1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cuộc họp bí mật định đoạt số phận Bạc Hy Lai

(Dân trí) - Thông thường những quyết định quan trọng tại Trung Quốc được đưa ra tại Trung Nam Hải, cơ quan đầu não của đảng và chính phủ nước này. Song với vụ Bạc Hy Lai, thành tố quyết định dường như được đưa ra từ cách đó hàng ngàn cây số.

Lối vào Trung Nam Hải, nơi đưa ra những quyết sách của Trung Quốc.

Lối vào Trung Nam Hải, nơi đưa ra những quyết sách của Trung Quốc.
 

Người ta hầu như không biết gì về cơ chế hoạt động của Trung Nam Hải, cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản và chính phủ Trung Quốc, nằm ở tây Tử Cấm Thành tại trung tâm Bắc Kinh.

 

Trung Nam Hải, được xem là Nhà Trắng hay Điện Kremlin của Trung Quốc, trải rộng 1km2, với hai hồ nhân tạo và các tòa nhà từng được dùng là cung điện nhưng nay là văn phòng và nhà ở của các quan chức cấp cao Trung Quốc.

 

Đây cũng chính là nơi tất cả những quyết định quan trọng của Trung Quốc được đưa ra, cả chính sách đối nội cũng như đối ngoại.

 

Nhưng theo một nguồn tin thân cận với các lãnh đạo cấp cao nhất từ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cách những bức tường đỏ bao quanh Trung Nam Hải hàng ngàn km, một quyết định đã được đưa ra và quyết định này chính là phát súng bất ngờ “khai tử” cho số phận Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh vào thời điểm đó.

 

Nguồn tin cho biết cuộc họp ngày 16/2 của Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc đã được triệu tập ở Trung Nam Hải để quyết định có truy cứu trách nhiệm của ông Bạc Hy Lai với tư cách là cấp trên của Vương Lập Quân, phó thị trưởng Trùng Khánh, người mà 10 ngày trước đã tìm cách tị nạn tại tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, hay không.

 

Cuộc họp có sự tham gia của các thành viên Ban thường vụ Bộ chính trị, các trụ cột của Đảng Cộng sản và đại diện cho 80 triệu thành viên của cơ quan này.

 

Mỗi người trong số 9 thành viên Ban thường vụ biểu quyết một lá phiếu và toàn bộ các chính sách quan trọng được quyết định theo đa số các lá phiếu. Tổng bí thư là người duy nhất có quyền triệu tập một cuộc họp như thế.

 

Về vấn đề Bạc Hy Lai, các thành viên Ban thường vụ bị chia rẽ. Được biết những thành viên Ban thường vụ cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm của Bạc Hy Lai gồm có ông Hồ Cẩm Đào, ông Ôn Gia Bảo và ông Lý Khắc Cường và Hạ Quốc Cường.

 

Trong khi đó những người bảo vệ ông Bạc gồm có ông Ngô Bang Quốc, Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân và Chu Vĩnh Khang

 

Thành viên cuối cùng, ông Tập Cận Bình, người được xem là ứng cử viên sáng giá trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Trung Quốc, không có mặt tại cuộc họp vì ông đang công du Mỹ.

 

Một quan chức của Văn phòng Trung ương Đảng đã liên lạc với ông Tập ở Washington trước cuộc họp tại Bắc Kinh và xin ý kiến của ông về vụ việc. Khi vừa kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Obama, ông Tập Cận Bình khẳng định cần phải truy cứu trách nhiệm của ông Bạc.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc không chính thức xác nhận về cuộc họp ngày 16/2 cũng như về quyết định truy cứu ông Bạc Hy Lại dựa trên lá phiếu biểu quyết 5-4.

 

Một số nguồn tin khác trong Đảng đưa ra chi tiết khác nhau về những sự kiện dẫn đến cú “ngã ngựa” của ông Bạc.

 

Song nhiều nguồn tin trong Đảng này, trong đó có người có cha là quan chức cấp cao, nhất trí rằng sẽ rất khó truy cứu ông Bạc Hy Lai nếu không có lá phiếu của ông Tập Cận Bình.

 

Giống như cha của ông Bạc Hy Lai, cha của ông Tập cận Bình cũng từng là phó thủ tướng. Cả hai gia đình họ đều sống ở Trung Nam Hải và cả ông Tập và ông Bạc đều được xem là “con nhà nòi”. Chính vì những tương đồng này mà giới phê bình đặt câu hỏi vì sao ông Tập lại quyết định bỏ phiếu truy cứu trách nhiệm ông Bạc.

 

Vũ Quý

Theo Asahi