khoa học chính trị cho biết.

Ông Karaganov tin rằng việc không có chính sách răn đe hạt nhân hiệu quả "sẽ đẩy thế giới vào một loạt các cuộc chiến, chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc trở thành chiến tranh hạt nhân và kết thúc bằng Thế chiến 3", đồng thời cho biết điều này có thể xảy ra "trong vòng vài năm tới".

"Mục tiêu chính của một học thuyết là thuyết phục tất cả đối thủ hiện tại và tương lai rằng Nga đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Karaganov tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần thể hiện lập trường thận trọng hơn về vấn đề học thuyết hạt nhân. Thảo luận với ông Karaganov tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg vào tháng 6, Tổng thống Putin cho biết Nga "không đe dọa" sử dụng vũ khí hạt nhân và bày tỏ hy vọng rằng "sẽ không bao giờ" xảy ra cuộc đối đầu hạt nhân giữa Moscow và phương Tây.

Vào thời điểm đó, ông Putin tuyên bố Moscow "không có lý do gì để nghĩ đến" việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi các quan chức Nga thậm chí không "đề cập đến" vấn đề vũ khí hạt nhân trừ khi thực sự cần thiết.

Sau đó, ông Putin cũng cho biết Nga "chưa cần một cuộc tấn công phòng ngừa, vì đối thủ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công trả đũa". Tuy nhiên, ông không loại trừ khả năng thay đổi học thuyết hạt nhân.

Theo RT