1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cú sốc Afghanistan" - cơn đau đầu thực sự của ông Biden

Nguyễn Nhâm

(Dân trí) - Sự sụp đổ nhanh chóng không ngờ của chính phủ Afghanistan trước nhóm vũ trang Taliban đã khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với một cơn đau đầu thực sự, chỉ nửa năm sau khi ông lên nắm quyền.

Cú sốc Afghanistan - cơn đau đầu thực sự của ông Biden - 1

Tổng thống Joe Biden (Ảnh: AP).

Taliban từ ngày 15/8 đã kiểm soát hoàn toàn Afghanistan và tuyên bố sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo". Một số chuyên gia nhận định, sự sụp đổ nhanh chóng của Chính phủ ở Kabul chính là sự thất bại từ từ và kéo dài của Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ.

Sự kiện 11/9

Để trả đũa vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9, ngày 7/10/2001, Mỹ, Anh cùng các đồng minh bắt đầu chiến dịch trên lãnh thổ Afghanistan bằng một loạt phi vụ không kích các căn cứ quân sự của Taliban với lý do "chứa chấp trùm khủng bố Osama bin Laden", kẻ bị cáo buộc là chủ mưu các vụ khủng bố 11/9. Đúng 2 tháng sau, ngày 7/12/2001, chế độ Taliban đã sụp đổ hoàn toàn.

Tuy nhiên, các thành viên Al-Qaeda và Hồi giáo cực đoan khác, từng chiến đấu trong hàng ngũ Taliban còn sống sót trong những ổ kháng cự trước kia, đã tái nhóm và tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. 

Tháng 3/2002, các quân đội Mỹ tiến hành Chiến dịch Anaconda. Hơn 800 tay súng Taliban và Al-Qaeda đã bị đánh bật khỏi Thung lũng Shah-i-Kot. Sau khi lật đổ Taliban, Mỹ và NATO đã chi hàng tỷ USD để tái thiết đất nước Afghanistan. Năm 2003, sau khi triển khai 8.000 binh lính ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu chuyển nguồn lực chiến đấu sang cuộc chiến ở Iraq.

Năm 2004, một chính quyền thân Mỹ được dựng lên ở Kabul, tuy nhiên, các cuộc tấn công của Taliban vẫn tiếp diễn. Năm 2009, Mỹ tăng quân tại Afghanistan, giúp đẩy lùi Taliban, nhưng tình thế không duy trì được lâu. Năm 2012, các lực lượng NATO đã bắt đầu chiến lược rút lui, Mỹ  tuyên bố các hoạt động tác chiến lớn của họ sẽ kết thúc vào tháng 12/2014.

Năm 2014, các lực lượng quốc tế của NATO chấm dứt hoạt động giao tranh và trao lại việc đảm bảo an ninh cho quân đội Afghanistan. Điều này khiến cho Taliban có đà tiến lên, và họ đã chiếm được thêm lãnh thổ.

Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban được khởi động, trong đó chính phủ Afghanistan gần như không tham gia, thỏa thuận rút quân đã đạt được vào tháng 2/2020 tại Qatar. Theo đó, các lực lượng Mỹ sẽ rời Afghanistan vào ngày 1/5/2021. Tuy nhiên, thỏa thuận không làm chấm dứt các cuộc tấn công của Taliban. Thay vào đó, họ chuyển mục tiêu tấn công vào các lực lượng an ninh Afghanistan, dân thường và các mục tiêu cần ám sát. Những vùng đất do Taliban kiểm soát ngày càng rộng lớn thêm.

Nắm bắt cơ hội sau khi Mỹ rút quân, Taliban đã tiến quân khắp miền Bắc Afghanistan. Tại nhiều khu vực, quân chính phủ thậm chí đầu hàng mà không chiến đấu. Trong hơn tuần qua, Taliban đã ồ ạt tấn công vào hàng loạt các vị trí chính phủ Afghanistan kiểm soát. Ngày 15/8, Taliban đã chiếm thủ đô Kabul, Tổng thống Afghanistan nhanh chóng chạy khỏi đất nước. Taliban tuyên bố sẽ sớm thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo".

Có thể nói 20 năm qua, Mỹ mặc dù tiêu tốn sức người, sức của nhưng không tiêu diệt được Taliban, mà buộc phải chấp nhận sự hiện diện của lực lượng này trong đời sống chính trị Afghanistan. Theo một thống kê, tính đến tháng 4 năm nay, có  2.448 binh lính Mỹ thiệt mạng, hơn 20.000 lính Mỹ bị thương. Số binh lính của đồng minh và các quốc gia thành viên NATO thiệt mạng là 1.144 người.

Mức phí tổn cho cuộc xung đột, bao gồm các khoản chi cho quân sự và tái thiết Afghanistan là 978 tỷ USD tính đến 2020. Ngoài ra, số tiền Mỹ phải dùng để trả chi phí y tế, trợ cấp thương tật, chôn cất và các chi phí khác cho khoảng 4 triệu cựu binh Afghanistan và Iraq là hơn 2.000 tỷ USD.

Tương lai nào cho Afghanistan?

Một số chuyên gia cho rằng, sau khi Taliban giành quyền lực một tương lai bất định sẽ dành cho Afghanistan. Những năm 90 của thế kỷ trước, Taliban hứa hẹn những điều tốt đẹp nhưng trên thực tế lại duy trì quy tắc Hồi giáo nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mới đây, thủ lĩnh tối cao Taliban, Hibatullah Akhundzada, tuyên bố Taliban đang trên đà thiết lập một "hệ thống Hồi giáo thuần túy" ở Afghanistan, nơi phụ nữ và các nhóm thiểu số không được hưởng các quyền.

Tuyên bố trên làm dấy lên lo ngại, người dân Afghanistan sẽ một lần nữa phải chịu một trong những hình thức khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa toàn trị tôn giáo, đảo ngược hai thập niên tiến bộ của phụ nữ và các nhóm thiểu số. Một hệ lụy khác là nguy cơ truyền bá các tư tưởng cực đoan thánh chiến, sự trở lại của tổ chức như IS, hay Al-Qaeda. Vì vậy, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái, yêu cầu Taliban "thực hiện kiềm chế tối đa".

Thế nhưng, cũng có các đánh giá khác rằng lực lượng Taliban ngày đã khác rất nhiều so với trước đây. Bằng chứng là Taliban mới đây kêu gọi người dân không nên lo sợ, lực lượng này không có ý định trả thù bất cứ ai. Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 6, người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban mô tả Afghanistan thời hậu chiến sẽ là đất nước tuân thủ luật pháp, là một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở mang kinh doanh, hòa thuận cả bên trong lẫn với láng giềng và thế giới.

Ngày 16/8, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, Mohammad Naeem, khẳng định rằng phong trào này không muốn tồn tại trong tình trạng bị cô lập và hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế, rằng lực lượng này "sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia". Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại. Ông Shaheen cũng hé lộ, chính phủ mới sẽ bao gồm những người Afghanistan không phải thành viên Taliban.

Bài toán khó của ông Biden

Về phần Mỹ, theo các nhà phân tích, sẽ có những rủi ro chính trị mới đối với Tổng thống Biden. Washington hiện đã rút gần hết các lực lượng đồn trú tại Afghanistan, sẽ rất khó để chính quyền Biden duy trì ảnh hưởng đối với các diễn biến trên thực địa cũng như quá trình thành lập chính phủ do Taliban đứng đầu. Cựu Tổng thống Donald Trump thì cho rằng "đây sẽ trở thành một trong những thất bại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ" và kêu gọi ông Biden từ chức.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden không có ý định đảo ngược quyết định rút quân. Ông khẳng định, nước Mỹ đã nhận ra những rủi ro trong tương lai và đã có sự chuẩn bị tốt cho từng tình huống, Washington sẽ không mắc phải những sai lầm trong quá khứ. Trong bài phát biểu, ngày 16/8, ông Biden nhấn mạnh: "Tôi kiên định ủng hộ quyết định của mình. Sau 20 năm, tôi buộc phải chấp nhận thực tế rằng không có thời điểm nào là thích hợp cho việc rút các lực lượng Mỹ".

Ông Biden cũng cho biết ông phải lựa chọn hoặc tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban, hoặc tiếp tục cuộc chiến tại quốc gia này. Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo sẽ đáp trả "nhanh chóng và mạnh mẽ" đối với bất kỳ cuộc tấn công nào để bảo vệ người dân của mình cũng như những người Afghanistan đã hỗ trợ Mỹ. Giới chức Mỹ cũng cho biết, hành động của Taliban sẽ quyết định liệu Washington có công nhận chính quyền mới ở Afghanistan hay không.

Như vậy, dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải chấp nhận thực tế là Taliban đã kiểm soát Afghanistan và chuẩn bị cho thiết lập chính quyền mới. Dư luận cho rằng, để có một tương lai tốt đẹp cho Afghanistan, một cuộc đối thoại hòa giải dân tộc giữa các bên, trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó là sự nỗ lực cộng đồng quốc tế, góp phần mang lại hòa bình và ổn định cho Afghanistan, đảm bảo môi trường an ninh của khu vực và thế giới.