1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến khốc liệt của binh sĩ Ukraine bám trụ ở Kursk

Minh Phương

(Dân trí) - Pháo kích suốt ngày đêm, đối phương áp đảo về lực lượng là những thách thức mà các binh sĩ Ukraine phải đối mặt sau khi đột kích và tìm cách bám trụ ở tỉnh Kursk của Nga.

Cuộc chiến khốc liệt của binh sĩ Ukraine bám trụ ở Kursk - 1

Xe tăng Ukraine khai hỏa khi đột kích vào vùng biên giới Kursk của Nga hôm 11/8 (Ảnh: Reuters).

Oleksandr, chỉ huy đơn vị thuộc tiểu đoàn xung kích 225 của Ukraine đang chiến đấu ở tỉnh Kursk (Nga), mới đây đã có chia sẻ hiếm hoi về cuộc chiến khắc nghiệt tại mặt trận này.

"Tôi có cảm giác Nga có nguồn nhân lực vô hạn. Họ điều động một số nhóm đến, hôm sau lại có các nhóm khác", Oleksandr chia sẻ.

Oleksandr cho biết, đơn vị của ông đã tham gia vào các trận chiến khốc liệt ở Bakhmut, Avdiivka và Chasiv Yar suốt 8 tháng liên tục trước khi triển khai đến mặt trận Kursk ở Nga. Đơn vị của ông đã không ngủ trong 3 ngày.

Ông cho biết quân đội Nga mà Ukraine phải đối mặt ở Kursk bao gồm cả lính dù được huấn luyện bài bản từ Sư đoàn 76, nhưng cũng có những lực lượng ít bài bản hơn như lính Chechnya.

Chỉ huy Ukraine nói thêm, ông không thấy dấu hiệu nào rằng 12.000 binh sĩ Triều Tiên đã triển khai tới Kursk như cáo buộc của Kiev và phương Tây.

Theo ông Oleksandr, 3 tuần trước đó, đơn vị của ông đã phải đối mặt với cuộc tấn công của 40 xe bọc thép và khoảng 300 bộ binh Nga. Trong cuộc chiến này, lực lượng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến đấu 50 lính Nga.

Ông Oleksandr tin tưởng rằng đơn vị của ông có thể bám trụ, nhưng không chắc chắn lắm về mục tiêu cuối cùng. "Tôi không biết mục tiêu thực sự là gì. Chúng ta đã chiến đấu ở đây 4 tháng và sẽ rời đi. Nếu mục tiêu là bám trụ cho đến một thời điểm nhất định, chúng tôi sẽ làm như vậy", ông nói.

Khi được hỏi liệu ông muốn nhắn nhủ điều gì đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Oleksandr đề nghị phương Tây giữ cam kết đảm bảo an ninh đưa ra cho Ukraine để đổi lấy việc Kiev từ bỏ vũ khí hạt nhân theo Bản ghi nhớ Budapest 1994. Theo Biên bản ghi nhớ này, Nga, Anh và Mỹ đưa ra cam kết an ninh cho Ukraine, Belarus và Kazakhstan khi các nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.

"Hãy giữ lời hứa. Chúng tôi đang phải chiến đấu còn các vị tìm cách bảo vệ lợi ích của mình. Các vị hãy hỗ trợ mọi thứ để có thể kết thúc cuộc chiến này trong vòng hai ngày", Oleksandr nói.

Ukraine mở chiến dịch tấn công Kursk từ đầu tháng 8 với mục tiêu buộc Nga chuyển hướng nguồn lực khỏi chiến tuyến miền Đông Ukraine, cải thiện vị thế trong bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Nga.

Tuy nhiên, sau 4 tháng, Ukraine dường như vẫn không đạt được mục tiêu này. Việc Ukraine dồn một phần không nhỏ lực lượng và vũ khí đến Kursk chẳng những không khiến Nga chuyển hướng nguồn lực mà còn tiến nhanh hơn ở mặt trận Donbass.

Moscow đang tiến công ở miền Đông Ukraine nhanh nhất kể từ khi xung đột nổ ra. Nga cũng giành lại 40% số lãnh thổ mà Ukraine kiểm soát ở Kursk.

Theo Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm