1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Cuộc chiến 5 ngày": Ukraine bí mật giúp Gruzia đánh Nga

Thống đốc Odessa của Ukraine Saakashvili vừa thừa nhận rằng, Ukraine từng cấp vũ khí và huấn luyện chuyên gia quân sự cho Gruzia, trong cuộc chiến với Nga năm 2008.

Saakashvili xác nhận Ukraine trợ giúp Gruzia trong cuộc chiến năm 2008

Cựu Tổng thống Gruzia hiện là Thống đốc khu vực Odessa của Ukraine là ông Mikhail Saakashvili tuyên bố rằng, chính quyền Kiev vào năm 2008 đã giúp đỡ nước này rất nhiều về mặt quân sự trong cuộc chiến với Nga, liên quan đến 2 khu vực ly khai Nam Ossetia và Abkhazia.

Vị cựu Tổng thống Gruzia Sakashvili tuyên bố điều này tại cuộc họp báo hôm thứ hai - ngày 8/8, nhân mốc kỷ niệm 8 năm nổ ra cuộc “Chiến tranh 5 ngày” giữa Nga với Gruzia.

Ông Saakashvili thừa nhận, vào thời điểm trước, trong và sau “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Moscow, chính quyền Ukraine đã cung cấp cho đất nước ông các phương tiện phòng không, đồng thời Kiev cũng giúp Tbilisi đào tạo huấn luyện các chuyên gia quân sự.

Vị cựu Tổng thống Gruzia bày tỏ sự biết ơn của mình đối với sự giúp đỡ chí tình của nước bạn vào thời điểm đó và cho rằng, nếu không có sự giúp đỡ của Ukraine, nhà nước Gruzia khi ấy sẽ không thể trụ nổi trước sức tấn công ghê gớm của Nga.

Ông Sakashvili tiết lộ, Ukraine đã cung cấp cho Gruzia các hệ thống phòng không tối tân Buk và Osa cũng nhiều cơ số đạn dược cho mỗi hệ thống. Nhờ vậy quân đội nước này đã bắn rơi 12 máy bay ném bom của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia Nga đã phản bác số liệu mà ông Sakashvili đưa ra và tuyên bố rằng, trong cuộc chiến tranh với Tbilisi, Moscow chỉ tổn thất 4 máy bay, bao gồm 3 chiếc Su-25 và 1 máy bay thuộc dòng Tu-22, nhưng không phải loại máy bay ném bom tầm xa mà là phiên bản trinh sát.

Đồng thời, không phải là Gruzia đã “trụ vững” trước sức tấn công của quân đội Nga mà là do chính quyền Moscow đã hạ lệnh cho quân đội dừng bước trước cửa ngõ thủ đô Tbilisi, để buộc chính quyền Sakashvili phải đầu hàng, nếu không họ có thể đánh thẳng vào đó trong vòng vài chục phút.

Rạng sáng ngày 8/8/2008, Gruzia đã dồn dập nã hỏa tiễn từ các dàn phóng rocket nhiều nòng BM-21 Grad vào thủ phủ Tkhinsvali của Nam Ossetia, đồng thời tấn công đánh chiếm nước Cộng hòa này. Bước đầu, quân Gruzia đã phá hủy một phần thủ phủ Tskhinvali.


Xe tăng-thiết giáp Nga tiến vào Nam Ossetia tháng 8/2008

Xe tăng-thiết giáp Nga tiến vào Nam Ossetia tháng 8/2008

Ngay lập tức, ông Putin (khi đó là Thủ tướng, ông Medvedev là Tổng thống) đã bỏ Olympic Bắc Kinh bay về nước. Để bảo vệ cư dân Nam Ossetia với nhiều người đã nhận quốc tịch Nga, Moscow đã đưa quân vào Tkhinsvali.

Đến ngày 11-8, quân Nga đã dễ dàng xua đuổi quân đội Gruzia khỏi Nam Ossetia. Trong khi đó, lực lượng vũ trang của khu vực ly khai Abkhazia cũng đánh bật quân đội Gruzia ra khỏi lãnh địa của mình.

Sau đó, quân Nga còn tiếp tục truy đuổi quân Gruzia đến gần thủ đô Tbilisi mới dừng lại do không có ý định đánh chiếm toàn bộ Gruzia, đồng thời đáp ứng lời kêu gọi đàm phán của các nước phương Tây, đứng đầu là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Sau 5 ngày chiến đấu, ngày 12/8, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tuyên bố hoàn tất chiến dịch và rút quân, chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn sơ bộ 6 điểm với Gruzia. Thế giới cũng chính thức lấy ngày 8/8 và 12/8 làm ngày mở đầu và kết thúc "Cuộc chiến 5 ngày".

Đến ngày 25-8, cả hai vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia tuyên bố độc lập, Đến ngày 26-8 năm đó, Liên bang Nga là nước đầu tiên tuyên bố công nhận chủ quyền của hai nước Cộng hòa ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.

Kịch bản Gruzia lặp lại ở Ukraine

Việc ông Saakashvili tuyên bố Ukraine đã trợ giúp cho Gruzia trong thời gian “Cuộc chiến 5 ngày” với Nga thoạt đầu không làm ai ngạc nhiên. Nhưng sau khi phân tích kỹ thì đây là điều rất dễ hiểu vì chính quyền Ukraine năm đó cũng là một sản phẩm của “Cách mạng màu” phương Tây.

Đồng thời những kịch bản của cuộc chính biến Ukraine tháng 2/2014 (cách mạng Cam 2, sau lần thứ nhất vào năm 2004) đưa chính quyền Poroshenko/Yatsenyuk cũng có những dáng dấp của Gruzia thời kỳ ông Saakashvili nắm quyền sau cuộc “Cách mạng Nhung” năm 2003.

Ngay từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, quan hệ hai nước trở nên bất ổn bởi mâu thuẫn liên quan đến 2 khu vực đòi độc lập là Abkhazia và Nam Ossetia, tương tự như 2 nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk của Ukraine, tuy nhiên, căng thẳng vẫn dừng ở mức khống chế được.

Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó, quan hệ Nga-Gruzia đột nhiên trở nên đặc biệt căng thẳng sau cuộc “Cách mạng Hoa hồng” năm 2003, lật đổ nhà lãnh đạo kỳ cựu Eduard Shevardnadze - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đưa ông Saakashvili lên làm Tổng thống và xây dựng một chính quyền “thù địch Nga, thân phương Tây”.

Mâu thuẫn Nga - Gruzia trở nên trầm trọng khi Tổng thống Gruzia liên tục chĩa mũi dùi vào Nga, khuyến khích người dân trong nước quên đi lịch sử gắn liền với Liên Xô và xây dựng một Gruzia theo mô hình phương Tây. Đó là những điều mà Ukraine sau này cũng đã trải qua.

Trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ George Bush giai đoạn cuối nhiệm kỳ thứ 2 của ông này, ông Saakashvili luôn cam kết rằng: “Không ai có thể cản trở tiến trình dân chủ của Gruzia”, đồng thời triển khai “sâu, rộng” chính sách bài Nga và o ép các dân tộc thiểu số thân Nga. Đây cũng chính là “vết xe đổ” mà Ukraine đã dẫm phải.

Người Nam Ossetia bị cưỡng ép phải sống ở Gruzia và có nguy cơ bị đồng hóa, cả nước chỉ còn lại duy nhất một người mang họ của người dân tộc thiểu số ở Ossetia. Trong Quốc hội có 150 nghị sĩ thì chỉ có 4 nghị sĩ là người dân tộc thiểu số Armenia và Azerbaijan, trong Chính phủ chỉ có duy nhất một bộ trưởng là người gốc Nga.

Sau khi Kosovo tuyên bố độc lập vào ngày 17/2/2008, Gruzia hiểu rằng triển vọng lập lại sự toàn vẹn lãnh thổ của họ càng trở nên mù mịt. Tbilisi đặt mục tiêu gia nhập tổ chức quân sự này như là một công cụ cho phép họ đảm bảo an ninh cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ lâu dài.

Quan điểm này của Tbilisi được Washington nhiệt liệt tán thành. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp, phương Tây sẽ hỗ trợ Gruzia trong cuộc đối đầu quân sự với Nga - đã trở lại với tư cách một cường quốc kinh tế và quân sự, sau gần chục năm ông Putin lên nắm quyền.

“Cách mạng cam” ở Ukraine 2004/2014 chỉ là sự lặp lại “Cách mạng Hoa hồng” ở Gruzia 2003 và đương nhiên là có kết cục giống nhau
“Cách mạng cam” ở Ukraine 2004/2014 chỉ là sự lặp lại “Cách mạng Hoa hồng” ở Gruzia 2003 và đương nhiên là có kết cục giống nhau

Đang say men chiến thắng khi vừa tái đắc cử Tổng thống Gruzia tháng 5-2008 và tin tưởng vào lời hứa của phương Tây, ông Saakashvili đã quyết định dấn thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình là thống nhất Gruzia.

Quyết định củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước bằng biện pháp quân sự là một sai lầm lớn của ông Saakashvili. Nó đã làm hàng nghìn người dân ở Nam Ossetia và Gruzia thiệt mạng, hàng chục vạn người khác phải ly tán, hàng trăm nghìn căn nhà bị phá hủy giống hệt thảm cảnh Ukraine sau này.

Đại đa số người dân ở Nam Ossetia, Abkhazia mất hy vọng vào một sự hoà giải với chính phủ Gruzia, làm mục tiêu thống nhất đất nước của ông Saakashvili càng trở nên xa vời, đồng thời tiến trình hòa giải dân tộc cũng vô phương cứu vãn.

Quyết định thu hồi các vùng lãnh thổ Nam Ossetia và Abkhazia bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Tổng thống Mikhail Saakashvili vào tháng 8/2008 đã trở thành một thảm họa đối với đất nước này, không chỉ khiến nền kinh tế đất nước suy sụp mà Gruzia còn mất đi 2 vùng lãnh thổ.

Năm đó, ông Saakashvili đã bị Mỹ mang ra làm con tốt trong cuộc đối đầu với Nga và nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền thân phương Tây ở Kiev, mà phần lớn trong số đó sau này cũng đã phá nát đất nước Ukraine bằng kịch bản giống như Gruzia.

(Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu về những nhà lãnh đạo Kiev khi đó đã hỗ trợ Tbilisi và những ai sau này đã tham gia vào việc đẩy đất nước Ukraine đi đến thảm cảnh ngày hôm nay).

Theo Thiên Nam

Đất Việt