1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Covid-19 khiến tuổi thọ con người giảm nhiều nhất kể từ Thế chiến 2

Minh Phương

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến tuổi thọ trung bình của người dân nhiều nước trên thế giới giảm mạnh, trong đó mức giảm ở nam giới mạnh hơn ở nữ giới.

Covid-19 khiến tuổi thọ con người giảm nhiều nhất kể từ Thế chiến 2 - 1

Nhân viên y tế tại Ukraine trong trang phục bảo hộ (Ảnh: Reuters).

Reuters dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford công bố ngày 27/9 cho biết, tuổi thọ trung bình của người dân ở 22 trong số 29 quốc gia được phân tích năm 2020 giảm hơn 6 tháng so với năm 2019.

Tính chung, tuổi thọ của người dân ở 27 trong số 29 quốc gia này đều giảm và hầu hết có thể do Covid-19. Theo thống kê của Reuters, kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, nó đã lấy đi sinh mạng của gần 5 triệu người.

Cũng theo nghiên cứu trên, tuổi thọ của nam giới giảm nhiều hơn so với nữ giới ở hầu hết các nước, trong đó, tuổi thọ nam giới ở Mỹ giảm nhiều nhất, tương đương giảm 2,2 năm so với năm 2019. Tính chung, tuổi thọ trung bình của nam giới ở 15 quốc gia giảm hơn một năm ở 15 nước, tuổi thọ của phụ nữ giảm ở 11 nước.

Tại Mỹ, số ca tử vong chủ yếu ở người trong độ tuổi lao động và người dưới 60 tuổi. Tại châu Âu, bộ phận này chủ yếu ở nhóm người trên 60 tuổi.

"Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác động trực tiếp do Covid-19 gây ra và cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến các nước", Tiến sĩ Ridhi Kashyap, đồng tác giả của nghiên cứu, bình luận.

Tiến sĩ Kashyap cũng kêu gọi nhiều quốc gia hơn nữa, trong đó có các nước thu nhập thấp và trung bình, cung cấp dữ liệu về tỷ lệ tử vong để giúp các chuyên gia mở rộng nghiên cứu nhằm hiểu rõ hơn về tác động của đại dịch trên toàn cầu.

Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Theo số liệu của Worldometer, đại dịch này đã khiến hơn 230 triệu người nhiễm bệnh, lấy đi sinh mạng của khoảng 4,7 triệu người.

Đại dịch khiến nhiều nước trên thế giới rơi vào một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng chưa từng có và làm xáo trộn đời sống kinh tế, xã hội của hầu hết các nước. Để đối phó với các làn sóng bùng phát của đại dịch, các nước đã thực thi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại cả trong nước và quốc tế, khiến các hoạt động kinh tế, xã hội bị gián đoạn.

Một chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có trong lịch sử loài người đang diễn ra nhằm đối phó với đại dịch. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, khoảng 6,6 tỷ người trên thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 tính đến ngày 26/9. Trung Quốc đã tiêm chủng nhiều nhất thế giới với gần 2,2 triệu liều, tiếp đến là Ấn Độ với hơn 855 triệu liều.

Trong khi một số nước chưa triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19, một số nước, trong đó có Israel, đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho người dân đã tiêm đủ hai mũi tiêu chuẩn. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm liều tăng cường để các nước thu nhập thấp và trung bình có thêm nguồn cung vắc xin để tăng tỷ lệ tiêm chủng.