Cựu binh Mỹ và hành trình 20 năm "trả nợ" Việt Nam
(Dân trí) - "Những hệ quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, như bom mìn chưa nổ hay chất độc da cam. Vì vậy không ít người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh như chúng tôi, cảm thấy có trách nhiệm đóng góp cho quá trình hàn gắn và giải quyết các di chứng của chiến tranh".
Chuck Searcy là một trong những người Mỹ có đóng góp lớn nhất cho sự gàn hắn các vết thương sau cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Ông từng tham chiến ở miền nam Việt Nam những năm cuối 1960 và đã sống tại Việt Nam 20 năm trong thời bình, một thời gian đủ dài để ông hiểu hơn về con người và đất nước này.
Phóng viên Dân Trí đã có buổi gặp gỡ ông trong một buổi sáng giao mùa đẹp trời của Hà Nội, nghe ông trải lòng về những ký ức thời chiến và về những công việc mà ông cùng các cựu chiến binh đồng hương đã và đang làm nhằm khắc phục hậu quả của cuộc chiến do Mỹ gây ra.
Cuộc trò chuyện được thực hiện ngay trước khi ông bay vào miền Trung Việt Nam cùng một nhóm cựu binh Mỹ thuộc tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP), những người đang có chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam. Một trong những điểm đến của họ là Quảng Trị, nơi từng là chiến trường ác liệt và Chuck đang dẫn đầu một dự án nhằm rà phá bom mìn chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Cựu binh Mỹ Chuck Searcy
Xin ông chia sẻ những ký ức về chiến tranh Việt Nam?
Tôi tham gia quân đội từ 1966-1969 và phục vụ tại chiến trường Việt Nam từ tháng 6/1967 đến tháng 6/1968. Khi đó, tôi là chuyên gia phân tích tình báo quân đội, chuyên phân tích và dự báo các hành động của bộ đội miền Bắc. Chúng tôi cũng nghiên cứu mọi khía cạnh của cuộc sống ở miền nam Việt Nam, về kinh tế, chính trị, quân sự, vì vậy tôi đã hiểu khá nhiều về Việt Nam.
Tôi làm việc tại Trung tâm tình báo phối hợp (CICV) của Mỹ tại Sài Gòn trong 1 năm. Chúng tôi phân tích các thông tin, mà nhiều trong số đó phục vụ cho việc đưa ra các quyết sách về chiến tranh.
Điều gì đã thôi thúc ông quay trở lại Việt Nam?
Tôi chuyển tới sống tại Việt Nam tháng 1/1995. Tôi trở lại Việt Nam để sinh sống và làm việc. Tôi muốn chứng tỏ với người Việt Nam và chính phủ của các bạn rằng nhiều người Mỹ cảm thấy có trách nhiệm về những gì xảy ra trong chiến tranh và cố gắng kết thúc những vấn đề vẫn còn gây ra nhiều thiệt hại đối với Việt Nam. Những hệ quả của chiến tranh vẫn còn dai dẳng, như bom mìn chưa nổ hay chất độc da cam. Vì vậy không ít người Mỹ, đặc biệt là các cựu chiến binh như chúng tôi, cảm thấy có trách nhiệm đóng góp cho quá trình hàn gắn và khép lại di chứng của chiến tranh. Đó là lý do để tôi quay trở lại Việt Nam.
Theo ông, những nhóm nào hiện vẫn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hệ quả của chiến tranh?
Thế hệ người Việt Nam bị ảnh hưởng lớn nhất bởi chiến tranh chắc chắn là các binh sĩ đã trực tiếp tham gia, hỗ trợ chiến đấu hoặc những người đã sống trong dưới các làn bom đạn.
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, thế hệ người cao tuổi đã dần mất đi và các thế hệ trẻ ra đời. Nhưng có một vấn đề là thế hệ trẻ ngày nay vẫn bị ảnh hưởng bởi các hệ quả của chiến tranh. Họ không tham gia nhưng vẫn phải trả giá cho cuộc chiến xảy ra trước khi họ chào đời.
Cái chết và sự tàn phá vẫn gây ra bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh. Kể từ khi cuộc chiến kết thúc, khoảng 32% nạn nhân chết vì bom mìn sót lại sau chiến tranh là trẻ em dưới 17 tuổi. Đó là một thực tế đau lòng. Giờ đây chúng ta cũng biết rằng chất độc da cam gây ra những vấn đề sức khỏe tồi tệ, nó dường như sẽ còn ảnh hưởng tới nhiều thế hệ nữa. Thật xót xa. Những đứa trẻ vô tội phải trả giá cho sai lầm trong quá khứ. Chúng đã không làm gì sai.
Trong 20 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông đã và đang làm gì để khắc phục những vấn đề đó?
Tôi đã và đang làm việc cho các dự án khác nhau của các cựu chiến binh Mỹ kể từ năm 1995. Một trong số đó là tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) có trụ sở tại Mỹ. VFP có một chi nhánh tại Việt Nam, với 35 thành viên là các cựu chiến binh Mỹ. Không phải tất cả họ đều sống tại Việt Nam nhưng họ đến Việt Nam mỗi năm.
VFP là một tổ chức nhỏ và không có nhiều ngân sách nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đóng góp hàng năm cho các dự án nhân đạo tại Việt Nam, trợ giúp các gia đình và các tổ chức giải quyết với các hậu quả của bom mìn, khiến Việt Nam trở nên an toàn. Chúng tôi cũng trợ giúp các gia đình giải quyết hậu quả của chất độc da cam.
Cụ thể, trong 14 năm qua, tôi đã làm việc tại Quảng Trị trong dự án mang tên Dự án Renew, tập trung vào sứ mệnh nhằm giúp tỉnh này trở nên an toàn. Rà phá bom mìn là nhiệm vụ hàng ngày. Nhưng dự án cũng bao gồm việc hướng dẫn mọi người làm thế nào để an toàn, làm thế nào để nhận dạng những mối nguy hiểm, để hiểu được những hậu quả nếu họ đụng chạm vào bom mìn chưa nổ. Chúng tôi hướng dẫn họ làm thế nào để tránh các tai nạn và cách thức thông báo về những quả bom mà họ tìm thấy ngay lập tức với các đội rà phá. Đội trợ giúp sẽ có mặt rất nhanh, chỉ trong 1 hoặc 2 giờ và họ sẽ phá bom. Nhờ đó mọi người sẽ được an toàn và họ sẽ biết cách giải quyết các vấn đề gặp phải.
Chúng tôi cũng trợ giúp người lớn và trẻ em, các cựu chiến binh địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn phát nổ sau chiến tranh. Có người bị mất tay, có người bị mất chân, có người bị mù mắt... Chúng tôi trợ giúp chăm sóc y tế, hồi phục chức năng, giáo dục, mở các doanh nghiệp nhỏ để chăn nuôi, trồng nấm. Chúng tôi cũng tài trợ chân, tay giả để giúp những người bị thương tật đi lại độc lập.
Mục đích cuối cùng của Dự án Renew là gì thưa ông?
Đó là nỗ lực phối hợp để khắc phục các hậu quả của bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Trị. Nhưng sứ mệnh cuối cùng của dự án là cho thấy làm cách nào để người dân và các nguồn lực địa phương có thể được sử dụng để giải quyết các di chứng chiến tranh và để mô hình này có thể được nhân rộng tại các tỉnh thành tại Việt Nam, nơi gặp vấn đề tương tự.
Việt Nam có thể thực hiện các dự án tương tự Renew mà không phải dựa vào các nguồn lực nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ. Cá nhân tôi cho rằng Mỹ và các tổ chức phi chính phủ nên tiếp tục hợp tác với Việt Nam về vấn đề rà phá bom mìn ít nhất trong 5-10 năm tới. Nhưng sau đó, Việt Nam có thể tự làm vì việc đó không khó và không đắt. Dù công việc rà phá bom mìn có thể tiếp tục trong nhiều năm nữa, nhưng mọi người không cần phải lo lắng về các mối nguy hiểm.
Chính phủ Mỹ có hỗ trợ dự án của ông không?
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cung cấp tài chính trong nhiều năm qua nhưng số tiền đó không đủ và chúng tôi mong muốn nhiều hơn. Có một tín hiệu đáng mừng là giờ đây số tiền tài trợ đang tăng lên. Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ 7,8 triệu USD cho Dự án Renew trong 3 năm tới, nhiều hơn nhiều so với trước đây. Chúng tôi hi vọng rằng số tiền đó đủ sẽ giúp chúng tôi hoàn thành dự án tại Quảng Trị. Dự án cũng nhận được sự trợ giúp từ các cựu chiến binh từ Đài Loan, Nhật Bản, Úc.
Ông thấy quan điểm của người Mỹ về các vấn đề di chứng chiến tranh như thế nào?
Nhiều người Mỹ rất sẵn lòng trợ giúp việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Họ có thiện chí đó vì cảm thấy có lỗi với những gì đã làm tại Việt Nam trong quá khứ. Chính phủ Mỹ cũng đã thay đổi trong vấn đề này nhưng nhịp độ còn chậm.
Trong 20 năm qua, người dân hai nước đã xây dựng mối quan hệ hữu nghị mới. Quan hệ song phương giờ đây tốt đẹp hơn bao giờ hết, mang lại nhiều ích lợi cho cả hai nước. Chúng tôi có nhiều điều để học hỏi ở các bạn và ngược lại các bạn vậy. Chúng ta có lợi ích chung và sự tôn trọng ở cả hai phía.
Ông có gặp khó khăn gì trong công việc không?
Tôi không gặp khó khăn lớn nào cả. Từ 1995 đến nay, chính phủ Việt Nam, tỉnh Quảng Trị, Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), hội cựu chiến binh Việt Nam, hội liên hiệp hữu nghị hợp tác chặt chẽ với nhau. Đôi khi chúng tôi không đồng tình về vấn đề gì đó nhưng các bên tìm cách giải quyết và đều có thiện chí.
Cuộc sống của ông tại Hà Nội thế nào?
Cuộc sống của tôi ở đây khá ổn. Với tôi, Hà Nội là một thành phố rất đặc biệt, rất thú vị. Hà Nội không giống thành phố nào trên thế giới. Người nước ngoài nhận ra điều đó ngay từ lần đầu tiên họ đến Hà Nội. Người Hà Nội sống thường ngày ở đây nên không nhận ra. Tôi thích kiến trúc, con người, phố phường nơi đây.
Ông có nghĩ tới việc khi nào sẽ trở về Mỹ?
Giờ tôi chưa biết chắc chắn. Tôi đã không định ở Việt Nam quá lâu nhưng thực tế tôi lại sống ở đây 20 năm rồi. Nếu mọi việc sẽ vẫn tiến triển tốt đẹp như bây giờ, tôi sẽ nghĩ về việc đó trong 5 hoặc 6 năm tới.
Trong 10 năm tới, tôi cho rằng Mỹ, Việt Nam và các nước khác cần phát triển một chiến lược để quản lý vấn đề rà phá bom mìn, chất độc da cam càng sớm càng tốt. Chất độc da cam gây ra những hậu quả thảm khốc. Vấn đề này có thể không bao giờ được giải quyết triệt để nhưng chúng ta có thể kiểm soát và chăm sóc những người bị ảnh hưởng. Chúng ta có thể thiết lập một hệ thống để chính phủ Mỹ và Việt Nam tiếp tục hợp tác nhằm giải quyết vấn đề nhân đạo trong nhiều năm tới. Sau 40 hoặc 50 năm nữa, các di chứng chiến tranh sẽ được giải quyết và chúng ta có thể đóng lại một chương trong lịch sử và hướng tới tương lai với một chương mới, không bị ố màu và thực sự hợp tác cùng nhau vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt Nam.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
An Bình
Thực hiện