1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu binh "xây" con đường đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam

Gần 8 năm gắn bó với đất nước, con người Việt Nam, GS Joseph Rohan Lex - một cựu binh Mỹ ở chiến trường Việt Nam không chỉ có tình cảm đặt biệt với mảnh đất hình chữ S nhỏ bé nhưng giàu tình cảm này...

Cựu binh "xây" con đường đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam - 1

... Mà trực tiếp ông và các đồng nghiệp đến từ Mỹ đã sang Việt Nam nhiều lần để đào tạo và chia sẻ những kiến thức, kỹ thuật hàng đầu thế giới cho các bác sĩ của Việt Nam với mong muốn người dân Việt Nam sẽ được tiếp cận những dịch vụ y tế hàng đầu thế giới.

Những ký ức không thể quên

Có mặt ở chiến trường Việt Nam từ năm 1968 đến lúc quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam, vào những thời khắc khốc liệt nhất, GS Joseph Rohan Lex là một bác sĩ quân y, làm việc ở Củ Chi, Tây Ninh và khu vực Sài Gòn.

“Với vai trò là một bác sĩ quân y, ngoài việc chăm sóc các thương bệnh binh, tôi cũng đã chăm sóc cho cả nạn nhân chiến tranh là người Việt Nam. Có những tuần tôi cùng đồng đội đi xuống các bản làng và khám bệnh cho bà con người bản xứ, giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng. Khi đó thuốc men rất hiếm, nhiều người phải chịu đau đớn vì những bệnh tưởng chừng rất bình thường”, GS Joseph Rohan Lex hồi tưởng.

Là người tham gia trực tiếp trong cuộc chiến, dù không bao giờ sử dụng vũ khí gây sát thương, nhưng với nhiệm vụ của mình, GS Joseph Rohan Lex cảm nhận rõ hơn ai hết chiến tranh vô cùng tàn khốc. Chiến tranh đã khiến những người dân vô tội bị chết oan, những phụ nữ mất chồng và những người con mất cha. Ở mỗi chuyến đi khám chữa bệnh cho những bản làng ấy, những đôi mắt ngóng chờ người thân và sự đau thương trên những gương mặt đã ám ảnh ông.

“Lúc đó tôi chẳng biết làm gì hơn ngoài việc cố gắng khám chữa bệnh thật nhiều cho người dân và không ngừng cầu nguyện sự bình an đến với họ”, GS Joseph Rohan Lex xúc động nói.

Trong quãng thời gian không thể nào quên ấy, GS Joseph Rohan Lex nhớ mãi lần đi khám bệnh cho người dân ở một ngôi làng nhỏ cách Sài Gòn không xa vào cuối năm 1968. Ông và các đồng nghiệp giật mình khi phát hiện một cô gái và một số dân làng có những biểu hiện lâm sàng của căn bệnh nhiễm trùng đáng sợ tương tự bệnh “cái chết đen” - một đại dịch xảy ra ở châu Á và châu Âu trong thế kỷ XIV. Ông và các đồng nghiệp ngay lập tức vừa chữa trị cho người dân, vừa về Mỹ để mang ngay những liều vaccine mới nhất sang tiêm phòng cho mọi người.

Dân làng khỏi bệnh, họ mời ông và các đồng nghiệp đến ăn mừng trong một bữa tiệc đặc biệt. Đó là những món thức ăn dân dã, cũng không nhiều nhặn gì nhưng với GS Joseph Rohan Lex đó là bữa ăn ngon nhất, ý nghĩa nhất trong quãng thời gian ở Việt Nam.

“Lúc đó không hề có sự ngăn cách, e ngại, tất cả đều vui vẻ. Đó là những nụ cười mà tôi không thể nào quên”, GS Joseph Rohan Lex nói.

Khắc khoải trở lại việt nam

Trở về Mỹ, GS Joseph Rohan Lex làm việc ở Khoa Cấp cứu tại một bệnh viện ở phía Bắc của thành phố Philadelphia (thành phố lớn nhất của bang Pennsylvania). Ở đây, hàng năm có đến hàng nghìn ca chấn thương do súng bắn. Những ký ức về chiến tranh Việt Nam tiếp tục ám ảnh ông. Ngoài công việc hàng ngày tại bệnh viện, ông cũng tham gia giảng dạy về cấp cứu. Trong số đó, có nhiều sinh viên là con cái thế hệ thứ hai của những người Việt định cư ở Mỹ sau năm 1975. Hàng ngày tiếp xúc với họ, mong muốn quay trở lại Việt Nam của GS Rohan Lex ngày càng khắc khoải...

Năm 2008, khi làm việc ở Bắc Buffalo (New York), gặp và trò chuyện với một đồng nghiệp - người có ý tưởng sẽ thực hiện các công việc thiện nguyện cho Việt Nam, GS Rohan Lex ngay lập tức tình nguyện tham gia chương trình đặc biệt này.

Trong chuyến đi đầu tiên quay trở lại Việt Nam vào năm 2008, ông đã thuyết phục gần 50 chuyên gia không những ở Mỹ mà từ các nước khác đến Việt Nam để bắt đầu công việc thiện nguyện trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.

“Trước đó, tôi đã có nhiều chương trình đào tạo, trao đổi kiến thức về cấp cứu cùng các bác sĩ ở nhiều nơi như Italia, Tây Ban Nha, Nam Phi và ở một số nước khác. Khi tôi bày tỏ dự định đến Việt Nam, ai cũng muốn quay trở lại nơi đây bởi họ nhận ra rằng có rất nhiều công việc mà họ có thể giúp để phát triển y học cấp cứu của Việt Nam”, GS Joseph Rohan Lex nói.

“Các bạn đã có trường Đại học Y từ rất lâu, lâu hơn cả lịch sử các trường y ở nước Mỹ. Các bác sỹ Việt Nam cũng rất giỏi, nhưng cái mà các bạn đang thiếu là cơ hội thực hành với những kiến thức, những cách làm mới nhất. Đó chính là lý do tôi và các đồng nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục sang Việt Nam Nam, bởi giai đoạn cấp cứu rất quan trọng, nó là điều kiện tiên quyết để nâng cao khả năng sống sót, giảm biến chứng cho bệnh nhân”, GS Joseph Rohan Lex chia sẻ.

Giáo sư chụp ảnh cùng các bác sĩ tại Việt Nam
Giáo sư chụp ảnh cùng các bác sĩ tại Việt Nam

Tình cảm không phôi phai

GS Joseph Rohan Lex đã dành những tình cảm đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Với ông, Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, phong phú và đa đạng, thú vị đến mức mỗi lần ông quay trở lại đều học được một điều gì đó ý nghĩa. Đó đôi khi chỉ là cách ứng xử hàng ngày của những người hàng xóm, hay tình cảm đặc biệt của những người không quen biết...

Giáo sư cũng tâm sự rằng ông đặc biệt ấn tượng và ngưỡng mộ phụ nữ Việt Nam. Họ luôn tảo tần nuôi con, chờ chồng, chịu đựng đau thương mất mát trong thời chiến. Ở thời bình, dù là những người lao động bình thường hay những nhà khoa học, kinh doanh xuất sắc họ vẫn luôn giữ được những phẩm chất đặc biệt của mình.

“Tôi không giấu giếm quá khứ, tôi luôn nói mình là một cựu binh đã từng có mặt trong chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng ở đâu mọi người cũng chào đón khiến tôi cảm thấy những ký ức về chiến tranh đã lùi rất xa. Con người Việt Nam luôn thân thiện và tràn ngập tình cảm chân thật. Đó là sự động viên lớn lao với tôi”, GS Joseph Rohan Lex chia sẻ.

Ngài Giáo sư đáng kính nay đã hơn 80 tuổi. Dù những bước chân đã nặng nề hơn, nhưng ông vẫn tất bật đi lại giữa Mỹ và Việt Nam. Có những điều mà có lẽ không phải ai cũng hiểu hết, nhưng chắc chắn tình cảm của ông với đất nước này sẽ mãi mãi không phai.

“Cách mà tôi đang làm là để xây một con đường đặc biệt giữa Mỹ và Việt Nam. Tôi sẽ còn đi đến lúc nào không thể đi nữa. Tôi hy vọng, có thể tạo ra được cảm hứng, lôi cuốn được những người khác cũng sẽ tham gia làm việc như tôi đã làm ở Việt Nam để đất nước các bạn được cung cấp nhiều cơ hội tốt hơn, phục vụ những người dân tốt nhất”, GS Joseph Rohan Lex nói.

Với những đóng góp của mình, tháng 3-2016, GS. Joseph Rohan Lex đã được ngành Y tế Việt Nam trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Trong gần 8 năm qua, GS. Joseph Rohan Lex đã thực hiện nhiều chương trình hội thảo khoa học cấp cứu, nhiều chương trình đào tạo tại các bệnh viện, đóng góp hiệu quả cho những thành tựu chung của ngành y tế.

Theo Phú Khánh

An ninh thủ đô