1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nghi vấn Trung Quốc giúp đồng minh của Mỹ ở Trung Đông chế tạo tên lửa

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ nghi ngờ rằng, đồng minh thân cận hàng đầu của nước này ở Trung Đông, Ả rập Xê út, đang chế tạo tên lửa đạn đạo với sự hỗ trợ từ Trung Quốc.

Nghi vấn Trung Quốc giúp đồng minh của Mỹ ở Trung Đông chế tạo tên lửa - 1

Hình ảnh vệ tinh đặt ra nghi vấn Ả rập Xê út đang sản xuất tên lửa đạn đạo với sự hỗ trợ từ Trung Quốc (Ảnh: Planet).

Truyền thông Mỹ dẫn các nguồn thạo tin cho biết, giới tình báo nước này dường như nắm được thông tin về nghi vấn Trung Quốc đang giúp Ả rập Xê út tự sản xuất tên lửa đạn đạo. Nếu có thật, diễn biến này có thể gây ra tác động mạnh mẽ tới Trung Đông và làm phức tạp nỗ lực của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran - đối thủ hàng đầu của Ả rập Xê út trong khu vực.

Trước đó, Ả rập Xê út dường như từng mua tên lửa đạn đạo từ Trung Quốc, nhưng chưa bao giờ tự chế tạo loại vũ khí này. Các hình ảnh chụp từ vệ tinh mà truyền thông Mỹ có được cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Ả rập Xê út có thể đang sản xuất tên lửa đạn đạo tại ít nhất một địa điểm.

Hai nguồn tin cho biết, giới chức Mỹ từ nhiều cơ quan, bao gồm cả Hội đồng An ninh quốc gia tại Nhà Trắng, đã nắm được hàng loạt thông tin trong những tháng gần đây về nghi vấn các vụ chuyển nhượng công nghệ tên lửa đạn đạo nhạy cảm quy mô lớn giữa Trung Quốc và Ả rập Xê út.

Chính quyền Mỹ hiện đang đối mặt với câu hỏi ngày càng cấp thiết rằng liệu năng lực tên lửa đạn đạo trong tương lai của Ả rập Xê út có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực hay không, vì điều này có thể làm phức tạp nỗ lực của Mỹ và phương Tây trong việc mở rộng thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Iran và Ả rập Xê út là đối thủ hàng đầu của nhau trong khu vực và nếu Riyadh sản xuất tên lửa đạn đạo thì Tehran sẽ không đồng ý dừng phát triển vũ khí này trong các cuộc đàm phán.

Jeffrey Lewis, một chuyên gia vũ khí và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết: "Trong khi sự chú ý đáng kể đã được tập trung vào chương trình tên lửa đạn đạo lớn của Iran, việc Ả rập Xê út phát triển tên lửa đạn đạo không nhận được sự chú ý tương tự. Việc Riyadh tự làm tên lửa đạn đạo có thể dẫn tới việc, mọi nỗ lực ngoại giao để kiểm soát việc phổ biến tên lửa ở khu vực sẽ cần có sự tham gia của cả họ và Israel - 2 bên có thể tự sản xuất tên lửa đạn đạo".

"Bằng chứng quan trọng"

Theo các hình ảnh vệ tinh mới của công ty Planet chụp từ 26/10-9/11, Ả rập Xê út được cho đang sản xuất tên lửa đạn đạo của họ tại cơ sở được Trung Quốc hỗ trợ xây dựng trước đó tại gần Dawadmi.

Ông Lewis cho biết, bằng chứng quan trọng là cơ sở này dường như đang vận hành một hố đốt để xử lý chất phóng rắn còn dư lại trong quá trình sản xuất tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, các nguồn tin hiện vẫn chưa nêu rõ đặc điểm của tên lửa Ả rập Xê út bị nghi đang chế tạo như tầm bay và khả năng mang đầu đạn. Ông Lewis đặt ra nghi vấn rằng, vũ khí này có thể được làm theo thiết kế của Trung Quốc.

Trong khi đó, khi được hỏi về thông tin trên, phía Trung Quốc nói rằng, nước này và Ả rập Xê út là đối tác chiến lược toàn diện và đã duy trì hợp tác hữu nghị trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả trong lĩnh vực thương mại quân sự.

"Việc hợp tác như vậy không vi phạm bất cứ luật pháp quốc tế nào và không liên quan đến việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt", tuyên bố cho biết.

Từ năm 2019, truyền thông Mỹ đã đưa tin về việc tình báo nước này nắm được nghi vấn Ả rập Xê út đang hợp tác với Trung Quốc để nâng cao năng lực chương trình tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump dường như không gây áp lực đủ mạnh lên Riyadh liên quan tới việc này.

Trong khi đó, các nguồn tin nói rằng, chính quyền ông Joe Biden có thể đang chuẩn bị có biện pháp trừng phạt nhằm vào các tổ chức liên quan tới hoạt động trao đổi giữa Trung Quốc và Ả rập Xê út về công nghệ tên lửa đạn đạo.