1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Từ chiến tranh tới hòa bình

(Dân trí) - Đối với cựu binh Mỹ Chuck Searcy, chiến tranh Việt Nam vẫn chưa kết thúc khi ông rời chiến trường miền Nam giữa năm 1968 hay khi các trực thăng sơ tán nhưng binh sĩ Mỹ cuối cùng khỏi Sài Gòn vào năm 1975.

Cựu binh Mỹ Chuck Searcy (Ảnh:
Cựu binh Mỹ Chuck Searcy (Ảnh: Onlineathens)
 
Tiếng bom nổ vẫn thỉnh thoảng xảy ra đâu đó - một âm thanh thời chiến quen thuộc có thể đeo bám các miền quê Việt Nam nhiều năm nữa.

Đó là âm thanh của bom mìn mà Mỹ rải xuống Việt Nam những năm chiến tranh.

Mặc dù chiến tranh tại Việt Nam đã kết thúc 40 năm nhưng những di chứng nguy hiểm của cuộc chiến vẫn tồn tại. Trong một buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học Georgia hồi tháng 4/2014, Chuck cho hay ông vẫn đang phải chiến đấu với cuộc chiến ấy.

Theo CBS, Mỹ đã thả xuống Việt Nam số bom cao gấp 3 lần số bom mà Mỹ sử dụng trong Thế chiến II. Ước tính, khoảng 10% trong số bom Mỹ mà thả xuống Việt Nam đã không nổ và giờ đây vẫn đang cướp đi sinh mạng của những người vô tội. Theo Chuck, bom mìn thời chiến đã khiến 100.000 người chết và bị thương kể từ khi Mỹ rút khỏi miền nam Việt Nam.
 
Từ chiến tranh tới hòa bình
Chuck Searcy và Myra MacPherson, thành viên hội Cựu chiến binh vì hòa Bình (VFP) của Mỹ, thắp hương mộ liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị (Ảnh: Drew Brown/photoshelter)

Chuck đã sống tại Việt Nam từ năm 1995 để giúp người dân tránh khỏi mối nguy hiểm rình rập từ 350.000 tấn bom, lựu đạn và các vật liệu nổ khác chưa nổ vẫn đang nằm rải rác trên khắp Việt Nam.

Thời trẻ, Chuck đã tình nguyện tham gia quân đội, tham chiến ở miền nam Việt Nam từ 1967 đến 1968, hoạt động chuyên về tình báo quân đội.

Chuck Searcy hiện tại và thời trẻ

Chuck Searcy hiện tại và thời trẻ
(Ảnh: CBS)
Trong 25 năm sau khi rời chiến trường Việt Nam, Chuck đã có một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực báo chí, chính trị và phục vụ công. Ông khởi nghiệp với một tuần báo tại quê nhà Athens, bang Georgia và trợ giúp điều hành các chiến dịch chính trị. Ông cũng có 6 năm làm giám đốc Hội luật sư Georgia Trial Lawyers. Nhưng dù đã cố gắng, Chuck vẫn không quên được Việt Nam.

"Đối với tôi và hầu hết các cựu binh Mỹ, đó là trải nghiệm khó quên nhất trong cuộc đời", Chuck nói với tờ Time.

Chuck trở lại Việt Nam lần đầu tiên năm 1992 để tham gia vào các nỗ lực nhân đạo mà ông không hay biết rằng nó sẽ trở thành niềm đam mê và sự nghiệp cuộc đời ông sau này. Chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời ông.

"Tôi rất ngạc nhiên khi người Việt Nam không hề giận dữ, thù địch hay căm ghét những cựu chiến binh quay trở lại như chúng tôi. Điều đó thật bất ngờ", Chuck nói.

Chuck cũng ấn tượng bởi quyết tâm của người Việt Nam nhằm tái xây dựng đất nước sau nhiều năm bị tàn phá bởi chiến tranh. "Tôi bắt đầu nghĩ rằng tôi nên có đóng góp gì đó bởi tôi cảm thấy có một phần trách nhiệm với tư cách là một người Mỹ về những gì đã xảy ra tại đó", Time dẫn lời Chuck.

Vài năm sau chuyến trở lại Việt Nam đầu tiên, Chuck đã từ bỏ một công việc tốt tại Bộ các vấn đề cựu chiến binh Mỹ ở Washington nhằm thực hiện sứ mệnh mới của ông: trợ giúp để Việt Nam trở thành một nơi an toàn hơn đối với người dân.

Chuck chuyển tới sống tại Việt Nam năm 1995 và thành lập dự án phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh mang tên Dự án Renew vào năm 2001.

"Tôi cảm thấy có trách nhiệm nhằm cố gắng giải quyết các hậu quả chiến tranh mà chúng ta để lại, những vấn đề mà người Việt Nam vẫn đang phải đối mặt hôm nay", Searcy nói trong cuộc phỏng vấn với CBS mới đây.

Hàng triệu USD mà Chuck gây quỹ đã giúp Dự án Renew phá hủy 7.000 quả bom mìn mỗi năm. Không ai biết phải mất bao nhiêu năm nữa, hay bao nhiêu thập niên nữa để dọn sạch chúng tại Việt Nam.
 
Những quả bom chưa nổ được tìm thấy tại Việt Nam (Ảnh:
Những quả bom chưa nổ được tìm thấy tại Việt Nam (Ảnh: CBS/Dự án Renew)

"Tôi nghĩ sẽ không bao giờ hết được. Nhưng một mục tiêu thực tế và có thể đạt được là điều đó sẽ giúp Việt Nam trở nên an toàn", Chuck nói.

Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm mục đích phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Dự án được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất để giải quyết hậu quả chiến tranh kể từ khi các Tổ chức phi chính phủ (NGO) quốc tế tham gia vào hoạt động này từ năm 1996. Với sự tài trợ của Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) và các tổ chức khác, dự án thực hiện 4 chương trình: khảo sát và rà phá bom mìn, giáo dục nguy cơ bom mìn nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn và chất độc da cam, và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Quảng Trị từng là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, đặc biệt là từ năm 1966 đến khi kết thúc chiến tranh vào năm 1975, và là mục tiêu của nhiều chiến dịch ném bom tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới.

Ước tính 83% tổng diện tích ở Quảng Trị còn ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Kể từ năm 1975, tỉnh Quảng Trị có 8.500 nạn nhân bom mìn, trong đó 3.400 người chết. 31% tổng số nạn nhân là trẻ em.
 
Từ chiến tranh tới hòa bình
Chuck trò chuyện với các thành viên của Dự án Renew trong chuyến đi thực địa tại Quảng Trị (Ảnh: Uchicago.edu/Dự án Renew)

Sau 20 năm sống tại Việt Nam, Chuck giờ đây không chỉ là một nhân vật quen thuộc với nhiều người Việt. Các hãng truyền thông lớn của Mỹ đã có những bài viết về ông, về công việc mà ông và các cựu chiến binh Mỹ đang làm nhằm hàn gắn các vết thương chiến tranh. Sứ mệnh của ông không chỉ được người Việt Nam mà cả người Mỹ ủng hộ.

Năm ngoái, trong chuyến trở về Mỹ, Chuck đã có cuộc gặp với Tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Nguyễn Bá Hùng, người nói rằng ông rất cảm kích công việc mà các cựu chiến binh Mỹ đang làm. "Những cá nhân như vậy đã mang đến tình hữu nghị và thiện chí đối với Việt Nam", ABC dẫn lời ông Hùng.

Phát biểu nhân ngày quốc khách Việt Nam năm 2014, Chuck nói ông muốn thúc đẩy hơn nữa thiện chí đó bằng Dự án Renew mà ông gọi là ánh sáng ở cuối đường hầm. Ông muốn các cựu binh khác hối thúc chính phủ Mỹ gia tăng các nỗ lực để những tàn tích chết người của cuộc chiến sẽ không còn ở Việt Nam trong 1 thập niên nữa.

"Chúng ta nợ điều đó với người dân Việt Nam và chúng ta cũng nợ điều đó với các cựu binh Mỹ và bạn bè của chính chúng ta, những người đã thiệt mạng tại Việt Nam. Chúng ta nợ họ sự trợ giúp nhằm tái xây dựng đất nước này", Chuck nói.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm