Cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 "làm khó" 2 đời tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Cuộc tranh cãi về nguồn gốc đại dịch Covid-19, với những đổ lỗi qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc, đã làm bùng nổ tranh cãi trong lòng nước Mỹ và làm khó cả hai đời tổng thống.
Đối mặt với áp lực lớn từ "di sản đại dịch" kinh hoàng của người tiền nhiệm Donald Trump để lại, ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden nỗ lực giải bài toán này. Mới đây, ông Biden đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Mỹ phải "tăng gấp đôi nỗ lực" và phải có báo cáo trong vòng 90 ngày về nguồn gốc đại dịch.
Trong những gì được tạm coi là sự minh bạch tương đối của chính phủ Mỹ, ông Biden hôm 26/5 đã đưa ra hai giả thuyết mà cộng đồng tình báo Mỹ coi là "có khả năng" về nguồn gốc virus. Giả thuyết thứ nhất, được các chuyên gia y tế xem là có khả năng nhất, là virus lây từ động vật sang người, có thể là từ động vật sống trong một khu chợ ẩm ướt ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Giả thuyết thứ hai là virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Động thái trên rõ ràng càng khoét sâu hơn về nguồn gốc bí ẩn của đại dịch và cả những dư âm cay đắng trong cuộc chiến cạnh tranh Mỹ - Trung. Chính nó cũng sẽ khiến người hâm mộ nghi ngờ về khả năng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc điều tra nguồn gốc đại dịch, giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại và ngăn chặn các thảm họa tương tự trong tương lai.
Tại Mỹ, nó buộc chính quyền Tổng thống Biden và cả người tiền nhiệm Donald Trump đều đối mặt với những lời kêu gọi minh bạch hơn trong việc điều tra nguồn gốc đại dịch.
Giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm trong những ngày gần đây lại bùng lên và gây chú ý. Washington cho biết sẽ điều tra đến cùng nguồn gốc dịch bệnh sau khi có báo cáo về việc một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị bệnh từ trước khi nước này ghi nhận các ca Covid-19 đầu tiên. Đáp trả, Trung Quốc ngày 27/5 kêu gọi điều tra các phòng thí nghiệm bí mật trên thế giới đồng thời gọi giả thiết virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là thuyết âm mưu.
Ông Trump có bị oan?
Mệnh lệnh điều tra gây chú ý của Tổng thống Biden được đưa ra khi ông cảm thấy sức nóng chính trị ngày càng tăng sau khi báo Wall Street Journal tiết lộ, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh từ trước khi các ca Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12/2019. Ngay lập tức, truyền thông Mỹ vào cuộc đưa tin, đây là chứng cứ cho thấy virus này có thể xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Bắc Kinh lên án những thông tin này, phản pháo rằng, virus có thể đến từ một phòng thí nghiệm của Mỹ.
Tất nhiên, việc tìm ra được nguồn gốc virus gây đại dịch không phải là chuyện dễ. CNN dẫn lời các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có mọi lý do để không minh bạch nguồn gốc Covid-19, đại dịch vốn khiến họ điêu đứng, làm ảnh hưởng đến vị thế của một cường quốc đang lên khi đã có gần 3,5 triệu người tử vong trên thế giới vì dịch bệnh.
Nhưng nếu kết luận điều tra cho thấy virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm từ Trung Quốc, cựu Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đòi được "minh oan".
Khi còn đương chức, ông Trump nhiều lần cáo buộc rằng virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Tuy nhiên, nghi ngờ của ông đã bị bác bỏ rộng rãi và được cho là một thuyết âm mưu ngoài lề. Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ - vốn có mối quan hệ căng thẳng với ông Trump - khi đó mô tả những tuyên bố như vậy là ngụy tạo hoặc sai sự thật.
Khi cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 nóng trở lại, cựu Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định những nghi ngờ của ông là hoàn toàn đúng. Trong một tuyên bố gửi qua email cho báo New York Post ngày 25/5, ông viết: "Đối với tôi, điều đó hiển nhiên ngay từ đầu nhưng tôi đã bị chỉ trích thậm tệ, như thường lệ. Và bây giờ tất cả họ đang nói: "Ông ấy đúng".
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao khi còn đương chức, ông Trump đã tập trung vấn đề điều tra Covid-19 có nguồn gốc từ Viện Virus Vũ Hán, nhưng lại không làm đến cùng?
Và giờ đây, trách nhiệm đặt trên vai Tổng thống Biden rất nặng nề. Chính quyền ông Biden phải chứng minh rằng, họ có đủ sức ảnh hưởng và minh bạch trên con đường đi truy tìm nguồn gốc virus bất chấp việc Trung Quốc có hợp tác hay không.