Cuộc "thử lửa" đầu tiên của tân Tổng thống Philippines
(Dân trí) - Tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa ra các phát ngôn mâu thuẫn về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, vốn do chính quyền tiền nhiệm khởi xướng. Giới phân tích đang chờ đợi xem ông này sẽ hành động ra sao sau phán quyết của tòa trọng tài.
Các nhà phân tích nhận định Philippines nhiều khả năng sẽ lựa chọn cách thức “hạ cánh mềm” sau phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện ở Biển Đông và rằng tân Tổng thống Rodrigo Duterte có thể tìm kiếm sự nhượng bộ về kinh tế từ Trung Quốc để dàn xếp vụ việc.
Cả Trung Quốc và Philippines gần đây đều tỏ ý muốn nối lại đàm phán và đi tới một thỏa hiệp để giải quyết các tranh chấp hàng hải, các nhà quan sát Philippines và Trung Quốc cho hay.
Quan hệ giữa hai nước đã xuống mức thấp trong những năm gần đây, sau khi Philippines khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để phản đối các tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông vào năm 2013. Trung Quốc, nước ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông dựa trên “đường chín đoạn” phi lý, đã từ chối tham gia hay công nhận vụ kiện.
Nhưng tân Tổng thống Duterte đã có các bình luận hòa giải vài lần trước phán quyết. “Nếu phán quyết có lợi
Toàn văn thông cáo phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện Philippines-Trung Quốc
Tòa trọng tài bác bỏ "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông
cho chúng ta, hãy tiến hành đàm phán”, ông Duterte cho biết trong một bài phát biểu hôm 5/7, nói thêm rằng Philippines “không muốn chiến tranh”.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa là một trong những đại sứ đầu tiên gặp Tổng thống Duterte sau khi ông nhậm chức. Hai người đã gặp nhau ít nhất 5 lần kể từ khi ông Duterte đắc cử hồi tháng 5.
“Ông Duterte sẽ đảm bảo rằng phán quyết sẽ không dẫn tới sự leo thang xung đột... Ông ấy sẽ không sử dụng phiên tòa để làm bẽ mặt Trung Quốc trên trường quốc tế hay xem Trung Quốc là coi thường luật pháp”, tờ Thời báo Hoa nam Buổi sáng dẫn lời ông Richard Javad Heydarian, một nhà khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila.
Thay vào đó, nhà lãnh đạo Philippines nhiều khả năng sẽ đưa ra một tuyên bố ôn hòa hơn nhiều và sử dụng các phán quyết của tòa trọng tài để tìm kiếm sự nhượng bộ từ Trung Quốc, ông Heydarian, người từng là cố vấn chính sách của Hạ viện Philippines, nói thêm.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cũng phản đối các bình luận cho rằng ông đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn chống lại Trung Quốc nếu phán quyết của tòa có lợi cho Manila. Ông còn nói Philippines sẵn sàng chia sẻ các tài nguyên thiên nhiên với Bắc Kinh ở Biển Đông - dù tuyên bố này sau đó đã được rút lại - và rằng Philippines sẽ khởi động đàm phán với Trung Quốc “sớm nhất có thể”.
Trung Quốc sẽ nhượng bộ ở Scarborough?
Shen Shishun, một chuyên gia về nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho rằng sự chuyển đổi ban lãnh đạo tại Philippines và phán quyết của tòa là cơ hội để hai nước làm tan băng trong mối quan hệ về nối lại đàm phán. “Philippines vẫn cần đàm phán với Trung Quốc sau phán quyết”, ông nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng tới Tổng thống Duterte hôm 30/6, chúc mừng ông nhậm chức và nói rằng ông sẽ thực hiện các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Trong một dấu hiệu nhượng bộ ban đầu, Trung Quốc được cho là đã cho phép ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 (Ảnh: WSJ)
Kế hoạch cải cách ở trong nước của ông Duterte nhiều khả năng sẽ khiến ông này tìm kiếm sự hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thay vì đối đầu với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. “Chúng ta biết có một quốc gia có thể giúp Philippines trong việc thúc đẩy kinh tế nhanh chóng và hiệu quả”, chuyên gia Heydarian nói.
Ông Heydarian nhận định thêm, chính quyền mới của Philippines cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc ngừng mở rộng các căn cứ quân sự trong khu vực và không áp đặt vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Theo Thời báo Hoa Nam Buổi sáng, Tổng thống Duterte đã gặp đại sứ Trung Quốc tại Philippines trước lễ nhậm chức và hai người đã thảo luận về khả năng Trung Quốc xây các tuyến đường sắt ở Philippines. Ông Duterte đã đề nghị nhất trí khai thác chung các tài nguyên ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông để đối lấy sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc xây dựng 3 hệ thống đường sắt lớn khắp Philippines.
Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Đại học Sydney, cho rằng còn quá sớm để dự đoán hành động của ông Duterte với Trung Quốc sau phán quyết của tòa trọng tài.
“Ông ấy đã đưa ra các thông điệp lẫn lộn... Ông ấy dường như để ngỏ đàm phán hơn với Trung Quốc so với người tiền nhiệm, nhưng cũng tuyên bố có lập trường cứng cắn và sẽ không phớt lờ hay giảm nhẹ phán quyết”.
Theo ông Townshend, một cuộc chiến ngoai giao ngôn từ là không thể tránh khỏi sau phán quyết nhưng ở hậu trường hai nước có thể phát triển các kênh liên lạc riêng.
Sức ép từ nhiều hướng
Ông Heydarian cho hayt đây sẽ là giai đoạn thử thách đối với sự nhạy bén về chính sách ngoại giao của Tổng thống Duterte, trong bối cảnh ông “đối mặt với sức ép to lớn từ mọi hướng”.
Các đồng minh của Philippines, như Mỹ và Nhật, đã đặt áp lực lên ông Duterte nhằm đưa ra một tuyên bố cứng rắn, trong khi tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở trong nước đang lên rất cao.
Mỹ và Nhật Bản là các đối tác thương mại lớn của Philippines. Nhưng thương mại giữa Philippines với Trung Quốc đã gia tăng trong những năm gần đây, khi Trung Quốc trở thành đối thương mại lớn thứ 2 của Philippines, nguồn nhập khẩu chính và thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 trong năm ngoái.
Theo ông Heydarian, Philippines và Trung Quốc có thể thiết lập một ủy ban hòa giải, được xem là một biện pháp tái hòa giải theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Một ủy ban như vậy có thể được thành lập dựa trên sự nhất trí chung và ủy ban chỉ có thể cố vấn về các cách thức nhằm giải quyết xung đột chứ không cố vấn về vấn đề chủ quyền. “Theo cách này, cả hai đều có thể chứng tỏ cam kết đối với luật pháp quốc tế”, ông Heydarian nói.
Tuy nhiên, Jin Yongming, một chuyên gia về luật quốc tế tại Viện khoa học xã hội Thượng Hải, cho rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ cuộc thảo luận nào dựa trên phán quyết của tòa trọng tài. “Nó cũng phụ thuộc vào chủ đề được đưa vào trong ủy ban hòa giải”.
Theo chuyên gia trên, sự tham gia của bên thứ 3 trong ủy ban hòa giải là “có thể chấp nhận được về mặt lý thuyết”, nhưng đó không phải là một quốc gia ngoài khu vực và có sự thiên vị.
An Bình