1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga lên tiếng về vũ khí hạt nhân, bác cơ hội đàm phán chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết sở hữu vũ khí hạt nhân trong bối cảnh răn đe hiện nay là phản ứng khả thi duy nhất đối với một số mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài nhằm vào an ninh của Nga.

Nga lên tiếng về vũ khí hạt nhân, bác cơ hội đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Tass).

"Gần đây có nhiều người nói về vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính sách đối ngoại của Nga. Tôi muốn nhắc lại rằng, các điều kiện để chúng tôi có thể sử dụng vũ khí hạt nhân đã được nêu trong các tài liệu học thuyết. Điều quan trọng là phải hiểu rằng: chính sách của nhà nước (Nga) trong lĩnh vực răn đe hạt nhân là hoàn toàn mang tính phòng vệ. Điều đó nhằm duy trì tiềm năng của lực lượng hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn hành động xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của Nga", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí International Affairs hôm 18/8.

"Trong bối cảnh răn đe, việc sở hữu vũ khí hạt nhân ngày nay là phản ứng khả thi duy nhất đối với một số mối đe dọa nghiêm trọng từ bên ngoài đối với an ninh của đất nước chúng tôi", nhà ngoại giao Nga nêu rõ.

Ông Lavrov cho biết, những diễn biến của tình hình Ukraine đã xác nhận tính chính đáng của những lo ngại mà Nga đang phải đối mặt.

Theo Ngoại trưởng Nga, mối nguy hiểm lớn liên quan đến cuộc xung đột Ukraine là bằng cách leo thang tình hình, Mỹ và các nước NATO có nguy cơ rơi vào tình huống xung đột vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân.

Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai ở Ukraine hồi năm ngoái. Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.

Triển vọng đàm phán giữa Nga và phương Tây về Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố, hiện tại không có triển vọng nào cho các cuộc đàm phán giữa Moscow và phương Tây về vấn đề Ukraine khi các phương Tây tiếp tục thúc ép Kiev gia tăng rủi ro.

Ông Lavrov chỉ ra rằng Nga coi "những lời kêu gọi đàm phán đạo đức giả của phương Tây" là "ý đồ chiến thuật" nhằm một lần nữa "câu giờ, tạo cơ hội cho các lực lượng Ukraine vốn đang kiệt quệ có thêm thời gian nghỉ ngơi và tập hợp lại lực lượng, đồng thời cung cấp thêm vũ khí và đạn dược cho họ".

Ngoại trưởng Nga cho rằng Mỹ không sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đó là lý do Washington tiếp tục nói về việc giải quyết cuộc xung đột dựa trên "công thức" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Những điểm chính trong công thức hòa bình của ông Zelensky là khôi phục toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, Nga phải rút hết quân, đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực và an toàn hạt nhân.

"Chúng tôi không thể đồng ý rằng các lợi ích an ninh cốt lõi của chúng tôi sẽ bị xâm phạm và người dân Nga cũng như những người nói tiếng Nga ở các vùng lãnh thổ mới của chúng tôi và các khu vực do lực lượng vũ trang Ukraine kiểm soát sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự kiểm soát", ông Lavrov nói.

"Một điều khác mà phương Tây cần nhận ra là Nga sẽ bảo vệ người dân và lợi ích sống còn của mình bằng mọi cách. Tốt nhất là đối thủ của chúng tôi nên nhận ra càng sớm càng tốt rằng, một cuộc đối đầu với Nga sẽ không dẫn đến kết quả gì và họ cần chuyển sang cách tiếp cận mang tính văn minh, chính trị và ngoại giao hơn để đảm bảo cân bằng lợi ích", Ngoại trưởng Nga nói thêm.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết, vào tháng 12/2021, Nga từng "nỗ lực nghiêm túc" để bày tỏ quan ngại của Moscow với các nước phương Tây, khi gửi cho họ hai dự thảo thỏa thuận liên quan đến việc đảm bảo an ninh với Mỹ và các biện pháp đảm bảo an ninh với các nước thành viên NATO.

"Tuy nhiên, sáng kiến của chúng tôi đã bị từ chối ngay lập tức. Thay vì tham gia đàm phán, họ lại tập trung nỗ lực vào việc tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược để cung cấp cho Ukraine, khiến căng thẳng khu vực leo thang hơn nữa", ông Lavrov kết luận.

Theo Tass