1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu cố vấn nêu lý do Ukraine nên nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn với Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Trước viễn cảnh dòng viện trợ tài chính và quân sự từ Mỹ dần cạn kiệt, cựu cố vấn 2 đời tổng thống Ukraine khuyến nghị Kiev nên tìm cách chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Cựu cố vấn nêu lý do Ukraine nên nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn với Nga - 1

Một tòa nhà ở Ukraine bị phá hủy do chiến sự (Ảnh: Reuters).

Trên tài khoản mạng xã hội cá nhân ngày 22/8, Oleg Soskin, cựu cố vấn kinh tế cho tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk và Leonid Kuchma vào những năm 1990, cho rằng Mỹ đóng vai trò chủ chốt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Ông lập luận rằng nếu Mỹ cắt viện trợ quân sự cho Kiev, "chỉ trong vòng vài ngày", Ukraine sẽ phải đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Ông cho rằng, quốc hội Mỹ có thể từ chối thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá 24 tỷ USD theo đề nghị của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh đảng Cộng hòa ngày càng miễn cưỡng viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

"Điều này có nghĩa là Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) sẽ không thông qua gói viện trợ 24 tỷ USD này. Họ cho rằng cục diện chiến sự hoàn toàn bế tắc. Đó là lý do Ukraine sẽ không nhận được thêm viện trợ", cựu quan chức Ukraine nói.

Ông nhấn mạnh, đáng quan ngại hơn, các đồng minh Mỹ trong NATO như Đức, Anh và tất cả các nước châu Âu cũng có thể ngừng viện trợ, khiến hệ thống quân sự của Ukraine tê liệt.

"Tôi nghĩ (Ukraine) nên dừng cuộc chiến lại trước khi Mỹ thực sự làm vậy", ông Soskin nói.

Cựu cố vấn nêu rõ vấn đề quân đội Ukraine hiện nay: mất phần lớn lực lượng dày dặn kinh nghiệm sau hơn một năm xung đột, đặc biệt sau 2 tháng phản công.

Bình luận của cựu quan chức này được đưa ra giữa lúc báo Politico dẫn nguồn thạo tin nói rằng "ngay cả những đảng viên Cộng hòa thân Ukraine cũng đang phản đối gói viện trợ bổ sung".

Nghị sĩ bang Maryland Andy Harris nhận định Ukraine khó có thể giành chiến thắng bằng biện pháp quân sự trong cuộc xung đột hiện nay với Nga. Ông kêu gọi người Mỹ nên cẩn trọng đánh giá lại tính hợp lý của các gói viện trợ bổ sung.

Về phần mình, Tổng thống Joe Biden nhiều lần tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine "đến khi cần". Các quan chức trong chính quyền của ông cũng khẳng định, Washington sẽ giúp Ukraine thắng lợi trên chiến trường, từ đó giành ưu thế trên bàn đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những biến động trên chính trường Mỹ, đặc biệt tác động từ cuộc bầu cử tổng thống 2024, có thể kéo theo những thay đổi trong chính sách viện trợ của Washington dành cho Kiev.

Dù tin tưởng Mỹ và các đồng minh sẽ duy trì viện trợ, nhưng Ukraine dường như cũng chuẩn bị sẵn cho kịch bản này bằng việc thúc đẩy ngành sản xuất quân sự trong nước.

Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi nước này giành lại toàn bộ lãnh thổ, Nga rút hết quân. Kiev nhấn mạnh không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ.

Theo ước tính của Nga, kể từ đầu xung đột đến nay, Mỹ và các đồng minh đã viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine hơn 160 tỷ USD. Moscow cho rằng viện trợ quân sự của phương Tây sẽ không thể thay đổi cục diện mà chỉ khiến xung đột leo thang và kéo dài.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine