1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến ngầm Mỹ-Trung ở Biển Đông

(Dân trí) - Khi cả thế giới hướng sự chú ý đến cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh vấn đề quân sự hóa Biển Đông, một cuộc chiếm ngầm để khẳng định uy lực của hải quân giữa hai quốc gia này đang nóng lên từng ngày.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter. (Ảnh: Reuters)

Mỹ vẫn là cường quốc số 1 về tàu ngầm

Trong bài phát biểu hồi tháng 4 ở New York, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói rằng Mỹ sẽ chi 8 tỷ USD trong năm tới để đảm bảo có một lực lượng tàu ngầm và chống ngầm luôn mạnh nhất và tiên tiến nhất thế giới. Một phần ngân sách đó sẽ phục vụ cho công tác phát triển các tàu ngầm không người lái.

Trước đó 2 tháng, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, trong một phiên điều trần đã nói rằng, ông cảm thấy Hải quân Mỹ chưa có những tàu ngầm cần thiết để có thể ngăn chặn được âm mưu quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, theo thống kê của Hiệp hội hạt nhân thế giới, Hải quân Mỹ vận hành 75 tàu ngầm hạt nhân, với khoảng 15 chiếc mang thiết kế lớp Virginia hoặc Seawolf hiện đại hơn. Tuy nhiên, Mỹ chỉ triển khai 4 tàu ngầm lớp Los Angeles ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, không đồn trú tại căn cứ hải quân ở Guam.


(Nguồn: IISS, CNN)

(Nguồn: IISS, CNN)

Tương quan sức mạnh quân sự Mỹ-Trung (Bấm vào đây để xem ảnh cỡ lớn)

Toshi Yoshihara, Phó giáo sư tại Đại học tác chiến hải quân Mỹ, nói rằng ông hy vọng thời gian tới Mỹ sẽ tiếp tục đầu tư cho lực lượng tàu ngầm để duy trì vị thế cường quốc số 1.

Mùa thu năm ngoái, Viện nghiên cứu hải quân Mỹ đã cho ra mắt một tàu ngầm không người lái dài 3m có khả năng làm nhiệm vụ trinh sát, tác chiến chống ngầm và các hoạt động tấn công khác với thời gian hoạt động liên tiếp 70 ngày ở cả vùng biển sâu và ven bờ.

Ông Yoshihara cho rằng, các tàu ngầm không người lái có khả năng nâng cao đáng kể năng lực tác chiến chống ngầm của Mỹ.

“Các tàu ngầm không người lái này sẽ khiến cho giới hoạch định quốc phòng Trung Quốc khó đoán định năng lực của Hải quân Mỹ trong việc theo dõi, tiêu diệt các tàu ngầm Trung Quốc ở những vùng nước sâu ở Biển Đông hoặc gần các cảng của Trung Quốc. Các tàu này đủ nhỏ để qua mặt các thiết bị dò cảm biến, hệ thống phòng thủ chống ngầm của Trung Quốc, do đó khiến cho Hải quân Trung Quốc khó phản kháng, thách thức nỗ lực vận hành đội tàu ngầm bí mật ở Biển Đông.

“Cuộc chiến ngầm” Mỹ-Trung ở Biển Đông


Một tàu ngầm của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Một tàu ngầm của Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, Trung Quốc cũng không ngừng phát triển đội tàu ngầm nhằm phục vụ tham vọng thống trị đại dương.

Hiện Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc sở hữu hơn 80 tàu ngầm (nhiều hơn của Mỹ), trong đó có 16 tàu ngầm hạt nhân, báo cáo năm 2015 của Lầu Năm Góc cho biết. Trung Quốc cũng sở hữu 15 tàu ngầm tàng hình được trang bị động cơ cho phép chúng hoạt động dưới nước trong thời gian lâu hơn.

Trung Quốc hiện đang tập trung phát triển tàu ngầm hạt nhân mới nhất, hay còn gọi là tàu ngầm lớp Jin 094. Hầu hết các tàu ngầm loại này đang đồn trú ở Ngọc Lâm, Quảng Tây. Bốn tàu trong số này đã được vận hành, tàu thứ 5 vẫn đang chế tạo dở dang, báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay. Lầu Năm Góc cho rằng, các tàu này sẽ được trang bị tới 12 tên lửa đạn đạo JL-2 với tầm bắn ước tính 7.400km, đủ vươn tới lãnh thổ Mỹ Cũng theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang phát triển một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ 3. Đây là tàu ngầm loại 093 có thể mang tên lửa tầm xa JL-3.

Ashley Townshend, chuyên gia tại Viện nghiên cứu thuộc Đại học Sydney của Australia, nhận định: “Các tàu ngầm tấn công của Trung Quốc ở Biển Đông nếu không bị phát hiện sẽ là mối đe dọa đối với các tàu Mỹ hoạt động trong khu vực, tuy nhiên chỉ khi Trung Quốc có thể cải tiến năng lực tác chiến chống ngầm và thách thức soán ngôi số 1 của Mỹ trong lĩnh vực này”.

Nếu cách đây vài năm, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đánh giá thấp tàu ngầm của Trung Quốc, cho rằng các tàu này hoạt động quá ồn và quá dễ bị phát hiện. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi những tàu ngầm Trung Quốc đã có thể “bám đuôi” tàu sân bay Mỹ ở Hoa Đông những năm gần đây.

Năm 2006, tàu ngầm chạy bằng diesel loại 039 của Trung Quốc đã nổi lên trên mặt nước, cách tàu sân bay USS Kitty Hawk chỉ khoảng 5 hải lý khi tàu sân bay này làm nhiệm vụ huấn luyện ở Hoa Đông.

Và tháng 10 năm ngoái, các sĩ quan trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc hoạt động gần vùng biển Nhật Bản, tờ Washington Free Beacon dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết. Vài ngày sau đó, Lầu Năm Góc đã điều tàu khu trục USS Lassen đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Subi mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Trường Sa của Việt Nam.

Để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ đã đưa tàu ngầm và máy bay do thám tới Biển Đông từ đầu những năm 2000 khi Washington nhận thấy Bắc Kinh bắt đầu xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đây.

Collin Koh Swee Lean, một chuyên gia về tàu ngầm đến từ Viện nghiên cứu quốc S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng, tàu ngầm Trung Quốc có thể hoạt động thường xuyên hơn với các hạ tầng dựng lên ở Biển Đông, hoạt động do thám và chống do thám theo kiểu “mèo vờn chuột” giữa tàu ngầm Trung Quốc và Mỹ sẽ giống như những giữa hải quân Mỹ và Liên xô cũ trước kia.

Chuyên gia này cũng cho rằng, việc cả Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều tăng cường hoạt động trinh sát tàu ngâm ở Biển Đông trong bối cành Mỹ thúc đẩy tự do hàng hải ở vùng biển này sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu giữa tàu ngầm thậm chí các tàu nổi giữa họ.

“Nếu để ý tới một loạt sự vụ xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, có thẻ thấy nguy cơ những vụ việc tương tự ở Biển Đông có thể kéo theo các căng thẳng về ngoại giao cho cả hai bên”, chuyên gia Koh cảnh báo.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm